Giá trị thiền học bài Phật tâm ca của Tuệ Trung Thượng Sĩ

PGĐS – Kể từ khi đạo Phật du nhập nước ta, đến thời Trần thì đạo Phật đã thể nhập và có một vị trí đặc biệt, đứng vững trong lòng dân tộc.

Trong một bối cảnh đất nước độc lập, tự chủ trên mọi lĩnh vực với hào khí Đông A, Thiền phái Trúc Lâm ra đời là một quy luật tất yếu của lịch sư Phật giáo nói riêng và trong dòng chảy lịch sử dân tộc Việt Nam nói chung.

Nói cách khác, Thiền phái này đã kề vai sát cánh cùng dân tộc đi đến sự thống nhất đất nước, nhất là góp phần phục hưng mọi giá trị tinh thần văn hóa truyền thống của dân tộc. Đây chính là sức mạnh nội tại để Phật giáo Việt Nam cùng với dân tộc Việt Nam phát triển song hành trong việc tiếp nối mọi giá trị truyền thống, hiện thực hóa trong hiện tại và định hướng cho tương lai trong sự nghiệp giữ nước và dựng nước ở mọi thời đại.

Và như thế, sự tích cực hoạt động trong đời của Thiền phái Trúc Lâm đã góp phần thúc đẩy diện mạo và đặc trưng đời sống văn học nước ta, thay đổi về chất và lượng, vượt bậc từ giá trị nội dung tư tưởng cho đến giá trị nghệ thuật mà trước đó thời Lý còn nhiều hạn chế. Các tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm thực sự trở thành đối tượng để chúng ta tiếp cận nền học thuật Phật giáo thời Lý – Trần nói riêng, sự tiếp nối hòa nhập vào chủ lưu yêu nước và nhân văn của văn học trung đại nói chung. Lần đầu tiên các giá trị tư tưởng triêt lý, văn học Phật giáo Đại Việt, cụ thể là văn học Thiền phái được hiển bày qua từng tác phẩm cụ thể. Nếu các tác phẩm văn học Thiền đời Lý chỉ xoay quanh đề tài giáo lý, triết học, khái niệm qua các bài kệ, thiền ngữ, khá thiên về loại hình văn học duy lý thì sang nhà Trần, các sáng tác đã phản ánh nội dung tư tưởng Thiền gần với đời sống hiện thực mang nhiều màu sắc. Một trong những đại biểu sáng giá, trở thành cây đại thụ của Thiền phái Trúc Lâm chính là Tuệ Trung Thượng sĩ. Ông đã để lại dấu ấn tâm linh thiền đạo qua những sáng tác văn chương khá lớn, đóng góp không nhỏ cho văn học Thiền và văn học trung đại Việt Nam.

172ef95ca82f54b432ddb40c91c7525a
ảnh minh họa

Việc nghiên cứu tìm hiểu bài “Phật tâm ca” của Tuệ Trung Thượng sĩ sẽ cho ta cái nhìn đúng về các giá trị tư tưởng Thiền thể nhập vào đời sống sinh hoạt tâm linh và đời sống thực tiễn của nhân dân trong dòng chảy của văn hóa, văn học nước ta thời bấy giờ.

Giới thiệu tác giả – tác phẩm

Không phải ngẫu nhiên mà vua Trần Thánh Tông cảm phục đạo học của Tuệ Trung Thượng sĩ và tôn ông là sư huynh, đồng thời nhờ ông dạy Thiền học cho thái tử sau này là Trần Nhân Tông; chính tên tuổi và sự nghiệp Tuệ Trung Thượng sĩ đã để lại dấu ấn lớn trong lịch sử tư tưởng Thiền học Trúc Lâm. Chỉ cần nghiên cứu và tiếp cận kỹ bài thơ Trần Nhân Tông viết về ông, tức là bài “Tán Tuệ Trung Thượng sĩ” thì rõ:

“Vọng chi nhĩ cao, Toàn chi nhĩ kiên. Chiêm nhi tại tiền, Phù thị chi vị, Thượng sĩ chi Thiền” (Càng nhìn càng cao, Càng khoan càng bền. Chợt phía sau đó, Ngắm phía trước liền, Cái này tên gọi, Là Thượng sĩ Thiền).

