Hà Nội: Khai mạc triển lãm của 4 nữ họa sĩ nhóm Lacameo 4×4 2023

PGĐS – Chiều  ngày 11/11/2023 tại  Mai Gallery , 113 phố Hàng Bông , Hoàn Kiếm , Hà Nội, đã diễn ra Khai mạc triển lãm Lacameo 4×4 /2023  của nhóm 4 họa sĩ nữ, Nguyễn Thu Hương, Nguyễn Mai Loan, Phan Minh Bạch, Ngô Bình Nhi. 

4×4 là tình bạn đã gắn bó những cô gái lại bên nhau bởi chữ “Duyên”, bốn họa sĩ là những người bạn thân thiết chơi  với nhau từ khi còn theo học Trường ĐHMT Việt Nam, mỗi người một hoàn cảnh và cuộc sống riêng,  nhưng họ có chung một đam mê và những tâm ý  chạm tới cảm xúc  đồng thời cũng  có nhiều thuận lợi hoặc khó khăn khi theo đuổi sáng tạo hội họa. Con đường mà bốn cô gái lựa chọn có nhiều cung bậc cảm xúc, họ đã tạo ra những âm hưởng và những nốt nhạc trong một bản giao hưởng nhiều âm vực khác nhau mà nó chưa bao giờ kết thúc. Triển lãm lần đầu tiên các nữ họa sĩ đã cùng nhau trưng bày  tại Art Space, trường ĐHMT Việt Nam trong triển lãm nhóm có tên “Lacameo” năm 2022. Những tác phẩm tham gia triển lãm năm nay cũng như những dự định trong tương lai của họ mong muốn rằng sẽ liên tục giới thiệu các sáng tác của mình, những đứa con tinh thần của mình để gửi tới công chúng yêu hội họa, nghệ thuật thưởng lãm cảm nhận những cung bậc cảm xúc và niềm đam mê của mình , cũng  vừa là nỗ lực riêng của chính những cô gái mạnh mẽ cá tính,  đồng thời như một cách duy trì động viên nhau trên con đường nghệ thuật đầy thử thách gian truân.

Chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại chặng đường có cả niềm vui hạnh phúc và những giọt nước mắt hi sinh cho nghệ thuật và đam mê hội họa, và chỉ có tình yêu hội họa mới làm họ thăng hoa bằng cảm xúc cùng nét bút biết nói , mỗi tác phẩm đều hàm chứa những yếu tố tinh thần, thể hiện sự cảm nhận và suy ngẫm của họa sĩ . Có thể nói, sự cảm nhận và sáng tạo có mối quan hệ mật thiết với nhau, đó là một quá trình liên tục: đầu tiên là những kích thích, cảm xúc được tiếp nhận nhờ thị giác; qua thời gian, những cảm xúc này được tích lũy, bổ sung nhằm nâng cao năng lực tư duy sáng tạo cho người làm nghệ thuật nhất là hội họa , giúp họ tìm ra ngôn ngữ phù hợp sáng tạo tác phẩm để thể hiện hiệu quả nhất ý tưởng của mình.

Mỗi tác phẩm được phôi thai từ những cảm xúc được sản sinh từ hình thức bên ngoài đến một cảm xúc khác được đào sâu hơn. Đối với họa sĩ, những cảm xúc này chính là niềm phấn khích trong quá trình sáng tạo. Do đó, đặc trưng của nghệ thuật tạo hình là mang tính tượng hình và không gian giúp 4 nữ họa sĩ đều có những  cảm nhận rất riêng của mình.

Nếu người nhạc sĩ rung động với tiết tấu, nhịp điệu của âm thanh thì khi đứng trước đối tượng quan sát, người họa sĩ thông qua con mắt tinh tế rất dễ rung lên với các hiện tượng tạo hình như: màu sắc, đường nét, hình khối, chất cảm. Những rung động này thôi thúc người nghệ sĩ hành động, hiện thực hóa những cảm nhận này bằng sáng tạo tác phẩm. Đây chính là nhu cầu, tình cảm tự thân của người đóTrong quá trình tái hiện, không chỉ miêu tả hình ảnh cảm nhận theo cách nhắc lại nguyên vẹn, mà họa sĩ đã nâng những rung động thẩm mỹ của mình khái quát lên thành những lý tưởng thẩm mỹ; nói cách khác, những vẻ đẹp tự nhiên đã được sáng tạo thành những hình tượng nghệ thuật.

