Đồng Tháp: Đôi bạn trẻ tổ chức lễ hằng thuận tại từ đường Minh Mai

PGĐS – Sáng ngày 01-12-2023, tại từ đường Minh Mai (xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười) đã hân hoan tổ chức lễ hằng thuận cho đôi bạn trẻ Võ Tấn Lực, PD: Minh Giác và Phan Thuý Quyên, PD: Diệu Liên.

Quang lâm chứng minh và chủ trì buổi lễ hằng thuận có: Đại Đức Thích Minh Nhã – Trụ trì chùa Hội Phước, Đại Đức Thích Huệ Phát – chùa Thanh Lương, điều phối chương trình; cùng chư Tôn đức Tăng và quý quan khách, họ hàng hai bên gia đình.

Mở đầu buổi lễ, chư Tôn đức đã quang lâm đại hùng bửu điện niêm hương, bạch Phật, đảnh lễ Tam bảo với tâm thành kính cầu nguyện cho đôi Tân lang Tân nương trăm năm hạnh phúc, trọn vẹn nghĩa tình, gia đạo bình an.

Đại Đức Thích Huệ Phát – chùa Thanh Lương, điều phối chương trình

Tại buổi lễ, Đại Đức Thích Huệ Phát đã chia sẻ về ý nghĩa của lễ hằng thuận cho đôi bạn trẻ và gia đình hai bên hiểu rõ hơn. Đại Đức cho biết: Hằng là mãi mãi, thường xuyên, luôn luôn; thuận là hòa hợp, thuận thảo, yên ấm; Hằng thuận nghĩa là nghệ thuật sống hoà hợp, độ lượng với người khác và trong đạo vợ chồng. “Hằng thuận” có nghĩa là đôi vợ chồng cùng phát nguyện luôn chung sống hòa thuận, tương kính, nhường nhịn lẫn nhau; cùng nhau làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình đối với ông bà, cha mẹ và con cái trong gia đình, làm tròn trách vụ của một Phật tử đối với ngôi Tam bảo, đồng thời hướng đến một mục tiêu chung là những điều tốt đẹp, cao thượng và chân thiện trong đời sống trên cơ sở giữ gìn ngũ giới, hành thập thiện và tu tập theo Bát Chánh Đạo.

Lễ hằng thuận được xem là nét văn hóa tâm linh đặc thù thể hiện rõ tinh thần nhập thế giữa đạo Phật và hạnh phúc đời thường của người cư sĩ Phật tử, thông qua sự kiện trọng đại nhất trong cuộc đời mỗi người. Lễ Hằng Thuận không chỉ đơn thuần là lễ cưới mà ở đó lồng ghép các nghi thức trang nghiêm của đạo Phật với sự chứng kiến của Tam bảo và hai họ. Cùng với sự gia hộ của mười phương chư Phật, tất cả những việc làm tốt đẹp mang tính nhân văn đó sẽ tạo dựng cho cô dâu và chú rể nền tảng tín ngưỡng, đạo đức tâm linh hướng thiện, vững chắc để cùng nắm tay nhau vượt qua mọi sóng gió của cuộc đời.

Phần nghi thức trọng thể đánh dấu sự kết nối cho mối lương duyên chính là trao nhẫn cưới cho nhau. Chư Tôn đức chứng minh đã thực hiện nghi thức sái tịnh, chú nguyện cho đôi bạn trẻ trọn đời yêu nhau, sống chung thủy, hiểu biết thương yêu, chăm sóc chia sẻ và nâng đỡ nhau với lòng kiên nhẫn, suốt đời thâm tín chư Phật và phụng sự Tam bảo, luôn luôn xứng đáng là người Phật tử chân chánh trên con đường hướng thiện và hành thiện.

Đại Đức Thích Minh Nhã – Trụ trì chùa Hội Phước

Tiếp đến, Đại Đức Thích Minh Nhã đã trao đôi nhẫn cưới cho đôi bạn trẻ với lời chia sẻ, định hướng cho tân lang tân nương sống hạnh phúc, xây dựng gia đình đầm ấm, nương theo Phật pháp làm lành. Nhân đây, Đại Đức cũng giảng dạy thêm về ý nghĩa của đôi nhẫn và đạo hòa thuận trong hôn nhân: Chiếc nhẫn có hình tròn, biểu thị cho sự tròn tình trọn nghĩa, không có điểm kết thúc trong hôn nhân. Về mặt chất liệu, chiếc nhẫn làm bằng vàng, biểu thị cho sự quý giá trong tình yêu, xem người bạn đời chính là món quà quý giá. Về mặt ngữ nghĩa, từ “nhẫn” mang nghĩa là kiên trì, nhường nhịn, chuyển hóa những điều đau khổ. Sau cùng là sự bất hoại, trường tồn theo thời gian.

Thông qua đó, Đại Đức khuyến tấn đôi tân lang tân nương hãy thiết lập cái nhìn tích cực về nhau, dùng đạo lý Phật dạy mà chấp nhận những điểm không hoàn thiện của nhau và làm lớn mạnh những yêu thương. Sắp xếp được thời gian về chùa lễ Phật, nghe một thời pháp,… để làm tăng trưởng đời sống đạo đức, trí tuệ, thiền định. Bên cạnh đó, Đại Đức đã chỉ dạy về bổn phận của vợ đối với chồng, chồng đối với vợ, con cái đối với cha mẹ… để từ đó xây dựng hạnh phúc bền vững.

Nối tiếp chương trình, chư Tôn đức đã hướng dẫn cho đôi bạn trẻ đảnh lễ Tam bảo, cha mẹ hai bên, đảnh lễ tôn trọng sự bình đẳng giữa vợ chồng và dâng lời phát nguyện và giữ trọn những điều đạo đức để có đời sống hôn nhân vững bền.

Cũng trong buổi lễ, đại diện thân sinh của đôi trẻ cũng xúc động nhắn nhủ con cháu đôi điều để cuộc sống hôn nhân êm ấm, thuận hòa. Luôn phải nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha.

Trước ba ngôi Tam bảo, đôi trai tài gái sắc đã nên duyên vợ chồng thông qua nghi thức lễ hằng thuận, bắt đầu cho đời sống hôn nhân hạnh phúc và mang lại giá trị cho đờ.

Một số hình ảnh được ghi nhận:

        

    Huệ Nghiêm – Ban TTTT Phật giáo Đồng Tháp

Bài viết liên quan

Phản hồi