Rõ ràng, ông là một nhân vật kỳ bích, chứng nhập tâm linh, ngộ đạo lý chơn thường, dung hợp đạo đời, sống an bình tự tại, vô niệm vô cầu trong thực tại đời thường. Căn cứ vào bản tiểu sử của Thượng sĩ do vua Trần Nhân Tông viết “Thượng sĩ hanh trạng” tờ 35a5-40a2 thì “Thượng sĩ là con thứ nhất của Khâm Minh Từ Thiện Thái vương, anh cả của Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Thái hậu. Nguyên trước Thái vương mất, Thái Tông Hoàng đế cảm nghĩa phong làm Hưng Ninh vương”. Như vây, Tuệ Trung là con đầu của An Sinh vương Trần Liễu và anh cả Hoàng Thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm và Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Tên thật của ông là Trần Tung, sinh năm 1230 và mất năm 1291, chứ không như trước đây sách Hoang Việt văn tuyển của Bùi Huy Bích ghi nhầm ông là Trần Quốc Tảng. Thượng sĩ là anh vợ của vua Thánh Tông, cũng là bạn chí cốt của vua, được Thánh Tông tôn xưng là sư huynh, đồng thời ký thác con mình là Trần Nhân Tông cho ông làm thầy trực tiếp dạy bảo.

Là một trong những tướng lĩnh có công nước nhà, trong cuộc chiến tranh vệ quốc lần hai, ông đã dẫn hai vạn quân đón đánh và truy quét đạo quân Thoát Hoan chạy dài đến sông Như Nguyệt. Trong cuộc chiến tranh lần thứ ba, Tuệ Trung đã vào bộ chỉ huy của giặc để điều đình trì hoãn để quân ta có thời gian củng cố lực lượng, tạo tiền đề cho chiến thắng Bạch Đằng vang dội xảy ra một tháng sau đó. Ông được nhà nước giao cho chức Tiết độ sứ trại Thái Bình và được phong ấp ở Tịnh Bang, dựng Dưỡng Chân Trang, tiếp tục tham thiền, sống đạo nhập thế tích cực. Tuệ Trung trở thành “một nhà Thiền học có bản lĩnh, có lý trí, không câu nệ ở giáo điều sách vở, biết đập vỡ thái độ khư khư bám víu vào những khái niệm có sẵn, biết hòa quang đồng trần”. Có thể nói, ông là một trong những bậc long tượng của Phật giáo Đại Việt.

Sự nghiệp trước tác, trước thuật của Tuệ Trung chủ yếu được tập hợp trong bộ Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục. Theo thư tịch cổ, sách Thượng sĩ ngữ lục nằm trong bộ “Trần Triều dật tồn Phật điển lục”, đây là bộ Phật điển của nhà Trần còn lại, gồm có Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục và Tam Tổ thực lục. Theo Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang thì sách Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục do Pháp Loa biên tập, Trần Nhân Tông khảo đính, Đỗ Khắc Chung đề bạt. Bản hiện có là bản in năm 1943 của Tổng hội Phật giáo Bắc Kỳ, căn cứ trên bản in cũ của năm 1903 do Sa môn Thanh Cừ chùa Pháp Vũ thực hiện, có bài lược dẫn của Tỳ kheo Thanh Hanh viết vào năm ấy. Các bản in này đều mang một bài lược dẫn của Tỳ kheo Huệ Nguyên chùa Long Động núi Yên Tử viết trong dịp trùng san năm 1763. Nội dung của sách gồm có bốn phần: Phần thứ nhất: Đối cơ, gồm những mẩu đối thoại giữa Tuệ Trung với các môn đệ và các học giả. Phần thứ hai: Cử Công án, gồm 13 công án, mỗi công án có lời niêm (nhận xét) và một bài kệ của Tuệ Trung. Phần thứ ba: Thi tụng, gồm 49 bài thơ vừa thơ vừa kệ của Tuệ Trung. Phần thứ tư: Thượng sĩ hành trạng, do Trần Nhân Tông viết. Sau bài của Trần Nhân Tông là một số bài kệ tụng của các vị đệ tử nổi danh của ông viết.

Thơ văn Lý-Trần, tập 2 cho rằng, sáng tác của Tuệ Trung được tập hợp trong bộ Thượng sĩ ngữ lục. Sách được cấu trúc thành ba phần. Phần thứ nhất là phần Ngữ lục, bao gồm Đối cơ, Tụng cổ, trình bày những bài giảng của Thượng sĩ cho các đệ tử và những công án tham thiền của ông. Phần này do Pháp Loa ghi và Trần Nhân Tông khảo đính. Phần thứ hai gồm 49 bài thơ với nhiêu đề tài, thể loại khác nhau. Phần thứ ba gồm một bài “Thượng sĩ hành trạng” do Trần Nhân Tông viết, tám bài tán của tám nhà Thiền học phái Trúc Lâm và một bài bạt của Đỗ Khắc Chung. Thông qua tác phẩm Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục, toàn bộ giá trị tư tưởng Thiền học, triết học của Tuệ Trung Thượng sĩ đã được phô diễn một cách tuyệt tác không chỉ về giá trị nội dung mà còn cả giá trị nghệ thuật sáng tác. Tác phẩm này có thể tóm tắt trong ba phần chính: Đối cơ, Tụng cổ, Thi ca. Tác phẩm này đã mở đường thực sự cho Thiền phái Trúc Lâm tham gia tích cực đóng góp cho đạo pháp hưng thịnh, đất nước phồn vinh, làm rạng rỡ thời đại.

