Dâng Hương Khai Hội Lim Truyền Thống Bắc Ninh
PGĐS – Sáng 21/02, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã về dự Lễ khai hội Lim và dâng hương tại chùa Hồng Ân, thị trấn Lim, huyện Tiên Du.
Nằm ở phía Bắc núi Lim, chùa Hồng Ân hay chùa Lim thuộc địa phận thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Theo thuyết xưa kể rằng, thế núi Lim có hình con cá vọng Trăng, đầu hướng về sông Nguyệt Đức (tức sông Cầu), đuôi ở phía Nam nơi núi Nguyệt Hằng. Hàng năm, cứ đến mùa hội lễ, du khách thập phương về dự rất đông để chiêm bái và thưởng lãm những làn điệu quan họ mượt mà của các liền anh, liền chị.
Chùa Lim được xây cất khá quy mô với nhiều hạng mục công trình và tượng Phật. Trong bề dày lịch sử và truyền thống văn hiến, ngày nay, chùa vẫn giữ được nhiều nét đẹp về kiến trúc.
Theo tìm hiểu, những người có công lớn đối với chùa Hồng Ân là Bồ Đề Ni tục gọi Mụ Ả. Bà họ Nguyễn, người Nội Duệ Nam xuất gia thụ giới ở chùa Hồng Ân và cũng là người đã bỏ tiền ra cho tu sửa và mở rộng chùa Hồng Ân rồi giao cho các xã trong tổng Nội Duệ số ruộng hương hỏa. Năm 80 tuổi, Bồ Đề Ni dựng dàn hỏa thiêu. Người Nội Duệ vùng Lim đã dựng tháp và tạc tượng bà là “Thánh tiên liệt nữ”. Hiện, tượng Bồ Đề Ni, tháp và bia đá vẫn còn ở chùa Hồng Ân.
Ngoài ra, núi Lim xưa kia còn là nơi hoạt động bí mật của các vị lãnh tụ, tiền bối cách mạng Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự… và là nơi ghi dấu ấn lịch sử quan trọng của Đảng bộ và nhân dân Bắc Ninh. Ngày 04/8/1929, tại đây đã diễn ra Hội nghị thành lập Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên của hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang.
Hôm nay, trong không khí trang nghiêm của ngày khai hội Lim, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn cùng các đại biểu đã dâng hương tại chùa Hồng Ân và đến thắp hương ở Lăng Tướng công Nguyễn Đình Diễn (hay còn gọi là cụ Trấn Thanh) trên đồi Lim. Cụ Trấn Thanh sinh năm 1740 tại làng Đình Cả, xã Nội Duệ, huyện Tiên Du, là người giỏi thao lược và có công lớn đối với triều Lê, được phong tước Cảnh Trung Hầu. Cụ cũng là người có công khuyến khích nhân dân trong vùng phát triển sản xuất, chú trọng việc học hành, khoa cử và phát huy các giá trị văn hóa của làng, tổng.
Hiện nay, di tích chùa Hồng Ân gồm các hạng mục: Tam quan, gác Chuông, Tháp chuông, Tam bảo, nhà Tổ và nhà Mẫu. Tòa Tam bảo mặt bằng hình chữ Đinh gồm 3 gian 2 dĩ, Tiền đường nối với 3 gian Thượng điện.
Bên trái chùa chính là 9 gian hành lang, kết cấu vì kèo kiểu kèo kìm quá giang gác tường đơn giản. Các công trình Tháp Mụ Ả, nhà Điện, nhà Mẫu, nhà thờ Đức Thánh Trần, nhà Tổ đều là những tòa nhà có kiến trúc nghệ thuật đặc sắc.
Cổng Tam quan mới được nhân dân xây dựng lại năm 2012 với 2 tháp chuông ở hai bên, kết cấu theo kiểu chồng diêm, đỉnh tháp tạo hình bông sen giữa có đặt bình nước cam lộ.
Chùa là nơi tín ngưỡng thờ Phật của tổng Nội Duệ xưa và nhân dân vùng quan họ. Đồng thời là nơi thờ các danh thần như: Đức Thánh Trần, Phạm Ngũ Lão và sau này Nguyễn Đình Diễn, Đỗ Nguyễn Thụy, Bồ Đề Ni (Mụ Ả) cùng các danh nhân của quê hương Nội Duệ – cầu Lim.
Hàng năm vào ngày 13 tháng Giêng Âm lịch, lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ công lao các bậc tiền nhân và cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mọi người, mọi nhà được an lành… và trở thành biểu tượng văn hóa, nét đẹp của quê hương Bắc Ninh – Kinh Bắc.
Năm nay, lễ hội được diễn ra trong hai ngày, 21 và 22/02/2024 tức 12 và 13 tháng Giêng xuân Giáp Thìn).
Tin : Bảo Ngọc – Mạnh Cường
Phản hồi