Hà Nội: Tăng chúng chùa Tiêu Dao diện kiến và đảnh lễ Ngài Tam Tạng X trong tình Tăng thân lục hòa vì lợi ích lâu dài cho đạo và đời

PGĐS – Tối nay ngày 28/3/2025 (nhằm ngày 29/2/Ất Tỵ), trước không khí Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc đang đến gần, được sự cho phép của Thầy Trụ Trì chùa Tiêu Dao – Đại Đức Thích Bảo Đức, Trưởng Ban Phật giáo Quốc Tế GH PGVN tỉnh Hà Giang, Tăng chúng và Phật tử Đạo tràng chùa Tiêu Dao, Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội đã đảnh lễ và cúng dường đến Ngài Trường Lão Tam Tạng X – Myanmar trong tinh thần Lục hòa như Pháp như Luật mà Đức Phật Gotama đã chỉ dạy.Từ xưa đến nay tinh thần đoàn kết là một trong những yếu tố quyết định sự trường tồn hay sớm bị diệt vong của một đất nước hay một tổ chức, “Kinh Đại Bát Niết Bàn” – Trường Bộ kinh, Phật Ngài đã chỉ dạy rõ. Trong kinh Nghĩ như thế nào (kinh số 103) thuộc Trung Bộ kinh, Đức Phật cũng dạy cho hàng Tỳ-kheo: “Phải học tập tất cả, trong tinh thần hòa đồng, hoan hỷ”. Phật giáo đề cao tinh thần “từ bi” nên người hành giả chân chánh không tranh luận quan điểm của mình là đúng, còn tôn giáo/ hệ phái/ tông phái/ pháp tu khác là sai. Vì sự tranh luận về vấn đề tôn giáo không có hồi kết và dễ gây mất hoà khí giữa những người cùng chung sống trong một nơi.  

Phật Pháp được trụ thế lâu dài hay không là do nơi hàng đệ tử xuất gia và tại gia biết hòa kính, không cố chấp gây chia rẽ, không phân biệt làm tổn hại cho nhau, hỗ trợ nhau về mọi mặt từ vật chất lẫn tinh thần; hòa kính cũng là đạo đức loài người, nền tảng vững chắc để xây dựng đời sống cộng đồng xã hội. Vì vậy, chư Tăng Ni tại Hà Nội nói riêng cũng như GH PGVN nói chung luôn hướng đến việc hộ trì, hoan hỷ, vui theo những thiện pháp của Tăng Ni Cư sĩ chân chánh hộ đạo nhằm hướng đến mục tiêu giải thoát giác ngộ, lợi lạc cho chư Thiên và loài người. Do đó, nhiều năm qua, TT Thích Thanh Huân, ĐĐ Thích Bảo Đức và nhiều chùa/ chư Tăng Ni tu tập trên địa bàn Hà Nội đều “tùy thuận chúng sanh”, thực hiện lý tưởng Bồ-tát hạnh “phụng sự chúng sanh là thiết thực cúng dường mười phương chư Phật”, nhường không gian trú xứ để Phật tử thỉnh quý Sư nước ngoài về giao lưu văn hóa Phật giáo các nước, những mong chánh Pháp được lan rộng, thúc đẩy sự phát triển Phật giáo Việt Nam và Quốc tế, qua đó góp phần ổn định đời sống xã hội, hòa bình tiến bộ bền vững của nhân loại.

Trong buổi gặp gỡ trang nghiêm thắm tình Pháp lữ, chư Tăng chùa Tiêu Dao đã bày tỏ sự hòa kính hiếu khách, gửi gắm nhiều tin tưởng ở trí tuệ từ bi của quý Ngài Trưởng lão sẽ hiểu và thông suốt văn hóa quốc độ Việt Nam hơn nữa để hiện tại và tương lai hướng dẫn Tăng Ni Cư sĩ hữu duyên có nhiều sự nối kết hiệu quả, làm thiện tri thức lẫn nhau, người đi trước dắt người đi sau, đúng theo tinh thần tự độ độ tha. Kết quả của các khóa thiền gieo duyên là minh chứng cho lời dạy của Đức Phật về Tứ diệu đế, Bát Chánh Đạo, về sự buông bỏ và giải thoát vì sự nghiệp giác ngộ hóa độ chung của Tỳ-kheo ở mọi quốc gia.