Đối cơ là những pháp thoại giưa Thượng sĩ và các thiền sinh tham vấn học hỏi về các chủ đề sinh tử đại sự, hay cứu cánh giải thoát… Đây cũng là một hình thức sáng tác nghệ thuật trong văn học Thiền, vượt ra ngoài suy diễn tầm thường, những khái niệm vọng tưởng mang tính sương mù của ngôn ngữ. Vấn đề đặt ra là trực nhận và sở đắc tâm ý người thầy muốn nói gì với học trò.

Tụng cô là thể loại sáng tác đặc biệt trong văn học Thiền, được diễn bày qua ý tưởng từ các bài kệ tụng, điển cố, công án, những cốt tủy Phật lý mà mình tâm đắc. Tại đây người học Thiền sẽ tiếp nhận thông điệp pháp ý để thọ lĩnh và hành trì.

Thi ca là những bài thơ thể hiện sự chứng đắc về thiền ý với những nguồn cảm hứng vô tận mang tính nghệ thuật thẩm mỹ và tư tưởng siêu trần giải thoát.

Bài “Phật tâm ca” của Tuệ Trung Thượng sĩ là tác phẩm văn học Thiền được viết theo thể Ca, một hình thức sáng tác chỉ xuất hiện trong các sáng tác của các thiền gia, thiền sư đời Trần thuộc Thiền phái Trúc Lâm mà thôi, chứ vào đời Lý thì hầu như không có. Theo thư tịch cổ, thơ văn Thiền phái chỉ còn bảo lưu hai bản văn được sáng tác theo thể loại này. Đó la “Phật tâm ca” của Tuệ Trung viết bằng chữ Hán và “Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca” của Trần Nhân Tông viết bằng chữ Nôm. “Phật tâm ca” là bài ca gồm 12 khổ, 55 câu. Khổ đầu gồm 8 câu thất ngôn xen lục ngôn (2 câu đầu) “Phật, Phật Phật bất khả kiến; Tâm, tâm, tâm, bất khả tư thuyết”; mười một khổ còn lại, mỗi khổ 5 câu, câu 1 và câu 2 mỗi câu 3 tiếng, ba câu còn lại mỗi câu 7 tiếng. Có điều lý thú là mỗi khổ ở đây là một bài thơ tứ tuyệt thất ngôn xen lục ngôn và câu đầu chính là câu lục ngôn được tách ra làm hai. Vần gieo ở cuối câu (cước vận) và đa số là vần trắc (8/12 khổ gieo vần trắc), chỉ có 4 khổ gieo vần bằng. Rõ ràng, số câu trong bài không hạn định, không bị gò bó về niêm luật, vần điệu… nó thích ứng cho cảm hứng giải thoát trong chiều hướng khai mở tâm thức và bừng sáng trí tuệ. Và như thế, bài “Phật tâm ca” không chỉ có giá trị về nội dung tư tưởng Thiền học mà còn mang tính đặc sắc âm vang nghệ thuật thi ca Thiền tông.

Giá trị nội dung tư tưởng bài “Phật tâm ca”

1- Tư tưởng hòa quang đồng trần

Có thể nói, tư tưởng chính xuyên suốt của toàn bộ tác phẩm văn học Thiền của Tuệ Trung là hòa quang đồng trần; “Phật tâm ca” cũng không ngoại lệ. Tư tưởng này là sự kết tinh của một tiến trình phát triển lịch sử tư tưởng Việt Nam và Phật giáo Việt Nam từ thời vua Lý Thánh Tông cho đến vua Trần Thái Tông và sau này là Trân Nhân Tông, cũng như các thành viên Thiền phái Trúc Lâm. Chính Trần Nhân Tông sau khi trở thành Tổ khai sáng Thiền phái đã đúc kết tư tưởng này như là tư tưởng Đại Việt và Phật giáo nước ta được ghi vào trong “Thượng sĩ hành trạng” với lời nhận định như sau: “Hỗn tục hòa quang, dữ vật vị thường xúc ngỗ. Cố năng thiệu long pháp chủng, du dịch sơ cơ” (Thượng sĩ nhờ hòa quang đồng trần, cùng vật chưa từng xúc phạm nên có thể thiệu long giống pháp, dỗ dắt kẻ sơ cơ). Cho nên tư tưởng hòa quang đồng trần là tư tưởng của Tuệ Trung để làm hưng thịnh đạo pháp và dân tộc.

