Hiện tượng tự tử dưới cái nhìn của tâm lý học và Phật giáo
Tất cả mọi người sống trong cõi đời này đều không dưới một lần nếm trải mùi vị của khổ đau. Và không ít người đã phải đối diện với những nỗi đau khổ cùng cực, dường như không còn lối thoát.
Trong tình cảnh đó, một số người đã tìm đến cái chết – tự tử – xem như đấy là giải pháp duy nhất mà họ có thể chọn để thoát khỏi tình cảnh đen tối trong hiện tại.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có hơn 1.500.000 người tự tử, và tự tử đứng hàng thứ 10 trong số những nguyên nhân dẫn đến tử vong trên thế giới. Đặc biệt, đối với độ tuổi thanh thiếu niên và người lớn dưới 35 tuổi, tự tử là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong. Hiện tượng tự tử đã xảy ra từ thời xa xưa, và trong thời đại ngày nay, tỷ lệ tử vong do tự tử ngày càng tăng cao.
Tự tử là một hành động cố ý giết hại bản thân, cố ý cướp đi sinh mạng của chính mình. Mạng sống rất quan trọng. Tất cả mọi người đều muốn sống, đều mưu cầu hạnh phúc. Vậy thì tại sao lại có những người tự mình tìm đến cái chết, tự mình kết liễu sinh mạng của mình như thế? Tâm lý học và Phật giáo nhìn nhận vấn đề này như thế nào? Liệu tâm lý học và Phật giáo có thể đưa ra những giải pháp nào hay để giải quyết cho vấn nạn này?
Quan điểm của tâm lý học về tự tử
Trong tâm lý học có nhiều quan điểm, nhiều khái niệm khác nhau về tự tử.
Theo nhà tâm lý học người Mỹ, Edwin Shneidman, tự tử là hành động tự làm tổn thương, cố ý chấm dứt sinh mạng của bản thân. Tự tử không phải là một chứng bệnh (mặc dầu có nhiều người nghĩ thế); tự tử không phải là do sự bất bình thường về mặt sinh học; nó cũng không phải là một hành động vô đạo đức, và không phải là một hành vi phạm pháp trong hầu hết các quốc gia trên thế giới (mặc dầu đã nhiều thế kỷ, ở nhiều quốc gia, người ta cho rằng tự tử là một hành vi phạm pháp)(1).
Charles Bagg, một chuyên gia tâm lý người Anh, cho rằng, tự tử là hành động cướp đi sinh mạng của bản thân một cách có chủ tâm, và hành động này có thể là hậu quả của những chứng bệnh tâm thần và cũng có thể là hậu quả của những động cơ khác nhau; những động cơ này không nhất thiết phải liên quan đến các chứng bệnh tâm thần, nhưng chúng mạnh hơn cả bản năng sinh tồn của con người(2).
Walter Hurst, nhà tâm lý học người New Zealand, cho rằng việc đưa ra quyết định tự tử thường bị thúc đẩy bởi ý muốn chấm dứt sự sống hơn là muốn chết. Tự tử là một sự lựa chọn quả quyết khi phải đối diện với một nỗi đau khổ cùng cực, dường như vượt quá mức chịu đựng của cá nhân và tự thân không thể nào giải quyết được.
Nhà tâm lý học người Ba Lan, Tadeusz Kielanowski, cho rằng tự tử là một quyết định bi thảm của một người khi họ không thấy người nào đưa tay ra giúp đỡ họ.
Trong cuốn sách Definition of Suicide (định nghĩa về tự tử) xuất bản năm 1985, Edwin Shneidman đã định nghĩa tự tử như sau: Tự tử là một hành động tự kết liễu sự sống của bản thân một cách có ý thức. Ở đấy, người ta phải đối mặt với một tình cảnh vô cùng khó khăn, phức tạp và họ nhận thấy rằng tự tử là giải pháp tốt nhất để giải quyết khó khăn đó(3).
Nguyên nhân dẫn đến tự tử
Khi nghiên cứu về các tác nhân có nguy cơ cao đối với hành vi tự tử, các nhà tâm lý học đã nhận ra nhiều căn nguyên dẫn đến hành vi này.