Họa sĩ Phan Minh Bạch

Phan Minh Bạch sáng tác hội họa chuyên nghiệp từ 2018, trước đó cô là họa sĩ thiết kế báo chí, tự nghiên cứu văn hóa, mỹ thuật cổ, kỹ thuật vẽ và sử dụng chất màu trên giấy dó, giấy tuyên, trên vải lụa và làm sách mỹ thuật. Cùng năm 2023 Phan Minh Bạch có triển lãm cá nhân mang tên “Mây ngỏ” tại Hà Nội – triển lãm trưng bày những tìm tòi của cô về kỹ thuật vẽ màu, mực trên lụa cũng như cách trình bày tranh lụa mới mẻ. Kế thừa di sản từ cha cô, họa sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng Phan Bảo, Phan Minh Bạch ưa thích nghiên cứu, thể nghiệm những kỹ thuật và chất màu mới trong thực hành tranh lụa. Trong triển lãm chung lần này, 16 bức tranh của cô có sự kết hợp giữa màu (lỏng /liquid) vẽ vải lụa chuyên dụng và vàng lá kim loại (gold leaf) – một tương phản tối đa về thể chất và yếu tính thị giác. Chủ đích sáng tác loạt tranh của Phan Minh Bạch là hướng tới thế giới tự nhiên nhưng dưới hình thức hội họa trừu tượng sinh học (abstract biology art), tới bản chất nguyên thủy của sự cấu thành thế giới tự nhiên để từ đó tạo không gian cho suy tưởng /diễn dịch về quy luật Thành, Trụ, Hoại, Không của chân lý Vô thường.

Họa sĩ Nguyễn Thu Hương
Từng có ba triển lãm cá nhân thành công tại Hà Nội và TP HCM cũng như nhiều triển lãm nhóm trong và ngoài nước, Nguyễn Thu Hương – họa sĩ chuyên vẽ lụa và đề tài hình thể nữ giới (nude) tham gia trưng bày 8 bức lụa trong triển lãm chung lần này. Điểm mới đáng chú ý trong loạt tranh của cô là các thao tác kỹ thuật cải tạo bề mặt nền lụa, cụ thể, cô tỉ mẩn tách từng sợi lụa rồi bện, tết, thắt chúng lại ở vị trí có chủ đích trong ý đồ bố cục và điểm nhấn (có tính) nội dung. Những thể nghiệm này của Nguyễn Thu Hương không chỉ tạo một bề mặt mới mẻ cho tranh lụa, nó còn là sự bứt phá khỏi không gian hai chiều cố hữu, tăng cảm nhận về chất liệu và tính cá nhân của nghệ sĩ. Với hai bức tranh sử dụng kỹ thuật tách /bện sợi, lụa đã trở thành vật liệu để Hương khám phá các khía cạnh thẩm mỹ mới, cả trên phương diện thị giác và vật chất.
Họa sĩ Nguyễn Mai Loan
Nguyễn Mai Loan có trên 20 năm hoạt động nghiên cứu, phê bình mỹ thuật tại Viện Mỹ thuật – Trường ĐHMT Việt Nam. Nhiều năm nay, cô vẫn đều đặn tham dự các triển lãm chung do trường ĐHMT Việt Nam tổ chức, thường xuyên thực hành sáng tác tại xưởng vẽ của họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng. Sơn mài là chất liệu Mai Loan theo đuổi và sáng tác nhiều hơn cả, cô yêu thích chất liệu truyền thống này từ khi còn học hệ Đại học, tuy nhiên vài năm trở lại đây mới có điều kiện liên tục khám phá và sáng tác. Về phương pháp làm việc của mình, Mai Loan nói “Tôi không có chủ đích cho việc sáng tác, mỗi khi cầm bút và nhìn ngắm thiên nhiên, con người tôi sẽ lên ý tưởng ngay khoảnh khắc đó hoặc triển khai những ý tưởng đã có, chăm chút thể hiện trên những tấm vóc phù hợp với bản thân. Từ những bức chủ đề tĩnh vật, con người hay tiến tới trừu tượng, tôi đều thể hiện trên những tấm vóc với son, sơn ta, vàng bạc… bằng tình cảm và sự yêu thích chân thành nghệ thuật sơn mài.”
Họa sĩ Ngô Bình Nhi
Ngô Bình Nhi theo đuổi sáng tác chuyên nghiệp từ 2013, tới nay đã tròn mười năm với ba cuộc triển lãm cá nhân và nhiều triển lãm nhóm. Bình Nhi ưa thích lối vẽ phóng khoáng và giàu tính biểu hiện dù tranh của cô hầu hết xoay quanh chủ đề Phật giáo – tôn giáo, cô đã thực hành tu tập nhiều năm. Tranh của Bình Nhi thường xuyên xuất hiện các motif hoa sen, côn trùng, thảo mộc trộn trong các tổ hợp nét, mảng màu giàu tính chuyển động. Trong triển lãm chung lần này, Bình Nhi bày 15 bức tranh trên giấy gạo (một loại giấy thủ công màu trắng ngà có bề mặt xốp, hút nước mạnh) cô vẽ trong thời gian tìm hiểu và thực hành Phật giáo tại Nepal. Hầu hết các bức tranh đều thấp thoáng hình bóng nhà tu hành nhưng vẫn phong cách riêng, cô cho những hình đó ẩn hiện trong các chuyển động nét màu ngẫu hứng biến hóa vô định, như ý thức về triết lý hình tướng vô thường trong từng sát na của Phật giáo. Về loạt tranh này Bình Nhi tự bạch “Chất giấy gạo ở Nepal lôi cuốn tôi bằng trải nghiệm mới mẻ, khiến tôi thoái mái trải tâm tư về không gian và thời gian ở một nơi tràn đầy năng lượng an lành. Tôi thấy sự đổi thay của mình trong cách nhìn và thể hiện chân thật nội tâm, bộ tranh này sẽ là tiền đề mới mẻ cho dự định vẽ trên khổ lớn thời gian tới.”
Thật vậy,  bằng sự cảm nhận trong nghệ thuật tạo hình chính là sự nhạy bén, tinh tế, sắc sảo của thị giác về hiện thực khách quan, hay chính là trí nhớ về hình thể, màu sắc ở sai số nhỏ nhất giúp phán đoán chính xác. Từ cảm nhận ban đầu, bằng tài năng thiên bẩm trời phú của mình,  4 nữ họa sĩ đã tạo nên những  tác phẩm mang nội dung không chỉ ở kết cấu vật thể mà còn ở chính hình tượng nghệ thuật  trong hội họa mà nó chuyển tải tới người thưởng lãm. Rõ ràng, nguồn cảm hứng cho sự hình thành tác phẩm là những rung động thẩm mỹ, tinh tế và mãnh liệt trong tâm hồn nghệ sĩ trước nhịp điệu của cuộc sống, được bộc lộ thông qua khuynh hướng tạo hình mà họ thụ cảm. Cảm hứng chính là khởi nguồn, là động lực cho sự sáng tạo nghệ thuật cho  đến ý tưởng sáng tạo tác phẩm hoàn thiện trên mọi chất liệu mà họ yêu thích.