Bốn điều không nên xem thường Đức Phật dạy trong Kinh Tăng Chi Bộ (Aṅguttara Nikāya) – một thái tử nhỏ, một đốm lửa nhỏ, một con rắn độc nhỏ, một vị Tỳ-kheo trẻ tuổi. Theo tinh thần Luật Thập tụng, với những người cư sỹ tại gia có tín tâm kiên cố nơi Tam bảo (ở đây ý chỉ sự tôn kính tuyệt đối với tất cả Tăng đoàn rộng lớn, Tăng đoàn có hai hạng cả phàm và Thánh), dù họ có nghe lỗi lầm của Tỳ-kheo tâm vẫn bất hại kham nhẫn cung kính giúp Tăng phục hoạt cho thanh tịnh; hoàn toàn không có tâm cao ngạo, hủy báng, coi thường hàng xuất gia, coi thường Tăng Ni, không cố chấp ngụy biện, thanh tịnh tự thực hành và tứ sự cúng dường lui tới thân cận Tăng đoàn, được tập thể Tăng đoàn luôn chứng minh hoan hỷ. Tuy nhiên cũng có trường hợp việc của Tăng do Tăng quyết định, nếu cậy nhờ đến chính quyền, hay hàng bạch y Cư sĩ lại càng rối rắm khó giải quyết. Tinh thần chung luật Phật giáo chỉ ngăn cấm hạng người hiểu biết nhiều (thông minh thế trí), tâm kiêu ngạo bốc cao, bất kính Tam bảo, mới không được nghe và chia sẻ về những việc của Tăng, vì biết nhiều tâm chỉ thêm ngã mạn, dính chấp, tham sân si sanh khởi hơn. Cư sĩ Phương Tú và Thanh Loan, Cư sĩ Quán Nguyên và Trương Thủy Thành (PD: Hạnh Liên) đã làm rất tốt vai trò người Cư sĩ hộ đạo nối kết các khóa thiền Quốc Tế, Sứ giả Hòa Bình của Như Lai, được giới Tăng Ni lãnh đạo các hệ phái hoan hỷ, chứng tỏ sự thực hành Pháp đi vào được thực tiễn đời sống biến thành năng lượng của tâm từ bi hỷ xả. Tất cả đều được gửi gắm thông điệp trà đạo cộng tu trong buổi diện kiến gặp gỡ trước khi khóa thiền chùa Tiêu Dao khép lại vào ngày mai 29/3.

Trong quan điểm Phật giáo Đại thừa, Phật Pháp vẫn còn trụ thế, Bồ-tát chư Thiên luôn hộ trì đông đảo hành giả giữ giới quy kính Tam bảo, “phàm Thánh đồng cư” nên luôn tôn trọng tánh giác bình đẳng của mọi người, chỉ phương tiện tình thương hóa độ, nhất là trong tư tưởng Thiền tông trực chỉ gắn liền với các kinh điển Đại thừa, thể nhập và sống với Pháp chân thật ngay tại đây và bây giờ trong chân không diệu hữu cũng tương đồng với quan điểm chánh niệm xả ly làm thiện pháp không giới hạn mà Thiền sư Ottamathara đã khá thành công trong nhiều năm qua dạy Thiền Tứ niệm xứ/ Vipassana được đông đảo mọi giới yêu kính tri nhận; được GH PGVN, lãnh đạo và quần chúng yêu mến tư tưởng từ bi – vô ngã – bất hại – giản dị – không vướng mắc của Ngài.

Văn hóa Phật giáo Việt Nam gắn liền với văn hóa Việt Nam trên 2000 năm, ưa sự quân bình, bất hại, khiêm nhường, bao dung, phụng hiến, thâm trầm sâu sắc như đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, Phật giáo trụ vững được trong các giới cũng nhờ tinh thần phụng sự, hi sinh, thực hành Giới – Định – Tuệ, Tam quy, Ngũ giới, Bát quan trai, Lục độ, Thập ba-la-mật, thực hành 37 phẩm trợ đạo, nói ít làm nhiều, thuyết phục và ở lại long người được bởi Pháp Hành. Ngay từ những thế kỉ đầu Công Nguyên những bộ kinh như An ban thủ ý – dạy về phép đếm hơi thở, điều tâm, thiền định, hướng nội, liên quan đến Phật giáo Nguyên thủy, đến Pháp thiền Tứ niệm xứ đã có mặt tại nước ta, được coi như một giáo trình thiền căn bản. Phật giáo Việt Nam sớm đã có đầy đủ hai hệ phái Nguyên thủy và Đại thừa du nhập và phát triển trên nền tảng của từ bi – vô ngã. Những lời dạy trong suốt khoảng một tuần qua từ khi khai mạc khóa Thiền dưới sự hướng dẫn của Ngài Tam Tạng X càng chứng minh tinh hoa Phật giáo Việt Nam, Pháp hành của người con Phật từ bao đời nay đã có mạch nguồn và thời phục hưng trước sự giao lưu Phật giáo Quốc Tế, tinh thần Phật Pháp Nguyên thủy và Đại thừa tại Việt Nam lại nương tựa vào nhau bởi sự quyết định là các Pháp hành giúp cho tâm người chuyển hóa; bằng chứng là sau khóa thiền các Phật tử trở nên chánh niệm hơn, buông bỏ hơn, từ bi hơn, phụng hiến hơn, trân trọng cuộc sống và luôn biết tàm quý tinh tấn hành thiện như Sơ Tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông thường mang điều thiện dạy khắp nhân gian, lan sang cả Champa.

Tin/Ảnh :TN Viên Giác

Bài viết liên quan

Phản hồi