Nhân tố quan trọng nhất và dẫn đến nguy cơ tự tử cao nhất là các chứng bệnh về tâm lý, những rối loạn tinh thần, chẳng hạn như bị bệnh tâm thần phân liệt, bị trầm cảm nặng, bị chứng rối loạn lưỡng cực (lúc thì vui đến phát cuồng, lúc thì buồn đến mức suy sụp tinh thần), bị sang chấn tâm lý mạnh (có thể là do mất đi người thân yêu nhất, do bị chối bỏ, bị hắt hủi,…).
Lạm dụng các chất kích thích là nguyên nhân phổ biến thứ hai của việc tự tử. Việc lạm dụng các chất kích thích trong thời gian ngắn cũng như trong thời gian dài đều làm nguy cơ tự tử tăng lên. Hơn 50% số người tự tử có dính líu đến việc sử dụng bia rượu và ma túy. Hơn 25% số người nghiện ma túy và nghiện rượu tự tử. Trong lứa tuổi vị thành niên, việc lạm dụng bia rượu và ma túy chiếm tỷ lệ 70% số trẻ vị thành niên tự tử(4).
Tiếp theo là những nguyên nhân do các chứng bệnh về sinh lý, như bị mắc phải các chứng bệnh nan y, bị khuyết tật hoặc bị mất khả năng vận động do tai nạn đột ngột gây ra,… Não bộ bị thương tổn, hoạt động kém hiệu quả ở một vài chức năng nào đó cũng dễ dẫn đến việc tự tử. Những thương tổn sinh lý này gây ra thiểu năng trong quá trình nhận thức và ảnh hưởng đến các hoạt động sống, các quan hệ xã hội của người bệnh, chúng tác động ngược trở lại với xúc cảm, tình cảm, tâm trạng,… của người bệnh, khiến cho nguy cơ tự tử của người bệnh tăng cao.
Và cuối cùng là những tác nhân thuộc về môi trường xã hội. Qua các nghiên cứu và thống kê cho thấy, có những trường hợp tự tử xảy ra do những tác nhân, những sự kiện bên ngoài, những ảnh hưởng từ phía xã hội, chẳng hạn như bị người yêu chối bỏ, bị thầy cô giáo phạt, bị bạn bè trêu chọc, bị quấy rối, bị lạm dụng tình dục, bị cưỡng hiếp, bị cha mẹ trách mắng, bị mất cha hay mẹ, cha mẹ ly hôn, bị mất việc, bị sạt nghiệp, bị vỡ nợ, bị phản bội,… Đôi khi nhiều thanh thiếu niên tử tử vì một nguyên nhân rất lạ đời, như thần tượng của họ (ngôi sao ca nhạc, ngôi sao điện ảnh, người mẫu thời trang,…) bị chết hoặc tự tử, dẫn đến việc họ quyết định chết theo.
Biện pháp ngăn ngừa sự tự tử
Với những quan điểm, luận thuyết và những kết quả nghiên cứu về vấn đề tự tử như thế, các nhà tâm lý học đã đề xuất các giải pháp để ngăn ngừa sự tự tử trong xã hội, cụ thể như sau:
– Tuyển chọn và đào tạo các nhóm tình nguyện viên để phục vụ việc tư vấn các vấn đề liên quan đến tính riêng tư của cá nhân.– Nâng cao khả năng phục hồi tinh thần thông qua cách tư duy tích cực và các mối quan hệ xã hội.– Giáo dục về sự tự tử, bao gồm cả những tác nhân có nguy cơ, những dấu hiệu cảnh báo, và khả năng sẵn sàng hỗ trợ.– Nâng cao hiệu quả của các dịch vụ y tế và phúc lợi xã hội. Nâng cao chất lượng đào tạo các chuyên viên y tế và thành lập các trung tâm tư vấn cho những người bị khủng hoảng.– Hạn chế vấn đề bạo lực trong gia đình, nhà trường và xã hội. Hạn chế việc lạm dụng các chất kích thích để giảm bớt những vấn đề rắc rối về sức khỏe tinh thần.– Hạn chế khả năng tiếp cận dễ dàng đối với những phương tiện dùng để tự tử.– Can thiệp trực tiếp đến những nhóm đối tượng có nguy cơ tự tử cao.
