[HÀ NỘI] Nhân mùa Phật đản 2024, chuỗi sự kiện văn hóa được tổ chức tại chùa Yên Phú
PGĐS- Trang nghiêm và long trọng Đại lễ Phật đản 2024 tại chùa Yên Phú (Hà Nội): Với hơn 2000 năm phát triển, Phật giáo trở thành cầu nối văn hóa, tâm linh cũng như tình hữu nghị bền chặt, trở thành mối liên kết đặc biệt chia sẻ những giá trị tinh thần và văn hóa giữa Việt Nam với các quốc gia Phật giáo.
Ngày 12/5, tại chùa Yên Phú, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Văn hóa Trung ương, Hội hữu nghị Việt Nam – Ấn Độ, TP.Hà Nội phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tổ chức Đại lễ Phật đản 2024.
Tham dự buổi lễ, về phía Giáo hội có Hòa thượng Thích Hải Ấn – Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế; Hòa thượng Thích Thọ Lạc – Uỷ viên thường trực Hội đồng trị sự Trưởng Ban văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Yên Phú; Hòa thượng Thích Bửu Chánh – Ủy viên Thư ký Ban thường trực Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng Ban văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng chư Tôn đức, Tăng Ni và đông đảo phật tử thuộc các đạo tràng quanh vùng.
Khách mời Quốc tế có ông Subhash Prasad Gupta – Phó Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, bà Rachna Srivastas – Bí thư thứ Nhất Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam cùng các đại biểu nước bạn và khách quý đến từ Hội hữu nghị Việt Nam – Ấn Độ
Tham dự Đại lễ còn có Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh – Phó Trưởng Ban Tôn giáo – Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cùng các đại biểu đến từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Văn phòng Quốc hội; đặc biệt có GS.TSKH, NGND Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; chư Tôn giáo phẩm văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; đại diện các Chi hội, Câu lạc bộ thành viên và đông đảo Phật tử…
Mở đầu phát biểu khai mạc của Hòa thượng Thích Thọ Lạc – Uỷ viên Thường trực Hội đồng Trị sự Trưởng Ban văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Yên Phú.
Đọc thêm=>> Bài diễn văn khai mạc của HT. Thích Thọ Lạc
Tiếp đến là HT. Thích Hải Ấn đã đọc thông điệp Đại lễ Phật đản 2024 (Phật lịch 2568) của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Cùng trong thời điểm này, Hòa thượng Thích Hải Ấn đã chia sẻ về ý nghĩa của Phật đản để các đại biểu hiểu rõ hơn về Đại lễ này cũng như thông điệp của Đức Phật.
Theo Hòa thượng, đại lễ Phật Đản còn là cầu nối văn hóa, tâm linh cũng như tình hữu nghị bền chặt, trở thành mối liên kết đặc biệt chia sẻ những giá trị tinh thần và văn hóa không chỉ giữa Việt Nam với Ấn Độ mà các nước có mối quan hệ ngoại giao trên thế giới.
Hòa thượng cũng kêu gọi Tăng Ni, Phật tử các giới ra sức làm thiện sự, tích cực góp phần xây dựng đất nước, đồng thời nguyện cầu cho hòa bình, dịch bệnh tiêu trừ, khắp chốn an vui, mưa thuận gió hoà, muôn dân an lạc.
Đại diện cho Đại sứ Ấn Độ phát biểu, ông Subhash Prasad Gupta cho biết khi được tham dự Đại lễ Phật đản là niềm tự hào và vinh hạnh của bản thân. Đây là dịp để tưởng nhớ đến hơn 2000 năm trước đã có một bậc vĩ nhân xuất hiện nơi trần thế để cứu độ chúng sanh. Bên cạnh đó ông cũng bày tỏ niềm vui mừng và mong muốn sự hợp tác phát triển giữa hai quốc gia Việt Nam – Ấn Độ luôn được bền chặt trong văn hóa Tôn giáo và sự phát triển song phương.
Sau bài phát biểu cảm tạ của bà Vũ Thị Hải – Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Việt Nam – Ấn Độ là phần nghi thức dâng hương, tụng kinh cầu nguyện cho quốc thái dân an và nghi thức Tắm Phật truyền thống trong niềm hân hoan của Phật tử tham dự.
Cũng trong sáng nay, trước khi diễn ra đại lễ Phật đản, Ban văn hóa Trung ương đã tổ chức thẩm định Đề cương Đề án “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam – Thống nhất trong đa dạng”; Ký kết hợp tác với Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; Phát động sáng tác nghệ thuật “Nhận thức Phật giáo qua văn hóa nghệ thuật” và Thảo luận chuyên đề “Nội dung quy hoạch Trung tâm văn hóa Phật giáo các khu vực” và “Kế hoạch sáng tác Phật giáo”.
Sau nghi thức niệm Phật cầu gia hộ, Đại đức Thích Minh Thuần tiến hành giới thiệu thành phần tham dự các chương trình đã nêu ở trên. Trong đó, cả 4 chương trình đều do Hòa thượng Thích Thọ Lạc trực tiếp khai mạc, tương tự phần thẩm định đề cương kiến trúc với sự tham gia của các Giáo sư, Tiến sĩ và Kiến trúc sư như: Tạ Quốc Khánh, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Quốc Thông.
Tương tự, dưới sự chứng kiến của các đại biểu Giáo sư Hoàng Anh Tuấn và Hòa thượng Thích Thọ Lạc đã thực hiện “Ký kết hợp tác văn hóa giữa Ban Văn hóa TƯ với Trường Đại học KHXH và NV”; “Phát động sáng tác văn hóa nghệ thuật Phật giáo” do Hòa thượng Thích Thọ Lạc phát động.
Còn các nội dung như: Tọa đàm nội dung quy hoạch Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam – Khu vực và Thảo luận kế hoạch phát động sáng tác và sưu tầm các tác phẩm văn hóa nghệ thuật Phật giáo do kiến trúc sư Nguyễn Minh Quang phát biểu đề dẫn và chương trình này được thực hiện vào buổi chiều cùng ngày sau khi thực hiện xong đại lễ Phật đản, đây là khối lượng công việc khổng lồ mà Ban văn hóa Trung ương hiện đã và đang thực hiện và đảm nhận vai trò chủ công.
Đặng Minh
Phản hồi