Xuất phát từ tình yêu nghệ thuật và mong muốn tìm tòi, nhóm Lacameo 4×4 khẳng định bản thân người họa sĩ cháy hết mình và thăng hoa cùng cảm xúc , hội họa không chỉ có cảm xúc, cảm thụ về chủ đề nào đó mà còn có đặc điểm riêng, đó là sự xúc cảm về một hình ảnh cụ thể, một đường nét, một màu sắc, những mảng mầu mang âm thanh cuộc sống,  thậm chí là một vấn đề  xung quanh cuộc sống đời thường hoặc có thể là những ẩn ý sâu xa đan xen giữa đạo và đời mang tính triết mỹ …

Mỗi họa sĩ có khuynh hướng sáng tạo khác nhau khi chọn một yếu tố nào đó để nghiên cứu sâu hơn, sau đó sáng tạo ra những hình thức biểu đạt nghiêng hẳn về hướng đó và trở thành trọng tâm trong sáng tạo. Có người thích mạnh mẽ, người khác lại ưa mềm mại, người khai thác độ xù xì góc cạnh, kẻ thể hiện nét đa dạng tinh tế; trong hình thể, người này thiên về cách điệu theo hướng động, khỏe khoắn, chắc chắn, cục mịch nhưng lạ mắt, người khác lại thích sự thành thật, mộc mạc và giản dị; với màu sắc, có người thích ít màu mà độc đáo, có người lại thích sự phức hợp của đa sắc màu… Như vậy, từ cảm xúc thực tế, họa sĩ đã tạo ra những hình tượng nghệ thuật giàu sức thuyết phục, tác động mạnh mẽ vào tình cảm và tâm hồn người xem.

Mỗi tác phẩm nghệ thuật nói chung, tác phẩm hội họa nói riêng của nhóm LACAMEO 4×4  tại Mai Gallery đều bắt nguồn từ cảm xúc về cuộc sống đang hiện hữu xung quanh với muôn hình vạn trạng. Cùng một sự vật, hiện tượng nhưng mỗi họa sĩ có những cảm nhận khác nhau, từ đó khúc xạ chúng qua những lăng kính không giống nhau. Bằng năng lực sáng tạo, người họa sĩ lựa chọn những phương pháp riêng nhằm thể hiện rõ nhất, hiệu quả nhất cảm xúc và ý tưởng của mình để gửi tới những người thưởng lãm yêu hội họa .

Một số hình ảnh triển lãm tới người thưởng lãm nghệ thuật :

Tin /Ảnh : Trang Vân 

Bài viết liên quan

Phản hồi