Bên cạnh đó, đứng về phương diện chuyên môn, các chuyên gia tâm lý còn áp dụng các liệu pháp tâm lý để hỗ trợ nhằm ngăn ngừa, hạn chế tự tử. Cụ thể là sử dụng Liệu pháp tâm lý nhóm, thông qua đó các chuyên gia tâm lý giúp cho những người có ý muốn tự tử có được những kỹ năng sống cơ bản trong đời sống hàng ngày, như giúp cho người có nguy cơ tự tử nhận thức được những quyền cá nhân cơ bản của họ, hình thành cho họ những kỹ năng xoa dịu các xúc cảm, thiết lập những ranh giới trong các mối quan hệ xã hội, tham gia các hoạt động giải trí lành mạnh, và hình thành những kỹ năng giải quyết các vấn đề khó khăn của cuộc sống.
Quan điểm của Phật giáo về tự tử
Theo Phật giáo, để đánh giá tính chất của một hành động, không chỉ dựa vào những biểu hiện bên ngoài, mà còn phải căn cứ vào động cơ, yếu tố tâm lý bên trong. Đức Phật dạy rằng: “Tâm dẫn đầu các pháp, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nói năng và hành động với tâm thanh tịnh thì sự an lạc sẽ theo ta như bóng không rời hình. Tâm dẫn đầu các pháp, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nói năng và hành động với tâm ô nhiễm thì sự khổ sẽ theo ta như bánh xe lăn theo chân con vật kéo.” (Kinh Pháp Cú, kệ 01 – 02). Do vậy, đánh giá tính chất của hành động tự tử cũng dựa theo nguyên tắc này.
Nếu như người nào chịu hy sinh thân mạng của mình để đem lại an vui, hạnh phúc cho số đông, cho tập thể, và họ chết trong tâm trạng an nhiên, tự tại, không hề bị khổ đau bức ngặt, không hề lo sợ, thì đấy là một sự hy sinh vĩ đại, được mọi người ca tụng. Điển hình cho trường hợp này là hình ảnh các vị tu sĩ Phật giáo Việt Nam đã tự thiêu trong năm 1963 nhằm đòi lại sự công bằng, tự do và bình đẳng cho tín đồ Phật giáo nói riêng và cho nhân dân Việt Nam nói chung. Họ hy sinh để cho đất nước được yên bình, cho mọi người được ấm no, hạnh phúc. Hành động của họ được ví như hành động của bậc Bồ tát, xả thân vì tương lai của đạo pháp, vì lợi ích của mọi người. Hoặc như trong kinh điển đề cập đến một vị Tỳ kheo trẻ tuổi đã tự tử để giữ gìn phạm hạnh của mình khi bị một người nữ cưỡng ép quan hệ chăn gối với cô ta. Vị này biết rõ rằng nếu mình chịu quan hệ thì sẽ vi phạm giới luật; nhưng nếu không chịu quan hệ thì cô ta sẽ vu khống rằng mình đã có những hành vi tồi bại. Vì thế, để giải quyết tình cảnh bế tắc này mà không phạm giới, vị ấy quyết định tự kết liễu đời mình. Suy nghĩ như thế rồi, vị ấy giả vờ đồng ý và bảo cô đợi một chút. Vị Tỳ kheo vào phòng trong, đóng cửa và tự đâm vào cổ họng mà chết. Trước khi tắt thở, vị ấy kính lễ mười phương Tam bảo rồi dùng máu của mình viết lên vách mấy chữ như sau: “Vì tôn kính Tam bảo và gìn giữ giới hạnh mà con quyết định từ bỏ thân này”. Đây cũng là một sự hy sinh cao cả, chấp nhận hy sinh để bảo tồn uy danh cho ba ngôi Tam bảo, để giữ gìn giới thân huệ mạng của mình.
