Đạo giản dị theo triết lý nhà Phật
Nhu cầu của thân xác bao gồm: thực phẩm, y phục, sàng tọa, thuốc men là những vật dụng ai cũng cần, như khi đói thì ôm bát đi khất thực, cần ăn để sống, đủ sức khỏe để thiền định. Tuy nhiên, những vật dụng này cần giản dị để phục vụ sự tu tập điều thân, không nên tham sân si. Khi cần thức thì hãy thức và khi cần ngủ thì hãy ngủ. Người tu học Phật cần hiểu rõ điều này.
Thực tế từ thời Thế Tôn cho đến ngày nay, không phải người tu nào cũng an trú vào chính niệm thuyết pháp độ sinh, sống sâu sắc với thiền định mà đôi khi cũng khởi tâm mong cầu bốn món dục lạc ăn, mặc, ngủ, thuốc men, thỉnh thoảng rơi vào loạn tưởng. Con người luôn luôn sống theo sự lôi cuốn, sự tác động của ngoại cảnh chung quanh, không làm chủ được tâm mình. Con người sống trên cuộc đời nhưng không thực sự biết rằng mình đang sống. Trong khi tay gắp thức ăn bỏ vào miệng, hay bưng ly nước uống, nhiều khi chẳng biết đó là thức ăn gì, món nước gì!
Nhìn lại thế gian với tuệ nhãn của một vị Phật, Đức Thế Tôn trông thấy: Như trong đầm sen, có những loại sen trắng, sen xanh, sen hồng lẫn lộn. Có những ngó sen vừa chớm nở ra khỏi bùn, mọc lên trong nước; có những cây vừa lém đém qua mặt nước và cũng có những búp sen đã vượt hẳn lên cao, không còn vướng chút bùn nhơ nước đục. Chúng sinh trong thế gian cũng dường thế ấy dưới tầm mắt của bậc Chính Biến Tri. Như Lai thấy chúng sinh đủ hạng, hạng đầy bợn nhơ và hạng tương đối trong sạch, hạng thông minh sáng suốt và hạng tối tăm mù mịt, hạng tốt và hạng xấu, hạng thiện trí thức và hạng cuồng si. Như Lai cũng thấy hạng chúng sinh đang gieo mầm giống xấu xa tội lỗi và hạng chúng sinh đang gặt hái quả dữ của những nhân đã gieo trong quá khứ.
Tâm hoang vu dấy khởi theo nghiệp, tâm bị mất kiểm soát vẫn thường xảy ra khiến nhân loại đang bị trói buộc, dính mắc và vấn vương trong tham dục. Quan trọng là khả năng tỉnh thức, quay về an trú trong chính niệm.
Xin mời quý vị Phật tử theo dõi câu chuyện sau:
“Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có các Tỳ-kheo ở nước Câu-tát-la, du hành trong nhân gian, kiết hạ an cư trong một khu rừng. Ban ngày thì nhập chính thọ, thân thể mệt mỏi, còn đêm đến thì ngủ.
Lúc đó, trong rừng kia có Thiên thần trú ngụ, tự nghĩ: ‘Đây không phải là pháp Tỳ-kheo. Ở trong rừng vắng, ban ngày nhập chính thọ, ban đêm lại ham ngủ nghỉ. Bây giờ ta sẽ đến thức tỉnh vị ấy’. Lúc đó, Thiên thần đến trước Tỳ-kheo nói kệ:
Tỳ-kheo! Thầy tỉnh dậy!/ Vì sao ham ngủ nghỉ?/ Ngủ nghỉ có lợi gì?/ Khi bệnh sao không ngủ?/ Khi gai nhọn đâm thân/ Làm sao ngủ nghỉ được?/ Ngài vốn xả, không nhà/ Ý muốn đi xuất gia/ Nên như ý muốn xưa/ Cầu tăng tiến ngày đêm/ Chớ rơi vào mê ngủ/ Khiến tâm không tự tại/ Dục vô thường, biến đổi/ Say mê nơi người ngu/ Người khác đều bị trói/ Nay ngài đã cởi trói/ Chánh tín mà xuất gia/ Vì sao ham ngủ nghỉ?/ Đã điều phục tham dục/ Tâm kia được giải thoát/ Trí thắng diệu đầy đủ/ Xuất gia, sao ham ngủ?/ Cần tinh tấn chánh thọ/ Thường tu sức kiên cố/ Chuyên cầu Bát-Niết-bàn/ Tại sao mà ham ngủ?/ Khởi minh, đoạn vô minh/ Diệt tận các hữu lậu/ Điều phục thân sau cùng/ Tại sao ham ngủ nghỉ?