Thực tế, vào thời nhà Trần, yêu cầu của lịch sử đặt ra là cả nước tập trung nhân lực và trí tuệ để xây dựng đất nước. Mọi người dân, Phật tử đều phải tích cực vào đời làm rạng rỡ cho đời. Ngay trong bài “Phật tâm ca”, Tuệ Trung đã khẳng định Phật không phải bậc Sáng tạo, Thượng đế, hay Thiên thần gì cả; Phật là con người cụ thể, có thể luôn hóa hiện ngay giữa cõi đời trần tục: “Nhược tâm sinh thì thị Phật sinh”(Khi tâm sinh thì Phật sinh), và Phật thị hiện giữa đời chẳng khác nào hoa sen thơm ngát vươn lên trong bùn lầy nhơ bẩn: “Liên nhị hồng hương bất trước nê” (Nhị sen đỏ thơm chẳng nhuốm bùn) như trong bài “Thị chúng” mà ông đã cụ thể hóa bằng hình ảnh hoa sen. Thực ra, đây cũng là chủ trương có từ thời Đức Phật, sự chứng đạt là do tự thân tu tập mà vượt thoát từ trong cuộc sống trần tục. Tuệ Trung dấn thân, sống dung tục với đời mà đạt ngộ với tông chỉ của Thiền sư Tiêu Diêu. Tông chỉ ấy, ông từng trả lời với Trần Nhân Tông: “Hãy quay về tự thân mà tìm thấy tông chỉ, không thể từ ai khác”. Quay về tự thân mà tìm lấy tông chỉ là tự mình trở về chính mình để an trú giải thoát. Do đó, ta chẳng ngạc nhiên gì Tuệ Trung trao tông chỉ cho Trần Nhân Tông là phù hợp với tinh yếu lời dạy của Phật. Thời Phật còn tai thế, các Tăng sĩ tìm về tông chỉ trong nếp sống xuất gia, các cư sĩ thì tìm về tông chỉ ở đời sống xã hội. Điểm sáng ở đây là vào thời Trần, Ứng Thuận là cư sĩ – thầy truyền đạo cho Tăng sĩ Tiêu Diêu, Quốc sư Nhất Tông, Giới Ninh, Giới Thuận. Còn Tuệ Trung là cư sĩ – thầy truyền đạo cho Nhân Tông – người khai sáng ra dòng thiền Trúc Lâm hoạt động cho đời. Rõ ràng, Tuệ Trung là người thực hiện chủ trương tìm thấy tông chỉ trong cuộc sống đời thường, nhất là trong bối cảnh xã hội Đại Việt luôn chuẩn bị để đối phó và đập tan các cuộc chiến tranh ngoại xâm thường trực.

Đời sống sinh hoạt Phật giáo luôn gắn liền đời sống sinh hoạt của dân tộc. Chủ trương hòa quang đồng trần, tức là phải nhập cuộc với đời sống trần tục và phải làm cho đời thêm sáng tươi là nhiệm vụ hàng đầu không chỉ dành cho giới Phật giáo mà còn phải huy động toàn thể sức mạnh cả dân tộc. Trên cơ sở đó, chủ trương hòa quang đồng trần được phát biểu với nhiều dạng thức khác nhau trong các tác phẩm của Tuệ Trung và được vận dụng vào trong đời sống thực tiễn, mục đích là làm hưng thịnh đạo pháp, tức là làm phồn vinh đất nước và ngược lại. Cho nên, mỗi cá nhân không thể tách rời cộng đồng, không thể buông bỏ cuộc đời, chỉ trong sinh tử mới tìm thấy không có sinh tử, ở trong phàm tục mới có bậc Thánh giác ngộ ở đời. Với cái nhìn như thế, con người không còn phân biệt đối đãi giữa các cặp phạm trù Niết bàn hay sinh tử, tội hay phước, phiền não hay bồ đề. Các khái niệm đó cần được đập vỡ từ trong nhận thức:

“Niết bàn sinh tử mạn la lung,

Phiền não Bồ đề nhàn đối địch.

”(Niết bàn và sinh tử ràng buộc lỏng lẻo thôi,

Phiền não và Bồ đề coi thường cả sự đối nghịch của chúng).

Phật tâm ca

Cũng ý tứ này, Trong bài “Trữ từ tự cảnh văn”, Tuệ Trung tuyên bố:

“Cầu chân như nhi đoạn vọng niệm,

Tự dương thanh chỉ hưởng tương ma.

Xả phiền não như thủ nê hoàn,

Như nhật ảnh đào hình ban loại”.