Tuy nhiên, những trường hợp hy sinh như thế là rất hiếm. Vấn đề cần bàn là đối với những trường hợp tự tử với tâm tiêu cực. Hầu hết những người tự tử đều mang tâm trạng khổ đau cùng cực, đều hoang mang, lo sợ. Họ tự tử không phải vì muốn chết mà là muốn trốn chạy khổ đau trong hiện tại. Tự tử đối với họ xem như là một lối thoát, một giải pháp cho tình cảnh bế tắc của bản thân. Hành động này hoàn toàn đi ngược lại với tinh thần của đạo Phật. Đức Phật dạy rằng: “Thân người khó được”. Được làm thân người là một diễm phúc vô cùng lớn, một khi bị mất đi thì không biết đời nào mới được sinh làm người trở lại. Dẫu biết rằng tấm thân năm uẩn này là giả tạm, nhưng cần phải nương vào thân này, dùng thân này làm phương tiện để tu thân hành thiện, để tịnh hóa thân tâm và tu tạo các công đức. Nếu hủy diệt thân này thì biết lấy gì để làm phương tiện tu tập. Chính vì vậy mà Đức Phật đã chế giới không sát sanh, trong đó quan trọng nhất là không được giết hại sinh mạng con người. Nếu ai phạm vào giới này thì xem như là người bỏ đi, vì họ không còn chút từ tâm, không có lòng trắc ẩn, không còn có cơ may chuyển hóa. Liên quan đến giới không sát sanh, trong Luật tứ phần có đề cập đến trường hợp các vị Tỳ kheo sau khi nghe Đức Phật dạy phép quán thân bất tịnh, do hiểu chưa thấu đáo chủ ý của Đức Phật về phép quán này, nên họ sinh tâm nhàm tởm thân mạng rồi có vị thì tự sát, có vị thì nhờ người khác đoạn thân mạng mình. Đức Phật dạy phép quán bất tịnh là để đoạn trừ lòng tham ái, nhất là luyến ái thân thể của mình hoặc của người khác. Biết được sự việc này, Đức Phật đã nhóm họp chúng Tỳ kheo và dạy rằng: “Việc làm của các vị ấy là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp của Sa môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, là việc không nên làm. Làm sao các Tỳ kheo ấy lại ngu si mà dứt mạng lẫn nhau? Các Tỳ kheo ấy là những người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này”. Nhân đấy mà Đức Thế Tôn chế giới không được sát sanh: “Tỳ kheo nào cố ý tự tay dứt sinh mạng người, cầm dao đưa người, khen ngợi sự chết, khuyến khích cho chết, nói: ‘Này nam tử, ích gì cuộc sống xấu ác này, thà chết còn hơn sống!’ Với tâm tư duy như vậy, dùng mọi phương tiện khen ngợi sự chết, khuyến khích cho chết; Tỳ kheo ấy là kẻ ba-la-di, không được sống chung”(5). Qua đây, chúng ta thấy rõ lập trường, quan điểm của Đức Phật về vấn đề giết hại sinh mạng, dù là sinh mạng của chính mình hay của người khác, dù cho tự mình giết, hỗ trợ người khác giết, khen ngợi việc giết hại, khuyến khích người khác tìm đến cái chết đều phạm tội ba-la-di, một trong bốn trọng tội của một vị tu sĩ.
Hơn nữa, giải quyết vấn đề khó khăn bằng cách chạy trốn, bằng cách tự tử không phải là một giải pháp hay. Đức Phật khuyên mọi người nên đối diện với hiện thực cuộc sống, đối diện với những khó khăn, những khổ đau của mình để tìm ra giải pháp giải quyết một cách triệt để chứ không nên trốn chạy. Tự tử không giải quyết được vấn đề. Nếu sự khổ đau ấy là do nghiệp nhân chúng ta đã tạo trong quá khứ, bây giờ phải trả quả thì trốn chạy không phải là cách tốt, vì chỉ có thể trốn chạy một lần chứ không thể trốn chạy mãi được, chi bằng chúng ta đối diện với quả khổ ấy để rồi tìm cách chuyển hóa, như thế mới có cơ may chuyển được nghiệp khổ. Đấy là chưa kể khi tự tử, do cận tử nghiệp không tốt nên khiến cho người tự tử rất dễ bị đọa lạc vào những chốn khổ đau, u tối.
