Đi thong dong và thảnh thơi
Trong kinh Hoa Nghiêm, Bụt được tôn xưng là bậc lưỡng túc tôn, là bậc được tôn sùng và quý trọng nhất trên đời, bậc được quý trọng nhất trong các loài sinh vật đi bằng hai chân. Bụt đáng được tôn sùng và quý trọng nhất bởi vì Bụt biết an trú nơi mỗi bước chân của mình.
Thiền hành là một pháp môn quan trọng trong đạo Bụt, là một sự thực tập tâm linh rất sâu sắc. Khi bước đi Bụt không cần phải gắng sức. Bụt chỉ đi thôi. Bụt không cần cố gắng, bởi vì khi đi Bụt tiếp xúc được với tất cả những mầu nhiệm của cuộc sống trong tự thân và chung quanh Bụt. Đây là cách thực tập hay nhất, không mang tính hình thức. Quý vị hãy thử đi như vậy, đi để mà đi, không cần gắng sức, không cần đấu tranh, nhưng đó là một sự thực tập rất thâm sâu. Đức Bụt nói: “Sự thực tập của tôi là tu vô tu tu, chứng vô chứng chứng.”
Nhiều người trong chúng ta khó chấp nhận được ý tưởng thực tập không cần cố gắng mà có thể thong dong, thoải mái trong chánh niệm. Đó là do chúng ta không đi bằng hai chân của mình. Có khi chân chúng ta đi, nhưng tâm chúng ta thì lại đang ở một nơi nào khác. Chúng ta không đi hết thân tâm của mình. Chúng ta thấy thân và tâm là hai cái riêng biệt, có khi thân thì đi một đường mà tâm thì kéo chúng ta đi về một nẻo khác.
Trong khi đó đối với Bụt, thân và tâm là hai mặt của cùng một thực tại. Đi, đơn giản chỉ là đặt bàn chân này tiếp nối bàn chân kia. Nhưng thường không biết cách đi thì người ta thấy mệt mỏi và chán nản. Hở một chút là xách xe chạy. Khi hiểu được sự liên hệ mật thiết giữa thân và tâm, chúng ta sẽ đi được như Bụt, chúng ta sẽ cảm thấy rất thoải mái và thú vị.
Đi như Bụt
Quý vị có thể bước một bước, tiếp xúc sâu sắc với mặt đất và thiết lập thân tâm trong giây phút hiện tại. Đã về đã tới, bây giờ ở đây. Quý vị không cần cố gắng gì cả. Chân quý vị tiếp xúc với mặt đất một cách chánh niệm. Quý vị đã thật sự “về” với giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây. Và tự nhiên quý vị có tự do, không bị ràng buộc bởi bất cứ một dự án, lo lắng, mong chờ nào. Quý vị hoàn toàn có mặt, ý thức mình đang còn sống và đang tiếp xúc với mặt đất.
Khi đi thiền một mình, quý vị có thể thử thực tập như sau: Thở vào, bước một bước và chú tâm hoàn toàn vào lòng bàn chân của mình. Nếu quý vị chưa “về” được một trăm phần trăm thì đừng bước bước nào nữa cả. Quý vị có thể xài lớn thì giờ như vậy. Khi nào chắc chắn mình đã về được một trăm phần trăm với giây phút hiện tại bây giờ và ở đây, tiếp xúc được với thực tại một cách sâu sắc thì quý vị hãy mỉm cười và bước đi bước kế tiếp. Đi như vậy, quý vị sẽ in lên mặt đất sự vững chãi, thảnh thơi và niềm an vui của quý vị. Bàn chân của quý vị như một con dấu của vị quốc vương. Khi đóng dấu lên một loại giấy tờ nào, con dấu sẽ làm cho giấy tờ đó trở nên quan trọng. Con dấu làm nên một dấu ấn. Nhìn vào dấu chân của mình, chúng ta thấy gì? Chúng ta thấy dấu ấn của tự do, dấu ấn của vững chãi, dấu ấn của hạnh phúc, dấu ấn của sự sống. Tôi tin chắc là quý vị có khả năng bước được một bước như thế bởi vì trong quý vị có Bụt, gọi là Phật tánh, có khả năng ý thức những gì đang xảy ra. Cái đang xảy ra là: “Tôi đang còn sống, tôi đang bước đi.” Là con người, con người có ý thức, chúng ta phải có khả năng làm được điều này. Trong mỗi chúng ta ai cũng có Bụt trong tự thân mình, chúng ta hãy để cho Bụt đi.
