PGĐS – Tu học không phải để đạt được một trạng thái an lạc hay một sở đắc nào đó, mà tu học chỉ là trở về nhìn lại chính mình, trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại thân-thọ-tâm-pháp đang là để thấy ra bản chất thật của tâm & pháp vốn vô ngã và tịch tịnh.
Tinh tấn tu hành không phải là cố gắng nỗ lực của bản ngã, mà tinh tấn là không phóng dật, là trở về thực tại tại ở đây và bây giờ để thấy ra sự thật, thấy ra Thực tánh pháp. Thấy ra bản chất của tâm (cái gốc của tâm) là “Tánh biết” không sinh không diệt. Đó là cái biết trong sáng, trong thấy chỉ có thấy, trong nghe chỉ có nghe, là cái biết khách quan chưa xen cái biết của ý thức bản ngã chủ quan.
Tánh biết luôn biết pháp một cách tự nhiên, còn Bản ngã thì khởi tâm muốn biết, cố biết. Thấy rõ đâu là Tánh Biết, đâu là Bản ngã ảo tưởng thì tâm tự ổn định, tự an lạc. Nên giác ngộ thì tự có giải thoát.
Cốt lõi của đạo Phật là “phi thời gian giải thoát” (Akaliko), tất cả chỉ là ngay tại đây và bây giờ mà không phóng dật, tức không dính mắc quá khứ, tương lai, không đắm chìm hiện tại.
Trở về trọn vẹn trong sáng với từng sát-na thực tại đang trôi chảy, rõ ràng thấy biết như thật, thấy biết các pháp như nó đang là. Đó chính là đang tinh tấn chánh niệm, tỉnh giác và khi có tinh tấn chánh niệm, tỉnh giác thì mới không tham ưu, không nương tựa, không chấp trước điều gì ở đời.
Thấy các pháp như nó đang là, không cho là, phải là, sẽ là… thì ngay đây không có Bản ngã. Ngay đây tâm sáng suốt, định tĩnh, trong lành là ngay đây tâm có Giới – Định – Tuệ, ngay đây tâm có giác ngộ, giải thoát.
Đạo vốn là vô ngã, nên ngay đây trở về chính mình để thấy ra mình đang Vô ngã hay đang Bản ngã.
Hãy trở về trọn vẹn với pháp như nó đang là, dù là đang khổ hay đang sân… Trọn vẹn cảm nhận như nó đang là mà thái độ tâm vẫn rỗng lặng trong sáng không sinh đối kháng, không cho là, phải là, sẽ là… thì ngay đó là Vô ngã, là Đạo.
Vậy tu học chỉ là trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại thân-thọ-tâm-pháp như thân-thọ-tâm-pháp đang là.
Trọn vẹn với thực tại bằng Tánh biết trong sáng thì đó là chánh niệm tỉnh giác, là đang hành thiền Vipassana. Còn cố ý chánh niệm bằng ý thức bản ngã, cố gắng tập trung, cố ý miên mật đó là tầm tứ, là đang hành thiền định. Đã là thiền định dù có đạt được tâm định thì cũng là định hữu vi hữu ngã và mức định cao nhất cũng là ở cõi trời Sắc giới và Vô Sắc giới, tức vẫn còn trong Tam giới mà thôi.
Tu học là ngay đây buông xuống thái độ phản ứng tham sân si của bản ngã cho là, phải là, sẽ là… thì ngay đây là Niết-bàn chứ không phải “tu luyện” để đạt được Niết-bàn.
Còn tu luyện miệt mài, rèn luyện ngày đêm để tương lai trở thành hoàn hảo hơn, đó là đang theo đạo Bà-la-môn, đó là tu luyện để tiểu ngã trở thành đại ngã. Dù có kết quả tốt trong cõi nhân thiên nhưng còn ngã thì vẫn chưa thể giác ngộ sự thật.
Vì vậy, chưa thấy ra Tánh biết vô vi vô ngã thì cái gọi là “tu” chỉ là hoạt động của Bản ngã.
Hướng tu học đúng đắn là trả thân tâm về bản chất tự nhiên như nó là, trong thấy chỉ có thấy, trong nghe chỉ có nghe, không để cho Bản ngã sử dụng thân tâm theo ý đồ của nó để rồi cứ cho là, phải là, sẽ là.
Bí quyết của tu thiền Vipassana là “tự nhiên và vô tâm”. Thân tâm thư giãn buông xả là tự nhiên, và vô tâm tức là tâm rỗng lặng trong sáng, không có ý đồ gì của bản ngã. Trả tâm về với tự tánh vô vi, vô ngã thì ngay đó thân và tâm đều là Đạo.
Nên tu học chỉ là quá trình điều chỉnh nhận thức và hành vi. Ngay đây, nhận thức đúng tức thấy biết đúng bản chất thật của pháp là có chánh kiến, có chánh kiến là có Bát chánh đạo, có Bát chánh đạo là có Giới – Định – Tuệ, có Giới – Định – Tuệ là có giác ngộ, có giác ngộ thì có giải thoát.
Dù tu trăm ngàn cách,
Không bằng tự biết mình,
Mỗi phút giây trong sáng,
Mới thật là chân minh…
HT. Viên Minh
Phản hồi