Đức Pháp chủ quang lâm khai đạo giới tử Đại giới đàn Bửu Huệ Phật lịch 2567
PGĐS – Sáng nay, mùng 9-10-Quý Mão (21-11-2023), Đức Pháp chủ GHPGVN – Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng đã quang lâm Đại giới trường Việt Nam Quốc Tự (Q.10, TP.HCM), khai đạo giới tử Đại giới đàn Bửu Huệ Phật lịch 2567.
Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Chánh Chủ đàn cùng chư tôn đức trong Ban Kiến đàn đã cử hành nghi thức niêm chùy, cung thỉnh pháp sư đăng tòa dựa theo nghi lễ Phật giáo cổ miền Nam để cung thỉnh Đức Pháp chủ có lời giáo giới đến hơn 200 giới tử phát tâm và đủ điều kiện thọ giới tại Đại giới đàn Bửu Huệ Phật lịch 2567.
Đáp lời cầu thỉnh, Đức Pháp chủ đã có thời giáo giới đến toàn thể giới tử. Trước hết, Đức Pháp chủ đã khái quát về sự thành lập Tăng đoàn và chế định giới luật kể từ thời Đức Phật cho đến khi Phật giáo được truyền vào Việt Nam. Nhìn lại dòng tương tục không ngừng của đạo Phật qua hàng ngàn năm lịch sử, dựa trên gương sáng của liệt vị Tổ sư, có thể thấy việc xuất gia, thọ giới làm Sa-môn là điều vô cùng quý báu mà không phải ai cũng có thể làm được. Chính vì vậy, việc các giới tử có đủ duyên lành, vượt qua khảo hạch, thoát khỏi các nghiệp chướng trần lao và đủ điều kiện thọ giới tại Đại giới đàn Bửu Huệ là điều không dễ có được.
Đức Pháp chủ nhắc nhở các giới tử phải giữ tâm thành sám hối mọi tội chướng và dốc lòng cầu thọ giới pháp để đắc được giới thể, từ đó bước vào thế giới bao la của chư Phật. Chỉ khi đắc được giới thể, dốc lòng tu học, người xuất gia mới có đủ khả năng và sự vững vàng, đứng trên hoàn cảnh để làm Phật sự. Muốn như vậy, một vị xuất gia cần phải nghiêm trì giới luật, sống đúng với Chánh pháp mà Đức Thế Tôn đã chỉ dạy.
Ngài nêu lại tấm gương của cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Bửu Huệ, vị giáo phẩm có cống hiến to lớn cho sự nghiệp đào tạo Tăng tài, xiển dương Phật pháp. Cuộc đời Trưởng lão Hòa thượng Thích Bửu Huệ có thể nhìn nhận gồm 3 giai đoạn rõ rệt: kiết thất tịnh tu, phụng sự đạo pháp, tiếp tăng độ chúng. Đương thời, Đức Pháp chủ khi còn là một vị Tăng trẻ đã có nhiều dịp tiếp xúc với cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Bửu Huệ và được lắng nghe nhiều bài học quý báu từ ngài, đặc biệt trong khoảng thời gian ngài kiết thất tịnh tu, hạn chế tiếp xúc với bên ngoài.
Đức Pháp chủ cũng đặc biệt nhắc nhở các giới tử phải quán chiếu, suy xét để thấu triệt được ý nghĩa to lớn của việc thọ giới, lựa chọn sống cuộc đời của một người xuất gia.
“Nếu chúng ta xuất gia, thọ giới, thân của chúng ta vào đạo mà tâm của chúng ta không vào đạo thì việc thọ giới đó không có ý nghĩa. Khi chúng ta thọ giới rồi, thân chúng ta vào đạo rồi thì tâm chúng ta cũng buộc phải vào đạo. Khi tâm chúng ta đã vào đạo rồi thì thọ, tưởng, hành, thức cũng vào đạo. Cảm thọ của chúng ta bấy giờ là cảm thọ của một vị Tỳ-kheo, của một con người thoát tục, muốn ra khỏi tam giới. Có được cảm thọ đó là bởi chúng ta có cơ hội tiếp xúc được với các bậc giải thoát Tăng, cảm thọ được thế giới của chư Phật. Người xuất gia khác với thế tục là như vậy”, Đức Pháp chủ nhấn mạnh.
Từ những bài học đã được lãnh hội qua gần trọn cuộc đời tu của chính mình, Đức Pháp chủ cũng căn dặn các giới tử, là một người xuất gia, điều quan trọng nhất đó là phải luôn phát huy sự tu học của mình, từ đó, người xuất gia mới có đủ chất liệu, đủ sự vững vàng để phụng sự đạo pháp và chúng sanh và vượt thắng mọi chướng ngại trong cuộc đời. Điều đó đã được cụ thể hóa qua cuộc đời của các bậc tôn túc tiền bối, mà trong đó có Trưởng lão Hòa thượng Thích Bửu Huệ.
“Tất cả chúng ta muốn làm được Phật sự, muốn tiếp nối ngọn đèn trí tuệ của Đức Phật thì trước hết phải tu. Học để mà tu. Trưởng lão Hòa thượng Thích Bửu Huệ nhờ kiết thất 10 năm nên mới có đủ chất liệu để làm việc trong thời gian sau đó. Cho nên, việc tu học đối với một người xuất gia là vô cùng quan trọng.”, Đức Pháp chủ GHPGVN sách tấn các giới tử noi gương người trước để nỗ lực tu và học, có giải thoát cho tự thân và góp phần trang nghiêm Giáo hội, xây dựng quê hương đất nước.
Phản hồi