Cho dù trong những tình huống khó khăn nhất, quý vị cũng có thể đi như Bụt. Năm ngoái, vào tháng ba, khi đến thăm Triều Tiên, có lần đi thiền hành mà bao quanh chúng tôi đông nghẹt cả người với hàng trăm chiếc máy quay phim chụp hình hướng vào, họ chỉ muốn quay phim và chụp hình chúng tôi, không còn con đường nào để đi cả. Thật khó để đi thiền hành trong tình huống như thế. Tôi nói: “Bụt ơi, con chịu thua rồi, Bụt đi cho con đi.” Ngay lập tức Bụt đến và Bụt đi, hoàn toàn tự do. Rồi đám đông rẽ đường ra cho Bụt đi, tôi không cần cố gắng gì cả.
Khi nào gặp khó khăn, quý vị hãy bước qua một bên và mời Bụt làm thay cho mình. Bụt có trong quý vị. Điều này luôn luôn có hiệu quả – hiệu quả trong mọi tình huống. Như khi gặp sự cố trên máy vi tính mà ta không thể sửa chữa được, có một người anh giỏi về máy tính đi tới và nói: “Em ngồi qua một bên, anh làm cho.” Ngay khi anh mình vừa ngồi xuống thì mọi thứ đều ổn thỏa. Tất cả đều giống như vậy. Khi gặp khó khăn, mình bước lui một bước, để Bụt làm cho mình. Rất đơn giản! Mình phải có niềm tin nơi Bụt trong tự thân của mình và hãy để cho Bụt đi, hãy để cho người thân của mình đi.
Khi đi, quý vị đi cho ai? Có thể quý vị đi để đến một nơi nào đó, nhưng đồng thời quý vị cũng có thể đi như một sự hiến tặng. Quý vị có thể đi cho ba mẹ, cho ông bà. Ba mẹ và ông bà ta có thể không biết được cách đi trong chánh niệm. Tổ tiên của mình có thể sống cả đời mà không có cơ hội để đi những bước chân hạnh phúc và an lạc, không biết thiết lập thân tâm trong giây phút hiện tại. Đây là điều đáng tiếc mà chúng ta không nên lập lại.
Quý vị có thể đi bằng đôi chân của mẹ. Mẹ thật tội nghiệp, mẹ không có nhiều cơ hội để đi như thế. Quý vị có thể nói: “Mẹ ơi, mẹ đi với con nghe mẹ!” và quý vị đi với mẹ. Trái tim của quý vị sẽ tràn đầy tình thương. Quý vị có tự do, và đồng thời quý vị cũng giúp cho mẹ tự do. Bởi vì sự thật là mẹ quý vị đang có trong quý vị, có trong mỗi tế bào của cơ thể quý vị. Ba của quý vị cũng hoàn toàn có mặt trong mỗi tế bào cơ thể của quý vị. Quý vị có thể nói: “Ba ơi, ba đi với con ba nhé”, ngay lúc đó quý vị sẽ đi với đôi chân của ba. Rất mầu nhiệm và lý thú. Tôi đảm bảo với quý vị là điều đó không khó. Quý vị không cần phải đấu tranh, hay gồng mình lên để làm điều này, chỉ cần ý thức thôi thì mọi thứ sẽ diễn ra tốt đẹp.
Sau khi có thể đi cho người mình thương, quý vị cũng có thể đi cho người đã gây khổ đau cho mình. Quý vị có thể đi cho người đã tấn công mình, người đã tàn phá nhà cửa, đất nước và dân tộc mình. Những người này không có hạnh phúc. Họ không có đủ tình thương cho họ và cho những người khác. Họ đã gây khổ đau cho quý vị, cho gia đình quý vị, cho dân tộc quý vị. Nhưng rồi sẽ có lúc quý vị có thể đi cho họ. Đi như thế mình trở thành Bụt, trở thành Bồ Tát với đầy tình thương yêu, hiểu biết và từ bi.
Thích Nhất Hạnh
Phản hồi