Giữ chữ tín để đem lại sự giàu có

PGĐS – Đức Phật dạy rằng: “Thà nên giữ đạo, nghèo khó mà chết; chẳng nên vô đạo, giàu sang mà sống”.

Nghĩ về chữ tín trong làm ăn

Phú thị nhân sở dục: Giàu có là ước vọng chính đáng của con người như cha ông ta đã đúc kết và là hoạt động chỉ trong xã hội loài người mới có. Có thể hiểu giàu là có nhiều tiền của, có nhiều hơn mức bình thường.

 

Lý luận Phật gia khuyến khích Phật tử gầy dựng cơ nghiệp để xã hội phát triển nhưng không lấy tiền của, vật chất làm tiêu chuẩn đánh giá: “Vô bệnh đệ nhất lợi. Tri túc đệ nhất phú. Sân hận đệ nhất độc. Niết bàn đệ nhất lạc” (Không bệnh lợi nhất. Biết đủ giàu nhất. Sân hận hại nhất. Niết bàn vui nhất); mà cho tài sản thế gian là miếng mồi ngon của 5 nhà lửa: trộm cướp, chiến tranh, con bất hiếu, bệnh tật, thiên tai.

Đức Phật dạy rằng: “Thà nên giữ đạo, nghèo khó mà chết; chẳng nên vô đạo, giàu sang mà sống”.

Xưa nay nhiều người nhờ chữ “tín”, nhờ đạo đức trong kinh doanh mà phát đạt, đem lại đời sống tốt đẹp không những cho bản thân và gia đình mình mà còn góp phần lớn công sức thúc đẩy xã hội phát triển. Bên cạnh đó, không ít người lắm tiền nhiều của do làm ăn phi pháp, buôn gian bán lận, lường gạt người khác với nhiều thủ đoạn khác nhau: hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng… mà hệ quả là kìm hãm sự phát triển về mọi mặt của xã hội trong đó có sự băng hoại về đạo đức. Nhóm người thứ nhất thu lợi từ phần gốc rễ trong khi nhóm người thứ hai kiếm lời bằng phần ngọn. Thực tế cho thấy sự giàu có nhờ vào phần ngọn chính là sự “thất tín” chưa bao giờ bền vững với thời gian. Bởi gieo nhân xấu sẽ tạo nghiệp ác.

 

Kinh Lục độ tập đã chỉ: “Thà nên giữ đạo, nghèo khó mà chết; chẳng nên vô đạo, giàu sang mà sống”. Do đó, Người Phật tử sau khi chọn được nghề nghiệp phù hợp còn phải luôn tâm niệm dấn thân làm giàu bằng con đường chân chính để tạo nghiệp thiện; mọi tài sản có được phải trong sạch, chính đáng bằng mồ hôi nước mắt và sự nỗ lực tinh tấn của trí tuệ. Có như vậy mới bản thân chúng ta, người thân của chúng ta mới an lạc và tài sản có được mới bền lâu.

Thiện Minh

Bài viết liên quan

Phản hồi