Giận Mà Chi Ta Ơi
Mình có thể quán tứ diệu đế đối với cơn giận. Nguyên nhân nào làm cơn giận đó phát khởi, phải nhận diện cơn giận đó. Nếu mình không biết kiềm chế thì sẽ dẫn đến hành động gì? Nhiều người nói giận quá mất khôn, nếu như vì giận hờn vô cớ mà đập máy tính thì mình đã bị tiêu hao tài sản rồi. Vợ chồng giận dỗi cãi nhau đem đồ đạc ra đập, thậm chí còn đốt cả cái nhà. Khi hết giận thì nhà không còn, đồ đạc cũng mất. Cơn giận đến mình phải niệm, giận à, giận à, đến khi nào cơn giận hạ nhiệt xuống thì thôi.
Trúc Lam chợt nhìn nội mà trong lòng bùi ngùi. Tóc nội nay đã bạc, da nội đã nhăn hơn trước nhiều. Mới ngày nào mình còn là một đứa trẻ 4 – 5 tuổi, nội còn tắm rửa đúc cơm cho mình ăn mà giờ mình đã lớn thế này rồi. Chắc có lẽ do cái tuổi thơ của Trúc Lam lớn lên trong vòng tay của nội nên bây giờ nội mới thương Trúc Lam nhiều đến thế.
Hôm nay bên nội, cô chú, ai cũng về đông đủ nên nội làm đủ món nào là gà chiên nào là vịt nấu cháo, cá kho tộ canh khổ qua… Để có được những món ăn này nội đã giết hết hai con gà và một con vịt. Cứ mỗi lần gia đình xum họp hay có đám giỗ là nội phải sát sinh. Trúc Lam nhìn nội mà xót thương vô cùng vì nội đã tạo nghiệp sát sinh từ trước đến giờ không biết bao nhiêu mà kể. Dù có vài lần Trúc Lam khuyên nội thôi đừng giết gà mổ vịt nữa, vì như thế nội sẽ tạo nghiệp đó, tụi con về sẽ tự mua đồ về ăn.
Do nội không tin Phật pháp không tin nghiệp quả nên Trúc Lam có khuyên thì nội cũng ừ cho qua chuyện mà thôi. Sức khỏe nội thì sáng đau tối nhức. Có đêm không ngủ được chắc cũng là do nội đã tạo nghiệp quá nhiều. Trúc Lam biết rằng tình cảm của nội hay cô chú có dành cho mình nhiều hay ít rồi nó cũng sẽ không còn. Do cộng nghiệp mà kiếp này mình mới là người thân của nhau, cùng sống chung trong một gia đình. Khi mất rồi thì những tình cảm mà người thân dành cho mình cũng sẽ tan biến chỉ có nghiệp thiện và nghiệp ác theo mình mà tái sinh.
Trên thế giới này có hơn 6 tỷ người thì mình cũng từng là con, là anh, là em của nhau trong hằng hà sa số kiếp. Ngày xưa Đức Phật cùng Thánh chúng đang đi du hóa thì gặp một đống xương khô bên vệ đường, Đức Phật sụp xuống lạy đống xương khô ấy. A Nan rất ngạc nhiên vì Đức Phật là thầy của trời, người, không hiểu lý do gì mà Ngài phải lạy đống xương khô vô danh như vậy. Đức Phật cho biết, dưới mắt phàm phu, đống xương khô vô nghĩa, không có giá trị gì. Nhưng theo tuệ nhãn của Phật thì trong đống xương khô, có mối tương duyên mật thiết với chúng ta, với những người đang sống.
Theo vòng quay của sinh tử luân hồi vô tận, chúng ta đã từng thay hình đổi dạng không ngừng; thay nhau làm cha mẹ, ông bà, vợ chồng, con cái, bạn bè, thân thù… đủ thứ cách mà chúng ta vì vô minh nên không hề nhớ, không hề biết. Trong mối tương quan tương duyên vô hình ràng buộc từ trong nhiều kiếp như vậy, mối tình thân thương của ông bà, cha mẹ đối với chúng ta có thể nói rất là thâm sâu; đặc biệt là tình thương cao cả của người mẹ đối với con. Đức Phật chỉ cho thấy tình thâm cốt nhục của người mẹ đối với con cái được khắc sâu đến tận xương tủy, đến khi chết, thân xác đã bị thiêu đốt mà còn để lại dấu vết trên xương.
