Giải trí mùa dịch bằng tivi, điện thoại: Làm gì để bảo vệ đôi mắt cho trẻ?
Trong những ngày nghỉ dịch nhiều trẻ có thói quen “dán mắt” vào màn hình… khiến cho đôi mắt trở nên yếu hơn, thị lực bị suy giảm. Làm gì để bảo vệ đôi mắt cho trẻ?
Trẻ lấy tivi, điện thoại làm nơi giải trí mùa dịch
Nhiều tháng nay, các con của chị Nguyễn Thị Hạnh (Xuân Đỉnh – Bắc Từ Liêm – Hà Nội) được nghỉ học do ảnh hưởng của Covid-19. Đây cũng là quãng thời gian chị Hạnh lo lắng vì hai con của chị ở nhà xem tivi, điện thoại, máy vi tính quá nhiều giờ trong một ngày gây ảnh hưởng đến mắt.
Chị Hạnh cho biết, thường ngày 7h sáng cả nhà chị bắt đầu trải thảm, mở tivi để được hướng dẫn tập yoga khoảng 45 phút, sau đó xuống nhà ăn sáng. Đến khoảng 8h30, hai con chị lại cùng nhau xem phim bằng tiếng Anh đến 9h30.
Sau đó bé lớn học lớp 8 sử dụng máy vi tính để học tiếng Anh, bé nhỏ học một chương trình tiếng Anh trên máy tính bảng khoảng 1 giờ nữa. Buổi chiều, các con lại tiếp tục xem phim, sử dụng máy tính bảng. Buổi tối các con cùng ba mẹ xem tivi. Chị tính nhẩm, hai con chị mỗi ngày sử dụng các thiết bị điện tử khoảng 5 – 6 giờ.
Nghỉ dịch kiêm nghỉ hè, ít sân chơi khiến trẻ nghiện điện thoại, tivi
Còn chị Phùng Khánh Loan (Ba Đình – Hà Nội) kể, những ngày này không được đi ra ngoài, cậu con trai năm nay lên lớp 8 của chị ở nhà lúc thì học online, lúc chơi game, xem phim suốt cả ngày. Việc con sử dụng máy tính, điện thoại quá nhiều trong thời gian dài khiến chị lo mắt con bị ảnh hưởng.
“Khi còn đi học thì lâu lâu con mới chơi, còn những ngày giãn cách thế này, không được ra ngoài, con chị ôm máy tính, điện thoại suốt”, chị Loan tâm sự.
Không chỉ con của chị Loan, chị Hạnh đây là tình trạng chung của rất nhiều gia đình có con nhỏ đang nghỉ dịch chưa hẹn ngày tới trường.
Chia sẻ về những lo lắng của phụ huynh, PGS Trần Hải Yến – Viện nghiên cứu và đào tạo thị giác Hải Yến cho biết, tình hình dịch phức tạp dẫn đến giãn cách xã hội với những quy định nghiêm ngặt khiến không gian sinh hoạt của hầu hết người dân ở nhiều thành phố, đô thị trên cả nước thu hẹp.
Dịch kéo dài, nguy cơ cao về bệnh mắt
Nhiều nghiên cứu khẳng định dành thời gian ở ngoài trời là một trong những thay đổi lối sống quan trọng để giúp giảm thiểu nguy cơ cận thị ở trẻ em. Trẻ em tăng thời gian ở ngoài trời có thể làm chậm sự tiến triển của cận thị và có thể giảm 50% nguy cơ khởi phát bệnh cận thị.
Trẻ em càng dành nhiều thời gian thực hiện các hoạt động nhìn gần trong nhà như đọc và làm việc trên các thiết bị điện tử thì lượng ánh sáng tự nhiên cần thiết để mắt phát triển đúng cách càng ít.
Theo Hiệp hội Khúc xạ nhãn khoa Hoa Kỳ: “Nếu một đứa trẻ thiếu dopamine vì ngồi trong nhà thì mắt có thể phát triển ngày càng dài ra, mắt càng dài thì độ cận thị càng nặng”. Cận thị nặng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về mắt, đe dọa thị lực như bong võng mạc, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể sớm và thoái hóa hoàng điểm, những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa trên toàn thế giới”.
Tăng 1 diop sẽ làm tăng khả năng phát triển bệnh thoái hóa điểm vàng do cận thị lên 67%. Trong khi giảm 1 diop cận thị sẽ làm giảm 40% khả năng phát triển bệnh thoái hóa điểm vàng do cận thị.
Một nghiên cứu được trích dẫn bởi Hiệp hội Nhãn khoa Hoa Kỳ cho thấy chỉ cần trẻ dành thêm 40 phút ở ngoài trời mỗi ngày là đã làm giảm nguy cơ bị cận thị hoặc làm chậm tiến triển của cận thị. Trong khi đó những trẻ dành nhiều thời gian trong nhà hơn, đọc nhiều hơn hoặc dành nhiều thời gian hơn trên thiết bị kỹ thuật số của chúng, có nhiều khả năng bị cận thị hoặc cận thị nặng.
Sử dụng màn hình bao lâu là đủ?
Xem điện thoại, máy tính,… lâu sẽ ảnh hưởng đến mắt và sức khỏe của trẻ
Theo PGS Hải Yến, chưa có một nghiên cứu hoặc khuyến cáo cụ thể về giới hạn của thời lượng sử dụng thiết bị điện tử. Nhưng các chuyên gia nhận thấy trẻ hoạt động ngoài trời từ 1 – 3 giờ mỗi ngày là hữu hiệu để giúp bảo vệ thị lực, hoặc có thể cho trẻ dành ít nhất 90 phút mỗi ngày ngoài trời với ánh sáng thiên nhiên.
Việc gia tăng thời lượng ngoài trời đồng nghĩa với giảm tiếp xúc thiết bị điện tử. Trong hoàn cảnh giãn cách, phụ huynh nên tận dụng những nơi có ánh sáng tự nhiên trong khuôn viên nhà như ban công, sân thượng, sân vườn… để trẻ vui chơi.
PGS Hải Yến cho hay, cha mẹ có thể sử dụng những ứng dụng chuyên biệt để giám sát và hạn chế thời gian sử dụng thiết bị điện tử. Bên cạnh đó, giúp trẻ sử dụng thời gian trên thiết bị một cách thông minh để học tập.
Các bậc cha mẹ nên đưa các câu hỏi, gợi ý tình huống, đưa ra các vấn đề và yêu cầu lời giải. Như vậy, trẻ sẽ tìm thông tin khi vào Internet, sau đó sẽ dành thời gian để tìm câu trả lời, giải quyết chủ đề mà cha mẹ đặt ra. Điều này giúp cải thiện khả năng xử lý và diễn giải nội dung của trẻ, đồng thời dứt trẻ ra khỏi Internet khi đã tìm đủ thông tin.
Lập thời khóa biểu hằng ngày là một cách khéo léo để phân bổ thời gian của trẻ luân phiên giữa sử dụng thiết bị điện tử và các hoạt động khác.
Phản hồi