Về nguyên nhân đưa đến tự tử, tất cả các trường hợp tự tử với tâm trạng bi quan, tiêu cực đều là do họ bị lâm vào tình cảnh khổ đau cùng cực, không còn lối thoát nào khác. Khổ đau ấy có thể do mong cầu mà không được toại ý; do không làm chủ được cảm xúc, suy nghĩ thiếu chín chắn nên đã dẫn đến hành động nông nổi; do tự ái cá nhân quá cao nên khi bị người khác xem thường, khinh bỉ, khước từ hoặc làm nhục thì bị hụt hẫng, bị sốc cho nên tìm đến cái chết; hay là do lối sống trụy lạc, dẫn đến bị nghiện ngập; cũng có thể là do các chứng bệnh nan y giày vò thể xác lẫn tinh thần; hoặc bị các chứng bệnh tâm lý như là: bị stress nặng, bị trầm cảm nghiêm trọng, bị sang chấn tâm lý… Như vậy, đứng về góc độ Phật giáo, có thể kết luận nguyên nhân của tự tử là do nhiều lòng tham ái, do chấp ngã, sống thiếu chánh niệm, hoặc sâu xa hơn là do các nghiệp nhân bất thiện đã tạo ra trong quá khứ.
Đóng góp của Phật giáo cho việc giải quyết vấn nạn tự tử
Trước hết, chúng ta dễ dàng nhận thấy năm giới căn bản của Phật giáo (không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối trá, không dùng các chất kích thích) góp phần quan trọng trong việc ngăn ngừa và hạn chế nguy cơ dẫn đến tự tử. Trong đó, trực tiếp nhất là giới không sát sanh và không dùng các chất kích thích. Như trên chúng ta đã thấy, lạm dụng các chất kích thích là nguyên nhân xếp hàng thứ hai trong số những nguyên nhân chính dẫn đến tự tử. Nếu một người biết tuân thủ giới không sử dụng các chất kích thích mà Đức Phật đã chế định thì sẽ giảm đi rất nhiều các nguy cơ dẫn đến tự tử. Đối với giới không sát sanh cũng thế, nếu mọi người đều tuân thủ giới không sát sanh thì sẽ không xảy ra tự tử, vì ai cũng biết trân quý thân mạng, không nỡ hại người, hại mình. Còn vấn đề trộm cắp, quan hệ tình dục bất chính, nói những lời dối trá, thêu dệt, xuyên tạc sự thật cũng có thể xem là những tác nhân gián tiếp dẫn đến tự tử. Nếu như tuân thủ giới không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối trá thì có nghĩa là chúng ta đã hạn chế được các tác nhân gián tiếp ấy.
Lối sống “ít ham muốn, biết vừa đủ” cũng là một phương pháp tích cực để ngăn ngừa các tác nhân dẫn đến nguy cơ tự tử. Một khi con người biết áp dụng lối sống ít ham muốn, biết vừa đủ thì sẽ ít mong cầu, không chạy theo những thú vui trần tục, không bị những khoái cảm của các giác quan sai khiến, nhờ vậy mà cuộc sống được thăng bằng hơn, ít đau khổ hơn. Càng nhiều ham muốn thì càng đau khổ nhiều, ít ham muốn thì sẽ ít khổ đau.
Khiêm hạ là một phẩm chất đạo đức tốt, người nào biết thực tập đức khiêm hạ thì người ấy sẽ hạn chế rất nhiều các nguy cơ dẫn đến tự tử. Tại vì, khi mình biết khiêm hạ thì tâm mình ít bị dao động khi bị người khác chê bai hay ruồng bỏ; khi biết khiêm hạ thì dù có được người khác tâng bốc, lòng mình vẫn bình thản, cho nên không dễ dàng bị người khác lợi dụng, không dễ dàng bị người khác dẫn dắt để làm những việc tổn hại đến thanh danh, đạo đức của mình, tổn hại đến người khác. Do vậy mà mình sẽ ít phạm lỗi lầm hơn, ít khi phải sống trong tâm trạng bị lương tâm cắn rứt, bị dằn vặt đau khổ. Một khi biết sống với tâm khiêm hạ thì chúng ta luôn biết nhìn lên những người hơn mình để phấn đấu vươn lên, để sống tinh tấn hơn; đồng thời biết nhìn xuống những người kém may mắn hơn mình để tự biết rằng mình vẫn còn nhiều hạnh phúc, biết cảm thông và sẻ chia với người khác. Chính vì biết nhìn lên và nhìn xuống như thế, cho nên nếu không may lâm vào tình cảnh éo le, khổ đau cùng cực, mình cũng vẫn luôn lạc quan, tin tưởng, vẫn nuôi hy vọng về một ngày mai tươi sáng, vẫn cảm thấy mình còn hạnh phúc và may mắn hơn nhiều người, và phấn đấu để vượt qua chứ không quá bi thương, tuyệt vọng. Nhờ vậy mà ý niệm quyên sinh để thoát khỏi khổ đau không hề khởi lên trong tâm thức.