(Tìm chân như mà dứt vọng niệm,

Có khác chi dối nhau bằng cách thét lớn để ngăn tiếng vang.

Bỏ phiền não mà lấy Niết bàn,

Thực chẳng khác trốn hình trong nắng trời).

Theo Thượng sĩ, kinh điển, giới luật, tọa thiền, niệm Phật chỉ nhằm giới thiệu con đường, phương thức sống. Con người cần phải sống và thực hành mới có cơ duyên tiếp cận và chứng đat chân lý. Thế nên, con người không cần chấp vào giới thuyết bó buộc tâm thức, mà cần thực thi bằng hành động cụ thể dưới ánh sáng của chánh kiến. Xưa nay, lý thuyết là màu xám, hiện thực mới thực sự là màu xanh của sự sống. Khi buông xả cái nhìn chấp trước nhị nguyên giữa có và không thì mọi sự tu trì trên hình thức lý luận sẽ chẳng còn ý nghĩa gì. Ông thẳng thắn nói: “Trì giới kiêm nhẫn nhục, Chiêu tội bất chiêu phúc. Dục tri vô tội phúc, Phi trì giới nhẫn nhục. Như nhơn thướng thọ thời, An trung tự cầu nguy. Như nhơn bất thướng thọ, Phong nguyệt hà sở vi”(Trì giới và nhẫn nhục, Chỉ chuốc tội chứ không chuốc phúc, Muốn biết không tội phúc, Thì đừng trì giới nhẫn nhục. Như khi người trèo lên cây, Là đang trong bình an lại tìm lấy sự nguy hiểm. Nếu người ta không trèo lên cây thì gió lay, trăng dọi, có làm gì được). (Trì giới kiêm nhẫn nhục).

Như vậy, các vấn đề nan giải như sinh tử và Niết bàn, phiền não và Bồ đề, có và không… đến giai đoạn này đã được Tuệ Trung kiến giải một cách triệt để. Các quan điểm, tư tưởng đối với các vấn đề này trước đó cũng được các thiền sư, Phật tử nổi tiếng như Diệu Nhân, Ỷ Lan đời Lý phát biểu nhiều lần, nhưng biện pháp giải quyết chúng thì chưa thấu đáo và khó trở thành hệ thống luận lý. Đến đây, những chủ đề tư tưởng Phật giáo ở giai đoạn này đã được Tuệ Trung đúc kết và tính tích cực nhập thế của Thiền tông đã được đẩy lên cao, mang một diện mạo và đặc trưng mới. Nếp sống thiền không còn giới hạn trong khuôn viên nhà chùa với việc tu trì hay chấp tác bình thường mà còn ra vào tự tại mọi nơi, thậm chí ngay giữa chiến trường bảo vệ non sông Tổ quốc trong ý nghĩa “chiến trường là thiền đường”.

2. Phật và chúng sinh không khác

Với chủ trương tùy tục, tích cực nhập thế và làm cho đời sáng tươi mà Tuệ Trung đề ra, con người không cần đi tìm Phật ở đâu xa, Phật hiện hữu ngay trong tâm thức mình. Ngay từ đầu thời Trần, Quốc sư Viên Chứng – thầy của Trần Thái Tông – đã đưa ra quan điểm về Phật: “tâm tịch nhi tri, thị danh chân Phật” (lòng lặng mà biết, đó chính là chân Phật) . Và sau đó, Trần Thái Tông phát biểu dứt khoát: “Phật thân tức ngã thân thị, vô hữu nhị tướng” (Thân ta tức là thân Phật, không có hai tướng) . Tuệ Trung chủ trương Phật tại tâm ở trong bài Phật tâm ca, còn trong Thượng sĩ ngữ lục thì khi mê không biết ta là Phật, hay Phật và chúng sinh không khác nhau: “Mi mao tiêm hoành tỵ khổng thùy, Phật dữ chúng sinh đô nhất diện”(Mày ngang mũi dọc cũng như nhau, Phật với chúng sinh không khác mặt) . Trần Nhân Tông trong Cư trần lạc đạo thì tuyên bố: “Bụt ở cong nhà, chẳng phải tìm xa. Nhân khuấy bản, nên ta tìm Bụt, Đến cốc hay chỉn Bụt là ta” . Như vậy, vào thời Trần, một quan điểm mới về Phật được hình thành trong một bối cảnh đất nước Đại Việt đang nỗ lực bảo vệ các thành quả của cha ông đạt được, cũng như dốc lòng xây dựng và phát triển đất nước, ắt hẳn sẽ tạo sự tác động lớn vào tâm thức con người và xã hội. Mỗi khi tư duy về đức Phật thay đổi thì nội dung sinh hoạt Phật giáo cũng thay đổi hẳn. Chỉ cần lòng lặng mà biết, thân ta không khác thân Phật, khi tâm sinh thì Phật sinh, và thì ai cũng thành Phật. Nói cách khác, ở đâu có con người, ở đó có sự giác ngộ của chân tâm, có sự sinh hoạt Phật giáo Thiền tông trong bất kỳ môi trường nào.