Đức Phật dạy cách phân biệt để biết xương của người chết thuộc nam giới hay nữ giới; xương của người đàn bà thì đen và nhẹ; xương của người đàn ông thì trắng và nặng.
Ngày nay, chúng ta thấy hiểu biết ấy của Đức Phật rất chính xác theo khoa học. Với tuệ giác vô thượng, Ngài đã biết trước những điều mà cả ngàn năm sau khoa học mới chứng minh được. Lúc mang thai cũng như khi cho con bú, số lượng calci của người mẹ bị hao hụt rất nhiều vì đã được sử dụng để cấu tạo xương cho đứa con và tạo thành sữa cho con bú. Trải qua nhiều năm tháng sanh đẻ, nuôi con, đến khi tuổi lớn, người đàn bà lại mất thêm lượng calci rất nhiều do mất nội tiết tố của nữ giới. Vì vậy, xương của người đàn bà ít calci hoặc không còn calci, trở thành rỗng, nên nhẹ hơn xương đàn ông.
Từ góc độ thấy theo tuệ giác của Phật và Thánh chúng, chúng ta nhìn xa trong kiếp sanh tử luân hồi, nhiều đời đã từng thay nhau làm cha mẹ. Vì vậy, khi chúng ta nhìn trở lại xã hội mình đang sống, thấy được mọi người đều có quan hệ mật thiết với nhau, ai cũng có thể là cha mẹ, bà con thân thương của ta. Từ đó, chúng ta sanh tâm kính trọng những người xung quanh như cha mẹ.
Do nhà ngoại và nhà nội gần nhau nên sau khi dùng cơm xong Trúc Lam tranh thủ sang thăm ngoại. Ngoại của Trúc Lam tu tịnh độ nên có thờ tượng Phật trong nhà. Cũng đã lâu rồi Trúc Lam không có lạy Phật. Trong lúc đợi ngoại đọc kinh Trúc Lam đứng nép kế bên và thực tập thiền lạy. Khi lạy, Trúc Lam có chánh niệm về từng động tác và tâm ý. Trúc Lam biết chấp tay, cúi xuống, quỳ xuống, phủ phục, trán và mũi tiếp xúc với đất. Lạy thứ nhất Trúc Lam nguyện nương tựa Phật. Trúc Lam ý thức được rằng lạy Phật không phải ta lạy bức tượng mà ta thực sự đang tiếp xúc với tinh thần Phật, tính cách Phật, hạnh từ bi Phật. Người hiểu hết trọn vẹn tất cả những gì có thể hiểu được, Người hiểu biết sâu sắc tứ thánh đế và dạy cho chúng sanh hiểu thánh đế.
Lạy thứ hai Trúc Lam nguyện nương tựa Pháp, Pháp là phương pháp tu học, là con đường chánh đạo giúp vượt thoát mọi tử sanh. Lạy thứ ba Trúc Lam nguyện nương tựa Tăng. Chư tăng, không phải ta lạy một con người mà ta thực sự đang bày tỏ tấm lòng nương tựa vào tăng thân, đi chung với tăng thân và tu tập cùng tăng thân. Nương tựa tam bảo hay tin vào Phật Pháp Tăng có nghĩa là đặt niềm tin vào tăng đoàn, bạn bè thiền sẽ giúp chúng ta, những vị thiền sư nhiều kinh nghiệm thiền sẽ chỉ dẫn chúng ta.
