Giới luật là phương tiện tháo gỡ ràng buộc

 PGĐS – Phật giáo ra đời và tồn tại với chúng sinh hơn hai thiên niên kỷ, và thật không quá khi nói rằng Phật giáo là tôn giáo có sự tha thiết thâm trầm đối với nỗi đau của nhân loại: “Nước mắt chúng sinh trong ba ngàn thế giới đem chứa tích lại còn nhiều hơn nước trong bốn bể”. Để vượt qua những chướng ngại ấy, Phật giáo cần có con đường riêng để đưa tín đồ vượt qua khỏi phiền muộn, ràng buộc mà đến với sự giải thoát, an vui vĩnh hằng.

Theo “Phật học từ điển” của Đoàn Trung Còn, thì “Giải thoát” (Morksha) cần được hiểu như sau: Giải là lìa khỏi sự trói buộc, được tự tại, mở những dây trói của nghiệp lầm. Thoát là ra ngoài quả khổ tam giới (Dục, Sắc, Vô Sắc). Chẳng hạn như giải thoát đối với kết (thắt, buộc), hệ phược (trói buộc). Hay như cách hiểu thông thường là “giải thoát sự trói buộc của nghiệp, tức là sự giải thoát khỏi sự trói buộc của năm uẩn”. Là người con Phật trên con đường tu đạo, nhất định phải thấu hiểu con đường diệt khổ và tự mình có pháp hành, để áp dụng trong đời sống hằng ngày, nhắm hoàn thiện mình hơn trên lộ trình tu học.

     Đầu tiên, cần hiểu thế nào là “thoát khỏi sự trói buộc của năm uẩn”. Năm uẩn là năm yếu tố hay năm nhóm kết hợp lại tạo thành con người; hay nói cách khác, con người là một hợp thể của năm yếu tố, gồm có: Sắc uẩn (Rùpa) là yếu tố sinh lý – vật lý; Thọ uẩn (Vedanà) là yếu tố cảm giác; Tưởng uẩn (Sãnnã) là yếu tố tri giác, là sự nhận biết đối tượng giác quan hay tâm lý; Hành uẩn (Sankhàra) là yếu tố tâm lý hoạt động ngoài Thọ và          Tưởng là những tâm lý tạo động lực đi tới tạo nghiệp và kết quả của nghiệp như ước muốn, quyết định… thuộc ý chí còn gọi là Tư; Thức uẩn (Vinãna) là yếu tố nhận thức, phát hiện sự có mặt của đối tượng, gồm có sáu thức. Thức làm nền tảng cho Thọ, Tưởng và Hành, theo Duy thức học thì có tám thức. Thức là Tâm vương (Citta); Thọ, Tưởng, Hành là Tâm sở (Cetasika).

     Từ đây có thể thấy, năm uẩn chính là sợi dây trói buộc con người một cách hoàn toàn vào nghiệp sinh tử. Bằng cách trói người ta vào yếu tố sinh lý, vật lý, cảm giác, tri giác, tâm lý hoạt động, nhận thức,… Tựu chung lại con người bất kể khi hành động, nói năng hay suy nghĩ đều có chịu sự tác động của các nghiệp, bao gồm thiện nghiệp và ác nghiệp. Hễ tư duy có nhận thức được sự việc, hiện tượng xung quanh, rồi đặt tâm mình theo dõi các sự vật, sự việc ấy liền này sinh tri giác và tâm lý hành động. Tâm  lý thúc đẩy người muốn hành động để thực hiện nhu cầu, ham muốn về cảm giác, bao gồm các hành vi có thể có lợi cho mình, có lợi cho người, hoặc có lợi cho mình, có hại cho người, và đôi khi là hại cho mình và người. Hết thảy những dạng ham muốn ấy đều xuất phát từ nhận thức và nhu cầu thoả mãn cảm giác cá nhân, thông qua lời nói và hành động để tác động lên đời sống của thân vật lý hay nhu cầu sinh lý.

     Như một quy luật tất yếu, ngã ở đâu thì đứng lên ở đó. Vấn đề ở đâu thì giải quyết tại đó, và vấn đề trói buộc sinh tử nằm ở Năm uẩn, nên để giải thoát cần tháo gỡ sự trói buộc của năm uẩn. Dễ dàng nhận thấy rằng, công cụ hữu hiệu nhất để kiểm soát hành vi, lời nói và suy nghĩ của con người chính là giới luật. Như trong kinh Di Giáo, Đức Phật có dạy rõ rằng: “Sau khi ta diệt độ các ông hãy nương tựa vào chính mình và hãy lấy giới luật làm thầy”. Lời phó chúc ấy là một minh chứng hùng hồn khẳng định tính trọng yếu của giới luật với sự tồn vong của đạo pháp. Học tập, tìm hiểu cặn kẽ và nghiêm trì giới luật, oai nghi chính là cách để bản thân người tu đạo điều tiết được hành vi, lời nói và suy nghĩ của chính mình, để tâm không vọng tưởng và dẫn đến ác nghiệp.

