Hải Phòng: Khai mạc hội thảo khoa học “ Phật giáo xứ Đông trong dòng chảy văn hóa dân tộc” tại chùa Long Hoa
PGĐS – Sáng ngày 01/12/2023 ( nhằm ngày 19/10 năm Quý Mão) tại chùa Long Hoa thuộc khu quần thể danh thắng di tích lịch sử Núi Voi, thôn Chi Lai, xã Trường Thành, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng, được sự chấp thuận của UBND thành phố Hải Phòng, GHPGVN thành phố Hải Phòng phối hợp cùng Liên hiệp các hội khoa học & Kỹ thuật thành phố tổ chức Hội thảo khoa học “ Phật giáo xứ Đông trong dòng chảy văn hóa dân tộc”. Hội thảo đã đón tiếp hơn 300 đại biểu về tham dự.
Tham dự Hội thảo có Hòa thượng Tiến sỹ Thích Gia Quang – Phó Chủ tịch HĐTS, trưởng ban Ban Thông tin – Truyền thông TƯ GHPGVN; Hòa thượng Tiến sỹ Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ tịch HĐTS, trưởng ban Hoằng pháp TƯ GHPGVN; Hòa thượng Tiến sỹ Thích Quảng Tùng – Phó Chủ tịch HĐTS, trưởng ban Từ thiện – Xã hội TƯ GHPGVN; HT Tiến sỹ Thích Thanh Đạt – Nguyên viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội; Hòa thượng Thích Thanh Giác – Phó trưởng Ban thường trực BTS GHPGVN thành phố Hải Phòng; PGS TS Chu Văn Tuấn – Viện trưởng viện nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; Tiến sỹ Bùi Thanh Tùng – Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật thành phố Hải Phòng, cùng chư tôn đức thượng tọa, chư đại đức Tăng Ni, các Giáo sư tiến sỹ, các nhà khoa học, các học giả và hơn 300 đại biểu về tham dự Hội thảo.
Về phía đại biểu chính quyền có sự hiện diện của ông: Nguyễn Xuân Bình – Nguyên Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, nguyên phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hải Phòng; Tiến sỹ Hoàng Văn Kể – Nguyên phó Chủ tịch UBND thành phố; ông: Đỗ Tràng Thành – Phó Chủ tịch thường trực UB MTTQVN thành phố; ông: Dương Ngọc Anh – Trưởng ban Ban Tôn giáo Sở Nội vụ thành phố; ông: Phạm Văn Khánh – Trưởng phòng An ninh Nội địa Công an thành phố; cùng các ông bà đại diện cho các sở ban ngành thành phố, huyện An Lão và xã Trường Thành.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sỹ Bùi Thanh Tùng – Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật thành phố Hải Phòng nhấn mạnh Hải Phòng là một trong những nơi đầu tiên Phật giáo du nhập vào nước ta. Cùng với sự phát triển của mình, văn hóa Phật giáo xứ Đông có lịch sử khá sớm và phát triển liên tục. Để khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa những nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc, cũng như để biến văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, thành động lực xây dựng thành phố và Đất nước ngày càng giàu đẹp, Ban tổ chức Hội thảo mong muốn các nhà khoa học, các nhà quản lý, chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội và quý đại biểu tham gia, đóng góp ý kiến, đề xuất những giải pháp mang tính đột phá, nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị tài nguyên văn hóa Phật giáo xứ Đông, khai thông mạnh mẽ hơn nữa sự đóng góp vào dòng chảy văn hóa dân tộc.
Tiếp đó, Hòa thượng Thích Thanh Giác đã lên phát biểu đề dẫn Hội thảo. Vào năm 2013, GHPGVN thành phố Hải Phòng đã phối hợp cùng Liên hiệp các hội khoa học& kỹ thuật thành phố và hội khoa học Lịch sử Hải Phòng tổ chức hội thảo “ Khai thác di sản văn hóa Phật giáo xứ Đông thúc đẩy phát triển bền vững du lịch vùng đồng bằng sông Hồng”. Cuộc hội thảo trên đã tập hợp được các báo cáo khoa học với nội dung nêu bật và làm sáng tỏ nhiều vấn đề thuộc di sản văn hóa Phật giáo xứ Đông,nội dung các tham luận đề cập đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị để thúc đẩy phát triển du lịch bền vững vùng đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, văn hóa Phật giáo là một phạm trù rộng lớn, bao quát trên nhiều lĩnh vực, văn hóa Phật giáo luôn gắn liền với tiến trình phát triển văn hóa dân tộc. Chính vì vậy, hội thảo khoa học lần này sẽ là cơ hội để tìm ra sự kết nối giữa nguồn tài nguyên văn hóa Phật giáo xứ Đông với dòng chảy văn hóa dân tộc. Đồng thời, làm sáng tỏ và lan tỏa hơn nữa các giá trị của nguồn tài nguyên vô cùng quí báu đó.
Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 52 báo cáo tham luận của chư tôn đức giáo phẩm lãnh đạo các cấp GHPGVN cùng nhiều nhà khoa học, các giáo sư, tiến sĩ, các nhà nghiên, các cơ quan, các tổ chức từ TƯ đến các thành phố như: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Hài Dương, Quảng Ninh, Nam Định, Bắc Ninh, Bắc Giang…Điều này, khẳng định sự quan tâm rất lớn đến văn hóa nói chung và văn hóa Phật giáo xứ Đông nói riêng. Đây là những tín hiệu rất lạc quan báo hiệu sự thành công của cuộc hội thảo khoa học lần này.
Văn hóa Phật giáo xứ Đông có lịch sử hình thành khá sớm và phát triển liên tục, nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng, xứ Đông,đặc biệt là Hải Phòng là nơi đầu tiên đón nhận Phật giáo truyền vào nước ta . Do vậy, bề dầy trầm tích các di sản của Phật giáo xứ Đông và Hải Phòng rất lớn, đây là một nguồn tài nguyên đồ sộ, vô cùng quí giá đã tồn tại và không ngừng phát triển, rất cần bảo tồn và phát huy giá trị trên nhiều phương diện khác nhau.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe 6 bài tham luận của các nhà khoa học: Hòa thượng Tiến sỹ Thích Gia Quang với đề tài “ Văn hóa Phật giáo xứ Đông trong dòng chảy văn hóa dân tộc”, Hòa thượng tiến sỹ Thích Thanh Đạt với đề tài “ Khái quát tư tưởng Phật học của vua Trần Nhân Tông trong tác phẩm cư trần lạc đạo phú”, Đại đức TS. Thích Nguyên Toàn với đề tài “ Di sản âm nhạc và múa dẫn lục cúng của Phật giáo xứ Đông: Những vấn đề thảo luận”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đại Đồng với đề tài: “ Giải pháp bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa Phật giáo Hải Phòng”, Nhà sử học Tăng Bá Hoành với đề tài: “ Phật giáo xứ Đông”; nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Phương với đề tài: “ Nghệ thuật kiến trúc Phật giáo xứ Đông.”
Phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo, Hòa thượng Tiến sỹ Thích Quảng Tùng bày tỏ niềm vui khi Hội thảo được đón tiếp hơn 300 đại biểu về tham dự với 52 bài tham luận rất xác đáng, ý nghĩa và thiết thực, khẳng định tầm quan trọng của Phật giáo xứ Đông trong sự phát triển chung của Phật giáo Việt Nam. Hội thảo thống nhất cao và khẳng định trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Phật giáo đã có những đóng góp quan trọng trong việc hình thành nên tư tưởng , văn hóa dân tộc Việt Nam; nhiều bài tham luân cũng như trao đổi đã khẳng định xứ Đông là vùng đất “ Địa linh nhân kiệt” đã sản sinh rất nhiều nhân tài kiệt xuất cho đất nước. Đặc biệt, hội thảo cũng thống nhất rất cao và cho rằng văn hóa Phật giáo xứ Đông trong đó có Hải Phòng, có bề dầy trầm tích các di sản rất lớn. Đây là nguồn tài nguyên vô cùng quí giá cần phải được bảo tồn và phát huy giá trị trên nhiều phương diện khác nhau.
Hòa thượng gửi lời cảm ơn tới Chư tôn đức giáo phẩm lãnh đạo các cấp GHPGVN, Thành ủy, UBND thành phố Hải Phòng, các sở ban ngành thành phố, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các nhà sử học, các chuyên gia đã phát tâm viết bài tham luận và tham gia hội thảo, góp phần làm nên sự thành công của hội thảo.
Sau đây là hình ảnh ghi nhận:
Thành Trung
Phản hồi