Hồi đức Phật còn tại thế, ngài Xá Lợi Phất chỉ dẫn thiền sinh đến tầng thiền Sotapanna và Sakadarami. Còn ngài Mục Kiền Liên chỉ dẫn thiền sinh hai tầng thiền tiếp theo là Aganmi và Arahan. Nhờ những vị tăng tài đức trọng, công phu sâu dày dẫn dắt nên chúng ta không bị lầm đường lạc lối trên con đường thiền tập, do đó chúng ta quy y Tăng. Khi được những vị thầy nhiều kinh nghiệm chỉ dẫn và do sự tập luyện chuyên cần, chúng ta ngộ ra các Pháp đều là vô thường. Do kinh nghiệm các Pháp đều vô thường nên chúng ta ngộ được Giáo Pháp do đức Phật tìm ra. Vì thế chúng ta quy y Pháp. Do hiểu Giáo Pháp bằng kinh nghiệm trực tiếp mà chúng ta có thể giải thoát, có thể thành Phật. Vì thế chúng ta quy y Phật. Vậy lòng tin mà đức Phật đòi hỏi nơi chúng ta không phải là một niềm tin mù quáng mà rất thực tế.
Đức Phật từng dạy: “Đừng tin vào kinh điển đừng tin vào những gì người khác nói, đừng tin do truyền thống… Hãy từ từ luyện tập và chỉ tin vào những sự thật mà chính bạn đã chứng ngộ”.
Dù theo pháp môn thiền hay tịnh độ thì cả hai pháp môn đó cũng không thể giúp mình giải thoát mà đó chỉ là phương tiện giúp mình tu tập mà thôi. Bản thân mình là người tu tập mới có thể giải thoát. Thầy hay bạn đồng tu không thể tu dùm mình mà mình được giải thoát cả. Trong thời gian qua Trúc Lam nhờ thầy chỉ dạy về việc thực tập thiền và sự chia sẻ của những bạn đồng tu, Trúc Lam mới có thể tu tập chuyển hóa những khổ đau như ngày hôm nay.
Thiền thực chất không có gì gọi là cao siêu cả, nó chỉ là phương pháp thực tập diệt trừ tham, sân si. Khi chúng ta không thiền chúng ta sẽ bị si mê lầm lạc và chúng ta sẽ không theo kịp sự biến đổi của tâm chúng ta, cho nên chúng ta sẽ phản ứng một cách máy móc. Khi cơn giận phát khởi, chúng ta có thể cảm nhận được sự khuôn mặt của mình lúc này đỏ bừng, cơ thể nóng lên, đầu óc rối bời…Nhiều khi cơn giận không phải do một người nào đó tác ý làm cho mình giận mà cơn giận tự trong tâm mình bộc phát. Hay đã gần đến ngày nộp bài viết cho thầy mà mình ngồi cả hai giờ đồng hồ vẫn chưa suy nghĩ được vấn đề gì để viết. Tự nhiên mình nổi sân với việc viết bài, nổi sân với cái máy vi tính và muốn đập vỡ nó ra. Những lúc như thế thì mình phải biết đem sự thực tập thiền ra mà điều phục thân tâm. Đang nổi sân thì làm sao mà viết bài được, hãy ngưng việc viết bài lại chờ khi nào sự việc nổi sân không còn thì viết tiếp. Khi đó thì bài viết của mình mới đầy đủ ý mà mình muốn viết.
Mình có thể quán tứ diệu đế đối với cơn giận. Nguyên nhân nào làm cơn giận đó phát khởi, phải nhận diện cơn giận đó. Nếu mình không biết kiềm chế thì sẽ dẫn đến hành động gì? Nhiều người nói giận quá mất khôn, nếu như vì giận hờn vô cớ mà đập máy tính thì mình đã bị tiêu hao tài sản rồi. Vợ chồng giận dỗi cãi nhau đem đồ đạc ra đập, thậm chí còn đốt cả cái nhà. Khi hết giận thì nhà không còn, đồ đạc cũng mất. Cơn giận đến mình phải niệm, giận à, giận à, đến khi nào cơn giận hạ nhiệt xuống thì thôi.