Các phương pháp thiền định và lối sống chánh niệm là một trong những phương pháp quan trọng của Phật giáo góp phần tích cực vào việc ngăn ngừa và hạn chế các nguy cơ tự tử, đồng thời góp phần điều hòa và chữa trị những tổn thương tinh thần do hành động tự tử gây ra cho chính nạn nhân cũng như cho người thân của họ. Trước hết, việc thực tập thiền định và sống chánh niệm sẽ giúp cho con người có được sự cân bằng tâm trí, nhận thức và đánh giá vấn đề đúng đắn, phù hợp hơn, đủ tỉnh táo và nhanh nhạy để đưa ra những giải pháp hiệu quả cho việc giải quyết những vướng mắc trong cuộc sống. Bên cạnh đó, thực tập thiền định và sống chánh niệm còn giúp cho hành giả làm chủ được xúc cảm của bản thân, nhờ vậy mà rất hiếm khi xảy ra những hành động bột phát, thiếu suy nghĩ. Không những thế, thiền định còn là một liệu pháp thư giãn rất hiệu quả, giúp giải tỏa những căng thẳng trong cuộc sống, không để cho những căng thẳng, những cảm xúc tiêu cực tích tụ trong thân tâm ngày này qua ngày khác để rồi dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc.
Thêm vào đó, nếp sống hiền thiện mà Đức Phật dạy còn là một phương pháp vô cùng hiệu quả trong việc ngăn ngừa và hạn chế tự tử. Nguyên nhân chính dẫn con người đến quyết định tự tử là do khổ đau cùng cực, không còn lối thoát. Nếu biết sống hiền thiện, gieo các nhân lành thì chắc chắn sẽ gặt hái được quả lành, cuộc sống sẽ không bị đẩy vào những tình cảnh bi đát, tuyệt vọng. Hoặc giả nếu có bị lâm vào tình cảnh khốn khó thì cũng sẽ gặp được những con đường thoát hiểm, hoặc là được người khác cứu giúp, không đến nổi phải tìm đến cái chết. Hơn nữa, nếu chúng ta sống một cuộc sống hiền lương, đối xử thân thiện, có tình có nghĩa với mọi người thì sẽ được mọi người quý mến và đối xử tốt với mình, do vậy mà mình không có kết oán, gây thù với ai. Không có oán thù với ai thì đâu đến nỗi phải lâm vào cảnh bi đát, tuyệt vọng, đâu phải ôm hận trong lòng. Đã không bị lâm vào cảnh khốn cùng, không đến nỗi hoàn toàn tuyệt vọng thì không có ai muốn kết liễu sinh mạng của mình cả.
Ngày nay, thế giới hiện đại đang dần dần khám phá ra những giá trị vô cùng quý báu của đạo Phật để giải quyết những vấn nạn của xã hội, nhất là các nhà tâm lý học, họ đã phát hiện được khả năng trị liệu các chứng bệnh tâm lý, những rối loạn tinh thần rất hiệu quả từ trong kho tàng giáo lý của đạo Phật. Mong sao kho tàng giáo pháp quý báu của đạo Phật ngày càng được nhiều người biết đến và chuyên cần áp dụng vào trong đời sống của bản thân để chuyển hóa khổ đau, để sống hạnh phúc, an lành.
Phản hồi