Tuệ Trung Thượng sĩ đã hát ca về Phật giữa trần thế như vậy, Phật với ta chẳng có khác gì trong thực tại đời thường. Con người thật của chúng ta là Phật. Còn con người giả mà chúng ta tưởng thật với cái tâm vọng động của tham sân si là con người giả. Mỗi người cần trở về với con người thật. Đó là giá trị nhân sinh cao nhất mà Tuệ Trung và các thiền sư Trúc Lâm nhìn nhận như là một lời giải đáp tại sao chúng ta hiện hữu trên đời này. Quan điểm về Phật tại tâm như thế sẽ cung cấp cho con người một lý tưởng sống đẹp, cao quý đủ để tạo một cảm hứng sáng tao vươn lên, không những cho một đời mà nhiều đời, thậm chí cho đến khi mỗi con người đều trở thành một vị Phật. Sự thành Phật ở đây lại không khác là nhận chân con người thật của chính mình ngay chính cõi lòng. Có gì để nói khi cuộc sống đang trôi chảy, một tâm thức đang vận hành. Vấn đề đặt ra là thực tại thì luôn nhiệm mầu đối với con người:

“Phật Phật Phật bất khả kiến,

Tâm tâm tâm bất khả thuyết”.

(Phật, Phật, Phật không thể thấy được,

Tâm, tâm, tâm không thể nói được) (Phật tâm ca).

Rõ ràng, Tuệ Trung Thượng sĩ đã muốn tuyên ngôn thông điệp thiền“Bất lập văn tự, trực chỉ chân tâm, kiến tính thành Phật.” Thế là, chừng nào con người còn an trú trong ngôn từ, trong đôi kính màu trần thế thì còn xa rời thực tại – bây giờ, ở đây. Kinh nghiệm cho thấy, thể chứng thực tại một cách trọn vẹn chỉ khi nào tâm thức đã chuyển hoá thành tuệ giác vô thượng. Rõ ràng, Phật và tâm, phàm phu và bậc Thánh chỉ là khái niệm giả danh trên ngôn từ chữ nghĩa của tư duy hữu ngã phân biệt:

“Tích vô Tâm,

Kim vô Phật;

Phàm Thánh nhân thiên như điện Phật.

Tâm thể vô thị diệc vô phi.

Phật tính phi hư hựu phi thật.”

(Xưa không có tâm,

Nay không có Phật;

Phàm, Thánh, người, trời nhanh như chớp giật.

Tâm thể không phải cũng không trái,

Phật tính không hư cũng không thực). (Phật tâm ca).

Vén bức màn vô minh để trở về thực tại là tâm ý của Tuệ Trung Thượng sĩ muốn khai mở tâm thức người học thiền. Ông đã quán triệt tinh thần này để bước ra ngoài vòng luẩn quẩn phân biệt từ cái nhìn “nhị kiến” để an nhiên tự tại mà Trần Nhân Tông từng ca ngợi và tâm đắc trong Thượng sĩ hành trạng. Theo ông, suối nguồn hạnh phúc không phải được định chế trên cái tâm thường xuyên hay sinh diệt thường tình, đối đãi bỉ thử hàng ngày mà thực sự an lạc khi biết hướng tâm vào thực tại:

“Tâm tức Phật,Phật tức tâm,

Diệu chỉ linh minh dạt cổ câm.

Xuân lai tự thị xuân hoa tiếu,

Thu đáo vô phi thu thuỷ thâm”

(Tâm là Phật,Phật là Tâm,

Tính huyền diệu thì sáng, linh và thông suốt xưa nay,

Mùa xuân tới, hoa xuân cười,

Mùa thu về, không chỗ nào là nước thu không sâu). (Phật tâm ca).

Tâm Phật và tâm chúng sinh đâu có sai khác, bởi một điều đơn giản, ai cũng hiểu, ai cũng thấy Phật là người đã chứng ngộ nhờ công phu tự thân tu tập. Chúng sinh cũng thế thôi! Tự thân tu tập, tự thân hành trì, tự thân chứng ngộ thì họ cũng nhất định thành Phật. Trong đời thường, ta cứ nghĩ Phật đã nhập Niết bàn, không còn hiện hữu trần thế, thật ra chúng ta vẫn gặp những người can đảm như Phật, hiền như Bụt, có lòng từ như mẹ hiền Quan Âm thường xuyên có mặt trong đời sống hàng ngày khi chúng ta biết gieo trồng những hạt giống tốt lành. An nhiên vui đạo mà sống, chẳng có gì lo âu cả. Xuân đến thì hoa nở, thu về nước lại trong, có gì để bận tâm đâu. Đây là nếp sống bình thường tâm thị đạo mà Tuệ Trung Thượng sĩ khẳng khái hát ca về ông Phật của chính mình.