Mình biết là mình được trao truyền từ cha của mình hạt giống nóng giận và mình không muốn giống cha. Mình muốn trở thành một con người dễ thương. Nếu niệm cơn giận trong thời gian dài mà vẫn không lắng dịu xuống thì mình hãy nên nằm thiền, nghe pháp thoại hay điện thoại trò chuyện với bạn đồng tu để nhờ chia sẻ. Đó cũng là một trong những cách giúp mình chuyển hóa cơn giận. Người mà không có sự thực tập thiền gì cả, khi cơn giận bộc phát họ sẽ chạy trốn cơn giận hay bí thế quá thì đè nén cơn giận. Nhưng đến một lúc nào đó cơn giận bộc phát dữ dội thì mình không còn đủ sức để mà kiềm chế được nữa và dẫn đến hành động lầm lỗi.
Do mình chưa biết cách chuyển hóa cơn giận trong tâm mình mà mình chỉ mới đè nén cơn giận đó thôi. Tức nước vỡ bờ, dồn nén cơn giận lâu ngày, nó thành một quả bom nổ chậm và sẽ phát nổ dữ dội. Mà khi dữ dội rồi thì cơn giận bất chấp tất cả, như một trận đại hồng thủy càn quét hết tất cả những gì đang có mặt. Đến khi cơn giận đi qua rồi thì ngồi đó than thân trách phận, sao mình dại thế, sao mình không biết kiềm chế cơn giận trong lúc đó, mình đau khổ đã đành còn kéo mọi người phải đau khổ theo.
Trong Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật có viết: “không sinh cũng không diệt”. Vì cơn giận vô thường, cơn giận trong tâm mình sinh ra rồi đến lúc nào đó cũng sẽ mất đi. Nó hiện hữu trong một hoàn cảnh nào đó rồi nó cũng mất đi trong một hoàn cảnh nào đó. Những cơn giận này thường không đầu không đuôi, không theo một thứ tự logic nào cả, hôm nay mình vui ngày mai mình buồn. Niềm vui và nỗi buồn luôn xen kẽ nhau, niềm vui có mặt, ta nhận biết niềm vui có mặt tức nỗi buồn đang không biểu hiện. Nỗi buồn có mặt, ta nhận biết nỗi buồn có mặt tức niềm vui không còn. Tâm mình biến đổi thất thường không cố định. Nên mình không có chán ghét cơn giận, không kẹt vào cơn giận, mà hãy chăm sóc cơn giận bằng năng lượng của tình thương, của sự thực tập.
Nhiều khi sân giận, bực bội, tuyệt vọng một phần cũng do nguyên nhân thức ăn ta tiêu thụ. Ta phải có một kế hoạch ăn uống, tiêu thụ như thế nào để cho khỏi phải bị sân hận, bạo động xâm chiếm có thể đem lại hòa bình và làm vơi bớt khổ đau. Thức ăn đóng một vai trò rất quan trọng trong sự phát khởi sân hận. Thức ăn có thể chứa đầy sân hận. Khi ăn miếng thịt của một con bò bị bệnh “bò điên” (mad cow disease) thì cái chất điên của con bò có sẵn trong miếng thịt. Không những thế, khi ăn một quả trứng hay một miếng thịt gà ta cũng phải biết rằng quả trứng hay miếng thị gà đó cũng có thể chứa đầy chất sân hận. Chúng ta ăn chất sân hận và sẽ phát khởi sân hận.
Một con heo khi sắp bị giết mổ thì có cả ba bốn người đè con heo xuống và giết. Bản năng của con heo khi sắp bị giết sẽ rất sợ hãi và cố gắng vùng vẫy để thoát. Sự sân giận oán thù của con heo lúc này đang rất mạnh mẽ nếu như con heo bị giết để làm thịt trong lúc này thì khi ta ăn phải sẽ mang tâm trạng sân giận oán thù của con heo. Mình đã vô tình mang sân giận, hận thù vào trong thân tâm mình hồi nào không hay. Nên trong bữa ăn mình hạn chế việc ăn thịt cá và thay thế bằng ăn nhiều rau và củ quả. Không ăn uống sản phẩm độc tố không tiêu thụ sản phẩm độc hại chứa đựng bạo động, khủng bố, cuồng tín, sợ hãi thèm khát và hận thù.
Phản hồi