Khi vị Thiên thần kia nói kệ, Tỳ-kheo này nghe xong, chuyên tinh tư duy đắc A-la-hán”.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1332)
Hình ảnh vị Tỳ-kheo đắp trên mình y phấn tảo (vải gai thô ráp), ngồi mơ về một chiếc y kiếp-bối (một loại lụa cao cấp trơn láng, mịn tốt) gợi cho chúng ta suy ngẫm nhiều điều. Theo chú giải, cụm từ ‘ban ngày thì nhập chính thọ’ có nghĩa là ngủ ngày. Lệ thường, thiền môn có khoảng hơn nửa giờ chỉ tịnh nghỉ trưa sau khi đã thọ trai và thiền hành xong. Có người thì ngủ, có người thì nghỉ, buông thư toàn bộ thân tâm với chính niệm tỉnh giác. Đây là khoảng thời gian quý báu ít ỏi để nghỉ ngơi, thư giãn tinh thần, giúp phục hồi thể lực để chiều tiếp tục tu học hay Phật sự. Thế nhưng cũng có người tranh thủ quá đà, kéo dài đến xế, đó là ham mê ngủ nghỉ.
Giấc ngủ ban đêm trong thiền môn cũng vậy, thường ngủ sớm để dậy sớm. Người tinh tấn chuẩn mực thì nửa đêm đã thức dậy tọa thiền cho đến sáng. Còn đa phần thì đều thức dậy lúc bốn giờ sáng để công phu khuya, tọa thiền. Trừ những khi đau ốm hay quá mệt mỏi mới xin nghỉ, còn không thì tất cả phải theo chúng thực hiện công phu. Để vượt qua sự mê ngủ, sự trợ duyên và tương tác của đại chúng đóng vai trò quan trọng. Những người ở riêng, xa lìa đại chúng thường không đủ mạnh mẽ tinh tấn vượt qua cám dỗ của sự mê ngủ này.
Những chuyện đại loại như vậy ngày nay chúng ta thấy cũng khá nhiều nhưng ngày xưa, thời Chính pháp, mộng mơ tham cầu như thế thật chẳng nên tí nào. Mà không nên vọng cầu như thế thật, vì mong y, tọa tốt mà chểnh mảng thiền định thì thật uổng phí. Khi vị Tỳ-kheo vừa khởi lên vọng tưởng mong một chiếc y tốt, ham mê giấc ngủ thì ngay lập tức chư vị Thiên thần xung quanh liền biết được. Biết rồi họ biểu lộ sự không phục. Tu mà không lo biết đủ, mong cầu hoài thì biết lúc nào mới vừa ý. Nếu được Thiên thần nhắc nhở, cảnh tỉnh thì thật phúc duyên. Thiên thần cũng chính là những người đang ở quanh ta, là tứ chúng đệ tử luôn soi sáng và trợ duyên cho ta trong tu học hàng ngày.
Đặc biệt, chính ta phải cảnh tỉnh mình giác ngộ cốt tủy của Đạo Giản dị: Hãy để mọi sự tự nhiên. Chuyển hóa tâm tham, xem mọi vật chất tồn tại đều là vô thường và chính mình là vô ngã. Hiểu về vô ngã, chúng ta sẽ nghĩ đến và làm những việc trọng đại hơn với một tâm trí sáng sủa, bình tĩnh hơn. Bỏ qua mọi tham dục bình thường, trau dồi bốn Pháp gồm niềm tin nơi Tam Bảo, giới hạnh, lòng quảng đại và trí tuệ trên con đường dẫn đến an lạc. Thoát ra ngoài chiến trường, đặt chân đến nơi an lành mát mẻ.
Phản hồi