3. Nếp sống đạo thiền – Suối nguồn hạnh phúc

Khi con người chấp nhận quan điểm Phật tại tâm và thể nhập vào đời sống thì họ có thể hiểu và hành động theo bản tâm chân thật của chính mình, mục đích là đem lại các giá trị hạnh phúc cho chính mình và mọi người. Một quan điểm về đức Phật như thế sẽ tạo ra cái nhìn mới về bản chất bình đẳng của con người. Mọi người đều bình đẳng không phân biệt đẳng cấp, sang hèn, giàu nghèo, nam nữ… vì họ đều có khả năng thành Phật ở đời. Nó sẽ tạo ra sự đồng cảm, không còn tự ti, mặc cảm mà tích cực hoàn thiện nhân cách cá nhân và sẵn sàng đóng góp cho đời cho đạo. Mọi vấn đề xảy ra trong cuộc sống đối với mỗi cá nhân hiện hữu đều được nhìn nhận trên cơ sở bình đẳng, từ đó người ta dễ dàng thông cảm, sẻ chia và đặt mình vào vị trí của người khác để nhìn nhận một vấn đề và cùng nhau có một hướng giải quyết tốt đẹp nhất mà không có một thế lực nào chi phối cả. Rõ ràng một lối sống thiền mà Tuệ Trung đề xuất như thế không có gì là cao siêu, huyền bí mà thật đơn giản, cụ thể rất hiện thực hóa ở đời.

Phật giáo quan niệm hạnh phúc là sự vắng mặt khổ đau. Xem ra, hạnh phúc khởi nguyên từ trong thực tại để rồi tuôn chảy về thực tại nhiệm mầu. Trong ý nghĩa tận cùng đó, nếu có một người nào cố tình cắt chia thực tại bằng tư duy phân biệt, chẻ chia thì chẳng bao giờ có một giây phút bình an, hỷ lạc. Thực tế sinh mệnh con người từ khi cất tiếng chào đời vốn đã tự trói mình trong cac xiềng xích từng ý niệm phân biệt giả hợp. Cho nên, con người vội vã tìm kiếm ảo giác hạnh phúc bên ngoài đời thường. Kinh Viên Giác từng tuyên bố: “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác”, nghĩa là Phật pháp chỉ có ơ thế gian này, ngoài thế gian này không có Phật pháp. Cho nên, các hành giả trong giới thiền học thường xuyên khuyến cáo đừng bao giờ chấp trước chẻ chia thế giới thực tại này thành Phật quốc hay điạ ngục trần gian. Sự phân biệt này sẽ làm cho con người càng trở nên thôi thúc tìm cầu một thế giới hão huyền chất chứa vị ngọt của “ái thủ” (sự yêu thương đối đãi và chấp trước). Chính thiền sư Hy Vận từng tuyên bố: “Nếu muốn thành Phật thì không cần phải học hết Phật pháp, chỉ nên học vô cầu vô trước. Nếu không cầu, tức trở thành tâm bất diệt, bất sinh bất diệt tức là Phật”.

Tuệ Trung Thượng sĩ cũng thế thôi, ông sống giữa đời nhưng thể nhập diệu tính của cuộc đời. Ông vượt ra ngoài thế giới lý luận để trở về hiện thực hằng ngày: “Xả vọng tâm, Thủ chân tính; Tự nhân tầm ảnh nhi vong kính. Khởi tri ảnh hiện kính trung lai, Bất giác vọng tâm chân lý bỉnh. Vọng lai phi thực diệc phi hư, Kính thụ vô tà diệc vô chính. Dã vô tội, Dã vô phúc; Thác tỷ ma – ni kiêm bạch ngọc. Ngọc hữu hà hề, châu hữu loại, Tính để vô hồng dã vô lục” (Bỏ vọng tâm, Tìm chân tính; Giống như người tìm bóng quên gương. Nào có biết bóng từ trong gương mà ra, Nào có biết cái vọng tâm dẫn đến từ trong cái thực. Cái vọng đến thì chẳng thực cũng chẳng hư, Cái gương tiếp nhận không tà cũng không chính. Không có tội, Không có phúc; Lẫn cả hạt trai và ngọc trăng. Ngọc thì có vết mà hạt trai thì có tỳ, Còn “linh” thì không đỏ cũng không xanh) (Phật tâm ca).

