Đồng Nai: Khóa Tu Một Ngày Phúc Lạc kỳ 30 tại chùa Trúc Lâm Viên Nghiêm với chủ đề “Tiếng Chuông Cảnh Tỉnh”
PGĐS – Ngày 03/12/2022 (nhằm ngày 10/11/Nhâm Dần) tại chùa Trúc Lâm Viên Nghiêm (259b, tổ 10, khu phố 4, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), đã trang nghiêm tổ chức Khóa Tu Một Ngày Phúc Lạc kỳ 30 với chủ đề “Tiếng Chuông Cảnh Tỉnh”.
Khóa tu diễn ra dưới sự chứng minh của ĐĐ. Thích Thiện Mỹ – Phó trưởng hai Phân Ban Hoằng Pháp – Thanh Thiếu Niên Trung ương GHPGVN, Trưởng ban TTTT PG tỉnh Đồng Nai, Trụ trì chùa viên Giác, chùa Trúc Lâm Viên Nghiêm; Đại đức Thích Minh Hiếu – Phó trụ trì chùa Trúc Lâm Viên Nghiêm cùng Tăng chúng tại bổn tự và hơn 300 Phật tử đồng về tham dự.
Sau khi đảnh lễ Tam Bảo, ĐĐ. Thích Minh Hiếu đã thực hiện truyền giới theo nghi thức truyền thống và giảng giải ý nghĩa Bát quan trai giới cho toàn thể quý Phật tử tham dự hiểu về con đường mình đang tu tập.
Sau lễ truyền giới, toàn thể đạo tràng Phật tử trang nghiêm cung thỉnh HT. Thích Bửu Chánh – Ủy viên thư ký HĐTS TW GHPGVN, Phó ban thường trực BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai, quang lâm thuyết giảng với chủ đề: “Tiếng Chuông Cảnh Tỉnh”.
Đạo Phật, một triết lý sống hạnh phúc và tu giải thoát, một luân lý học hoàn hảo, một siêu hình học của không gian ba chiều, thời gian ba chiều… Đạo Phật là tất cả, hễ cái gì hợp với lẽ phải và chơn lý, cái đó là đạo Phật. Mục đích của Phật là nhằm giúp chúng sanh mọi loài cũng thấy được cái thấy của Phật, để chuyển mê thành ngộ, chuyển đau khổ thành an lạc, chuyển trầm luân thành giải thoát, chuyển Ta Bà thành Tịnh Độ… Muốn chuyển mê thành ngộ, muốn được an lạc và giải thoát, chúng ta phải qua một quá trình tu tập, chứ không phải bằng học suông. Là Phật tử, nên hiểu lời Phật dạy, hãy để lại ngoài cổng chùa tất cả những gì của phàm phu, hãy bước vào chùa với đạo tâm chân thật. Nên nhớ rằng đi tu là buông bỏ tất cả những tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, biên kiến, ác kiến; đi tu là thực nghiệm tự thân bằng những lời Phật dạy, chứ không chỉ học như kéc mà chẳng thực hành gì cả. Hãy nhìn lại hành trang lên đường của Đức Từ Phụ năm xưa để tự chuẩn bị hành trang cho mình: ba bộ y bá nạp, một bình bát và một cây gậy làm bằng nhánh cây khô. Tại sao một thái tử đương thời, nhứt hô bá ứng như Phật mà phải mặc đồ may bá nạp? Đây chẳng phải là một bài học quý giá vô cùng cho những đứa con của Ngài về sau này hay sao? Ngài đã buông bỏ tất cả những phù phiếm của cung vàng điện ngọc, địa vị, quyền uy, công danh phú quý, để sống đời thanh bạch và sống một cách khiêm cung từ tốn. Những người con Phật hãy nhìn theo đó mà sống mà tu. Tu là tự tìm trở về với cái chân tâm mà chúng ta đã một lần dại dột bỏ quên. Tu là hành, chứ không là nói. Chừng nào thấy được mình có thể buông bỏ hết những thứ bùi nhùi của phàm tục, chừng đó hãy bước vào, mà bước vào trong trang nghiêm tịnh độ, trong khiêm cung từ tốn. Một khi đã bước vào là phải tự dọn mình như một tờ giấy trắng, rồi từ đó thầm thầm tiến tu trong tinh thần Bồ Tát đạo; hoặc giả trong tinh thần đại từ, đại bi, đại hỉ, đại xả của nhà Phật. Hãy lấy những cái mình hiểu biết đó ra mà phụng sự người và phụng sự đời y theo những lời chỉ dạy của Đức Thích Tôn Từ Phụ.
Toàn thể đạo tràng vô cùng hoan hỷ đón nhận dòng sữa pháp của Hòa thượng Giảng sư đã từ bi ban bố, đồng thành kính hướng về đảnh lễ tạ ơn Tam Bảo, ơn Thầy và phát nguyện tinh tấn tu hành với tâm Bồ đề trường viễn, nhận chân ra giá trị cho cuộc sống hiện tại.
Sau khóa giảng, chư Tăng tại bổn tự hướng dẫn đạo tràng Phật tử tụng kinh, niệm Phật, kinh hành và cúng ngọ, thọ trai.
Khóa tu chính thức khép lại với lời căn dặn của Đại Đức phó trụ trì, Đại Đức nhắc nhở quý phật tử luôn áp dụng giới luật, tránh dữ làm lành, tích phúc ngay trong đời sống hằng ngày làm hành trang trên lộ trình tu tập.
Một số hình ảnh ghi nhận được:
Ban TTTT PG Đồng Nai
Phản hồi