     Một người luôn tỉnh táo để giữ gìn đúng oai nghi, không phạm lỗi sai trong hành động bằng việc nghiêm trì giời luật sẽ có khả năng kiểm soát được lời nói, hành động của mình. Trước mỗi cảnh tượng diễn ra, sự vật hay sự việc gặp phải, người nghiêm trì giới luật sẽ không bị tác động bởi tâm ham muốn hay tâm yêu ghét, hờn giận  mong tác động vào cảnh ấy, từ đó không còn suy nghĩ lệch lạc, lời nói thô ác sai trái, hành động mang đến kết quả xấu cho mình và cho người. Chính sự tỉnh thức trong suy nghĩ và hành vi sẽ giúp người tu đạo kiểm soát và dứt được sự tác động của năm uẩn lên chính mình. Lòng người sẽ không còn bị cuốn theo những cảnh biến hiện đổi thay liên tục, không còn hiềm giận và ganh ghét, mê đắm hay ham muốn sở hữu, hiểu được cái ta có và không có, cái ta được phép sở hữu và không được phép, từ đó không còn vận tâm theo những thứ ngoại cảnh khác, dẫn đến nghiệp hành vi gieo xuống làm nhân chủng của những sanh tử sau này.

     Vậy đầu tiên, để kiểm soát và giải thoát khỏi sự trói buộc của năm uẩn, người tu cần tinh chuyên giới luật. Học và nghiên cứu kỹ lưỡng, đầy đủ nội dung của giới luật, oai nghi và “giữ giới luật như giữ tròng con mắt”, để mỗi hành vi, lời nói và suy nghĩ đều là thiện nghiệp.

     Thứ hai, để có thể giữ gìn giới luật một cách tinh tấn, liên tục và bền vững, cần có một tâm niệm tỉnh thức vững chãi. Điều đó yêu cầu người hành trì cần có pháp hành thiền thường xuyên, để luôn an trú trong hiện tại và giới luật. Người con Phật cần có pháp hành trong việc nuôi dưỡng thân tâm bình lặng, an trú. Dành thời gian tham thiền mỗi ngày để nâng cao chất lượng thiền định, song vẫn không thể ngừng lại việc rèn luyện đặt tâm an trú trong hành động. Dù đi, đứng, nằm ngồi, làm việc hay sinh hoạt khác, bất kể làm gì cũng cần ý thức về việc đang hiện hữu, đang diễn ra.

  Chính việc lưu tâm đến sự việc đang diễn ra, người ta mới biết bản thân cần làm gì để giữ gìn giới luật. Một người để tâm mình chạy nhảy thong dong khi đang làm vườn, sẽ không khỏi những phút lơ đãng mà dẫm phải một cái cây non. Hay thậm chí cái tâm lơ đãng ấy đã hướng người ta đến những mơ tưởng, ham muốn, nhu cầu khác ngoài kiểm soát, nên quên mất việc hành trì giới luật, oai nghi. Từ đó, thấy được vai trò của việc tập tu pháp an trú cho tâm, thông qua bất cứ phương pháp quán niệm nào phù hợp. Dù là Quán Sổ Tức, Quán Nhân Duyên hay niệm danh hiệu Phật đều có thể nuôi dưỡng tâm an trú, rồi từ đó có thể bình lặng mà hành trì giới luật, kiểm soát ngũ uẩn.

     Giới luật từ khởi thuỷ được chế định chung cho tất cả những ai muốn tu tập theo hạnh giải thoát. Bất cứ ai có thể buông bỏ trần duyên với gia đình để gia nhập tăng đoàn đều phải tuân theo. Bởi giới luật là một điều kiện trọng yếu để bảo trì giới thể cho một tỳ kheo như pháp. Nếu không thọ trì giới luật một cách nghiêm mật thì bản thể thanh tịnh của một tỳ kheo khó có thể được bảo toàn. 

     Chính vì vậy, trách nhiệm học giới và tu tập giới là bổn phận của mỗi người Phật tử, bởi giới luật không phải là một bộ môn học hay một tông phái riêng biệt mà ai thích thì theo. Vì rằng điều kiện để trở thành một tỳ kheo như pháp là bạch tứ yết ma và thọ trì giới pháp. Để giữ gìn được bản thể thanh tịnh và hướng đến sự giải thoát sau cùng là công năng của giới. Chúng ta không thể trở thành một tỳ kheo như pháp nếu không nghiêm trì giới luật, cũng như không thể thoát bỏ sự ràng buộc của nghiệp, của ngũ uẩn mà không kiểm soát hành vi của mình, thông qua việc gìn giữ giới luật được.

Ngộ Hạnh

Bài viết liên quan

Phản hồi