Đạo Phật là đạo giải thoát, giải thoát mọi hệ luỵ của cuộc đời. Kinh Kim Cương dạy rằng: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, thế nên Tuệ Trung mời gọi mọi người hãy từ bỏ những công ước, những giới điều trói buộc tâm thức con người, hãy lên đường bước vào đời sống và thể nhập thực tại. Hãy an trú vào chánh niệm, giải thoát luôn có mặt trong cuộc sống hàng ngày. Ông đã truyền cái sức sống mới, niềm tin mới, khác với những gì mà người ta đã từng sống và hành động:

“Hành diệc thiền,

Tọa diệc thiền;

Nhất đóa hồng lô hỏa lý liên,

Một ý khí thì thiêm ý khí

Đắc an tiện xứ thả an tiên”.

(Đi cũng thiền,Ngồi cũng thiền;

Một đóa hoa sen trong lò lửa hồng.

Khi không có ý khí thì tăng thêm ý khí,

Được nơi an định hãy cứ an định.) (Phật tâm ca).

Phải chăng đây là nếp sống hướng thiện mà con người luôn khát vọng. Khát vọng này rất thiết thực: hiện tại, bây giờ, ở đây. Như con tim nắm giữ sinh mệnh con người, cũng vậy, nếp sống này đưa con người đến miền đất an lạc ngay giữa trần thế:

“A thuỳ ư thử tín đắc cập,

Cao bộ Tỳ lư đỉnh thượng hành”

(Ấy ai tin được tới chỗ đó,

Cất cao bước đi trên đầu Tỳ lư) (Phật tâm ca).

Chính nếp sống thiền mà Tuệ Trung thiết lập là sự kết tinh tinh hoa của cả quá trình biến chuyển từ một hình thức Phật giáo chức năng chuyển sang hình thức sinh hoạt Phật giáo thế sự, nghĩa là một Phật giáo với chủ trương nhập thế, làm cho đời sáng tươi. Đỉnh cao của một giai đoạn Phật giáo mới này thông qua vị vua kiêm thiền sư Trần Nhân Tông, đã trở thành một lối sống Cư trần lạc đạo, tạo ra những kỳ tích của lịch sử với ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông, mở mang bờ cõi, góp phần bảo lưu và phát triển mọi thành quả giá trị văn hóa văn học nước nhà từ xưa cho đến nay.

Thay cho lời kết

Phật tâm ca của Tuệ Trung Thượng sĩ là bài ca được thi hứng từ trong cảm nhận hỷ lạc chứng ngộ, cho nên nó không chỉ khai phóng từ một tâm hồn thi sĩ chất chứa ý thơ mà trên hết là ý chỉ thiền tông diệu hạnh tuyệt trác. Một tâm thức khai phóng nhiệm mầu hẳn nhiên là một áng văn chương đầy đủ chất thẩm mỹ nghệ thuật. Bài ca kết cấu ý tứ chặt chẽ, giọng ca vừa mang chất liệu âm hưởng thiền, vừa giàu hình anh văn học, thuật ngữ Phật học, đã đem đến cho người tiếp nhận một cái nhìn thoáng mở, nhất là mở cửa lòng. Chân lý vốn có mặt trong cuộc sống, chỉ cần thể nhập nguồn tâm, nhảy vào biển Đại giác, lên núi Trí tuệ, thảnh thơi ở đất Từ bi, hít thở làn gió trong thanh, nhân ái Tình người, tôi tin chắc rằng chúng ta đang sống trong suối nguồn hạnh phúc. Bài Phật tâm ca thực chất là bài ca Tâm Phật của mỗi người trong cuộc sống hiện thực nhiệm mâu với tất cả các giá trị tư tưởng vốn có của Thiền học Đại Việt thời bấy giờ.

Thích Phước Đạt

Chú Thích

(1) Viên Văn học, Thơ văn Lý Trần, tập II, quyển thượng, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1989, tr 485.

(2) Viện Văn học, Sđd, tr 223.

(3) Viện Văn học, sđd, Bài “Phật tâm ca”, tr 273 – 278.

(4) Viện Văn học, sđd, tr 512

(5) Viện Văn học, Sđd, tr 271

(6) Viện Văn học, Sđd, tr 265.

(7) Viện Văn học, sđd, tr 295

(8) Viện Văn học, sđd, tr 289

(9) Viện Văn học, Sđd, tr 27.

(10) Viện Văn học, Sđd, tr 84.

(11) Viện Văn học, Sđd, tr 285.

(12) Viện Văn học, Sđd, tr 506.

Bài viết liên quan

Phản hồi