Gọi là người ác, người thiện có thật hay không?
Ðó là sự thay đổi “tâm” do bởi nhân duyên của nó, tâm sanh – diệt không ngừng; còn phần “thân” vẫn giữ nguyên tánh tự nhiên của nó, thân sanh – diệt liên tục, vô thường biến đổi không ngừng qua thời gian trở thành già – bịnh cuối cùng chết, chấm dứt một sanh mạng, một cuộc đời.
Gọi là người ác bởi do ác nghiệp hay bất thiện nghiệp của họ đã tạo.
Gọi là người thiện bởi do thiện nghiệp của họ đã tạo.
Ðức Phật dạy rằng:
“Này chư Tỳ khưu, Như Lai gọi tác ý (cetanà) là nghiệp, sau khi nghĩ xong, tạo nghiệp bằng thân, khẩu, ý”.
Nghiệp có 2 loại: ác nghiệp và thiện nghiệp.
Ác nghiệp được tạo do 3 môn:
– Thân ác nghiệp có 3 loại: sát sanh, trộm cắp, tà dâm.
– Khẩu ác nghiệp có 4 loại: nói dối, nói lời đâm thọc chia rẽ, nói lời thô tục chửi rủa mắng nhiếc, nói lời vô ích.
– Ý ác nghiệp có 3 loại: tham lam, thù hận, tà kiến.
Ðó là 10 ác nghiệp hoặc 10 bất thiện nghiệp.
Người nào có tác ý ác (tác ý bất thiện) tạo nên ác nghiệp, gọi người ấy là người ác, gọi theo ác nghiệp.
Cũng như người nào làm nghề giết gia súc bán thịt, người ấy gọi là “tên đồ tể”, gọi theo nghề. Nếu người ấy thay đổi nghề khác, thì không còn gọi là “tên đồ tể” nữa.
Thiện nghiệp được tạo do 3 môn:
– Thân thiện nghiệp có 3 loại: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm.
– Khẩu thiện nghiệp có 4 loại: không nói dối, không nói lời đâm thọc chia rẽ, không nói lời thô tục chửi rủa mắng nhiếc, không nói lời vô ích.
– Ý thiện nghiệp có 3 loại: không tham lam, không thù hận, có chánh kiến.
Ðó là 10 thiện nghiệp
Người nào có tác ý thiện tạo nên thiện nghiệp, người ấy gọi là người thiện, gọi theo thiện nghiệp.
Cũng như người nào làm nghề dạy học, người ấy gọi là “giáo viên”, “giáo sư”, gọi theo nghề. Nếu người ấy thay đổi nghề khác, thì không còn gọi là “giáo viên”, “giáo sư” nữa.
Thử hỏi: có ai biết được “người ác”, “người thiện” thân hình như thế nào không? – Chắc chắn là không. Bởi vì, người ác, người thiện hoàn toàn không có thật, mà chỉ có ác tâm (bất thiện tâm), thiện tâm mà thôi.
Khi ác tâm phát sanh tạo nên ác nghiệp gọi là “người ác”.
Khi thiện tâm phát sanh tạo nên thiện nghiệp gọi là “người thiện”.
Tâm (citta) phát sanh rồi diệt liên tục không ngừng.
Tâm phát sanh do bởi nhân duyên. Thiện tâm phát sanh do nhân duyên của thiện tâm; ác tâm phát sanh do nhân duyên của ác tâm. Nói chung mỗi tâm phát sanh đều do nhân duyên của chính nó, sanh rồi diệt thay đổi không ngừng từ kiếp quá khứ đến kiếp hiện tại; từ kiếp hiện tại đến kiếp vị lai; nếu chúng sinh ấy vẫn còn tử sanh luân hồi, chỉ ngoại trừ bậc Thánh Arahán tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sanh luân hồi.
Do đó, con người hoàn toàn khác với loài thực vật.
Ðối với loài thực vật, cây nào là cây ấy, từ nhỏ đến lớn, già rồi chết, không bao giờ thay đổi sang loài cây khác.
Ví dụ: cây chanh có trái chanh vị chua, cây chanh già, cây chanh chết chấm dứt một cây chanh v.v….
Ðối với con người, tên gọi người ác, người thiện có thể thay đổi do tâm thay đổi, còn phần thân thể vẫn sanh diệt bình thường, già – bịnh – chết không có gì khác biệt rõ rệt.
Ví dụ những trường hợp như:
– Ngài Ðại Ðức Angulimàla – khi còn là kẻ cướp sát nhân tàn bạo giết hơn cả 1.000 người, cắt đầu ngón tay xâu làm vòng đeo cổ – gọi là “kẻ cướp sát nhân Angulimàla”. Do đó, gọi là người ác, do bởi ác tâm sát sanh. Nhưng khi Ðức Phật đến tế độ, thì kẻ cướp sát nhân Angulimàla từ bỏ sát nhân, xin Ðức Phật cho phép xuất gia trở thành Tỳ khưu, về sau Ngài chứng đắc đến bậc Thánh Arahán cao thượng. Vì vậy, gọi Ngài là bậc Thiện trí, do bởi siêu tam giới thiện tâm đó là Arahán Thánh Ðạo tâm.
