Giữ tâm ý trong sạch
Là đệ tử Phật, ai cũng biết bài kệ nổi tiếng, được xem là tinh túy, là tôn chỉ của giáo pháp Thế Tôn: “Không làm các việc ác, siêng làm các việc lành, giữ tâm ý trong sạch, chính là lời Phật dạy” (Pháp cú, kệ 183).
Tâm ý trong sạch có thể khái quát là không tham lam, không thù hận và không si mê.
Sống theo lời Phật dạy, chúng ta có thể đi tuần tự, từ không làm các việc ác, siêng làm các việc lành đến giữ tâm ý trong sạch. Cũng có thể nương vào một đề mục thiền để giữ tâm ý trong sạch đồng thời với không làm các việc ác, siêng làm các việc lành. Và dĩ nhiên, vì tâm ý là cội nguồn của các pháp (Ý dẫn đầu các pháp – Pháp cú, kệ 1) nên tự làm trong sạch tâm ý của mình là nền tảng của mọi sự tu tập.
“Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Thiên tử tướng mạo rất đẹp đẽ, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, ngồi lui qua một bên, từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà. Thiên tử kia nói kệ:
Quyết định để ngăn chặn
Ý vọng tưởng mà đến
Nếu người ngăn tất cả
Thì nó không bức bách.
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Quyết định để ngăn chặn
Ý vọng tưởng mà đến
Chẳng cần ngăn tất cả
Chỉ ngăn nghiệp ác kia
Khi ngăn ác kia rồi
Không để nó bức bách.
Bấy giờ, Thiên tử kia lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn
Mau đạt Bát-niết-bàn
Qua rồi mọi sợ hãi
Vượt hẳn đời ái ân.
Thiên tử kia nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ sát chân Phật, liền biến mất”.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1.281)
Mới hay, giữ tâm ý trong sạch là điều mà không phải ai cũng hiểu đúng để nương pháp dụng công nhằm đạt được tâm thanh ý tịnh; lặng mà hằng sáng. Khi ngồi yên, một mình đối diện với chính mình, chúng ta sẽ cảm nhận được thế nào là vọng tưởng. Những ý niệm thiện, ác, không thiện cũng không ác cứ liên tục dấy khởi trong tâm. Chúng chợt hiện chợt biến, chợt có chợt không, thật ảo đến vô cùng.
Vọng tưởng là phiền não, mà phiền não là giặc thù nên ta tìm mọi cách để tiêu diệt hết như lâm trận đánh đuổi giặc thù. Dụng công như thế thì kẻ thất bại chính là mình. Vị thiên tử kia cũng có ý dụng công tương tự, tìm mọi phương cách để dập tắt vọng tâm, ngăn chặn loạn tưởng. Những hạt giống vọng tưởng được gieo trồng từ vô lượng kiếp, do vô minh vọng nghiệp khiến chúng dấy động liên tục nên tìm cách chặn đứng tất cả vọng tưởng là việc mất nhiều sức lực mà không kết quả.
Đức Phật cũng xác định vọng tưởng là phiền não nhưng lại có cách riêng “Chẳng cần ngăn tất cả/ Chỉ ngăn nghiệp ác kia”. Bởi nếu không ngăn ý nghiệp ác thì nói và làm ác có thể xảy ra liền theo đó. Còn vô lượng vọng tưởng trôi nổi mênh mang kia thì chỉ cần chú tâm vào đề mục thiền (theo dõi hơi thở vào ra hay niệm ân đức Phật chẳng hạn), tâm có định thì vọng tưởng không chỗ bám víu, tự sinh thì sẽ tự diệt.
Kỳ thực thì vọng tưởng như mây trên trời. Tâm như bầu trời xanh bao la. Mây chợt hiện ra rồi tự nó tan biến còn bầu trời thì vẫn trong xanh như thế tự bao đời. Thế nên, giữ tâm ý trong sạch chính là giữ tâm chánh niệm và tỉnh giác, lặng mà biết, tịch mà chiếu, có định có tuệ chứ không phải ra sức đánh đuổi vọng tưởng.
Quảng Tánh
Phản hồi