Như vậy, có thể kết luận: tên gọi người ác trở thành tên gọi người thiện do bởi diệt ác tâm, thiện tâm phát sanh.
– Tỳ khưu Devadatta – khi còn là hoàng tử dòng Sakya có đức tin trong sạch nơi Ðức Phật, xin phép xuất gia trở thành Tỳ khưu cùng với 5 hoàng tử Bhaddhiya, Anurudha, Ànanda, Bhagu và Kimila; năm hoàng tử này sau khi xuất gia trở thành Tỳ khưu, về sau đều chứng đắc thành bậc Thánh Arahán. Riêng Tỳ khưu Devadatta chỉ chứng đắc các bậc thiền thế gian và chứng đắc phép thần thông, vẫn còn là phàm nhân (chưa phải Thánh nhân).
Do đó, Tỳ khưu Devadatta gọi là bậc Thiện trí, do bởi tam giới thiện tâm phát sanh.
Về sau, Tỳ khưu Devadatta phạm tội chia rẽ Tăng, có mưu đồ đen tối, tìm mọi cách mưu sát Ðức Phật để làm Phật; nhưng không thể nào sát hại Ðức Phật được, chỉ làm bầm máu bàn chân của Ðức Phật mà thôi. Tỳ khưu Devadatta đã phạm trọng tội lớn thuộc ngũ vô gián nghiệp, các bậc thiền bị hư mất hết.
Do đó, gọi Tỳ khưu Devadatta là người ác, do bởi ác tâm phát sanh.
Tỳ khưu Devadatta lâm bệnh nặng, vì tội lỗi quá nặng nên mặt đất nẻ ra rút xuống. Sau khi chết, do năng lực của ác trọng nghiệp, cho quả tái sanh vào địa ngục Avìci chịu quả khổ của ác nghiệp mà chính mình đã tạo.
Như vậy, có thể kết luận: tên gọi người thiện trở thành tên gọi người ác do bởi thiện tâm không sanh, ác tâm phát sanh.
– Ngài Ðại Ðức Ànanda – khi còn là hoàng tử dòng Sakya có đức tin trong sạch nơi Ðức Phật, xin phép xuất gia trở thành Tỳ khưu tiến hành thiền tuệ chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo – Nhập Lưu Thánh Quả trở thành bậc Thánh Nhập Lưu, theo hầu Ðức Phật. Sau khi Ðức Phật tịch diệt Niết Bàn, Ngài Ðại Ðức Ànanda chứng đắc đến bậc Thánh Arahán cao thượng. Do đó, gọi Ngài là bậc Thiện trí cao thượng.
Như vậy, có thể kết luận: tên gọi người thiện trở thành tên gọi bậc Thiện trí, do bởi dục giới thiện tâm tiến hoá lên đến siêu tam giới thiện tâm.
Ðó là sự thay đổi “tâm” do bởi nhân duyên của nó, tâm sanh – diệt không ngừng; còn phần “thân” vẫn giữ nguyên tánh tự nhiên của nó, thân sanh – diệt liên tục, vô thường biến đổi không ngừng qua thời gian trở thành già – bịnh cuối cùng chết, chấm dứt một sanh mạng, một cuộc đời.
Theo quan niệm Phật giáo, quá khứ của con người dầu thiện hay ác, dầu tốt hay xấu thế nào không quan trọng, mà chỉ đặt tầm quan trọng con người đang sống, đang tạo nghiệp ở hiện tại.
Quá khứ, người nào gọi là người ác, song hiện tại người ấy từ bỏ ác nghiệp, tạo nên thiện nghiệp, trở thành người thiện, vị lai sẽ xán lạn hạnh phúc an lạc.
Quá khứ, người nào là người thiện, song hiện tại, người ấy từ bỏ thiện nghiệp, tạo ác nghiệp, trở thành người ác, vị lai sẽ đen tối, bất hạnh khổ não.
Người ác có ác tâm thay đổi tuỳ theo đối tượng
Ví dụ: người ác có ý tham lam muốn xin một vật nào của ai, người ấy có cử chỉ dịu dàng, lời nói ngon ngọt; nếu xin được vật ấy từ người chủ nhân, thì chẳng có việc gì xảy ra giữa hai người; nếu xin mà không được vật ấy như ý; nghĩa là tham lam mà không được như ý, liền làm nhân để cho sân tâm phát sanh, có cử chỉ thô bạo, lời nói hung ác, có thể gây tai hại cho người chủ nhân kia.
Do đó: Không nên gần gũi thân cận với kẻ ác.
Người thiện có thiện tâm không thay đổi theo đối tượng.
Ví dụ: người thiện có thiện tâm muốn tế độ người khác, để cho người khác có cơ hội làm phước thiện bố thí, nên đến xin một vật cần thiết không chỉ định. Dù thí chủ làm phước bố thí, hoặc không, người thiện vẫn có thiện tâm không thay đổi, không có việc gì xảy ra giữa hai người.
Phản hồi