Cư sĩ và Phật tử khác nhau thế nào ?
Thượng tọa giảng sư Thích Tiến Đạt đã thuyết giảng cho đại chúng trong khóa tu môt ngày an lạc tại chùa Bằng phân biệt được khái niệm thế nào là “cư sĩ” và thế nào là “Phật tử”. Cư sĩ là “cư gia chi sĩ”, là những bậc có học có tu ở trong Phật pháp nhưng họ hiện thân tại gia, tâm họ là tâm xuất gia, họ có đủ trình độ Phật pháp, họ có đủ giới đức. Người đó mới gọi là cư sĩ tại gia. Bậc cư sĩ phải trọn vẹn thập thiện và phải đem chính pháp thập thiện này để giáo hóa chúng sinh. Hiện nay nhiều vị Phật tử tự lạm xưng danh “cư sĩ” nhưng thực chất chỉ là Phật tử mà thôi, chưa đạt được danh “cư sĩ”. Phải như cư sĩ Duy Ma Cật có thể giảng kinh thuyết pháp, có thể lý luận với tất cả các hàng Phật tử tại gia và xuất gia. Hoặc như thời trước ví dụ như cư sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám, có thể giảng được Kinh Lăng Nghiêm, không chỉ giảng dạy cho cư sĩ mà còn giảng dạy được cả cho người xuất gia. Đấy mới gọi là các bậc cư sĩ. Các vị đó tuy thân tại gia nhưng luôn hiện tướng Trưởng Giả, có địa vị trong xã hội, có uy quyền tiền của, do đó họ có thể làm tất cả những Phật sự một cách dễ dàng. Những người đó mới gọi là cư sĩ. Ngày nay trong Phật pháp có cư sĩ Tống Hồ Cầm thật sự là vị có tu có học thức. Cư sĩ là gì? Sĩ là kẻ sĩ, là người có tri thức Phật học, nhưng họ ở tại gia họ tu chứ không phải chỉ nghiên cứu. Giới đức và sự tu tập của họ không kém gì người xuất gia.
Cuối cùng, Thượng tọa nhấn mạnh “mục đích của việc tu đó là để khi sống ta được an lạc, khi chết được giải thoát. Hãy xem những việc mình làm từ khi sinh ra đến nay sát hại bao sinh linh, xem việc tu của ta là bao so với sự tạo ra nghiệp của ta để khi lâm chung ta sẽ được giải thoát”. Đồng thời, Thượng tọa cũng khuyến tấn đại chúng khi tu pháp môn nào phải kiên định, nhất tâm, chuyên tâm tu tập, không được pha tạp thấy pháp môn nào hay là bỏ để theo “Trường kỳ huân tu, nhất môn thâm nhập” bởi nếu không như vậy sẽ không được vãng sinh nơi Tịnh Độ.
****************************************
Pháp tu của người cư sĩ
1. – Một thời, Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Sakka, tại Kapilavatthu, ở khu vườn Nigrodha. Rồi Thích tử Mahànàma đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ rồi ngồi xuống một bên, bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, cho đến như thế nào là người nam cư sĩ?
– Này Mahànàma, khi nào quy y Phật, quy y Pháp, quy y chúng Tăng, cho đến như vậy, này Mahànàma, là người nam cư sĩ.
2. – Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là người nam cư sĩ giữ giới?
– Này Mahànàma, khi nào người nam cư sĩ từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu, cho đến như vậy, là người nam cư sĩ giữ giới.
3. – Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là người nam cư sĩ thực hành, vì tự lợi chứ không vì lợi tha?
– Này Mahànàma, khi nào nam cư sĩ thành tựu lòng tin cho mình, không có khích lệ người khác thành tựu lòng tin; thành tựu giữ giới cho mình, không có khích lệ người khác thành tựu giữ giới, thành tựu bố thí cho mình, không khích lệ người khác thành tựu bố thí; muốn tự mình đi đến yết kiến các Tỷ-kheo, không có khích lệ người khác đi đến yết kiến các Tỷ kheo; chỉ tự mình muốn nghe diệu pháp, không khích lệ người khác nghe diệu pháp; tự mình thọ trì những pháp đã được nghe, không khích lệ người khác thọ trì những pháp đã được nghe; tự mình suy nghĩ đến ý nghĩa các pháp đã thọ trì, không khích lệ người khác suy nghĩ đến ý nghĩa các pháp đã thọ trì; sau khi tự mình biết nghĩa, biết pháp, thực hiện tùy pháp, đúng Chánh pháp, không khích lệ người khác thực hiện tùy pháp, đúng Chánh pháp. Cho đến như vậy, này Mahànàma, là nam cư sĩ thực hành vì tự lợi, không phải vì lợi tha.
4. – Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là nam cư sĩ thực hành vừa tự lợi, vừa lợi tha?
– Này Mahànàma, khi nào nam cư sĩ tự mình thành tựu lòng tin và khích lệ người khác thành tựu lòng tin; khi nào tự mình giữ giới và khích lệ người khác giữ giới; khi nào tự mình bố thí và khích lệ người khác bố thí; khi nào tự mình muốn đi đến yết kiến các Tỷ-kheo và khích lệ người khác đi đến yết kiến các Tỷ-kheo; khi nào tự mình muốn nghe diệu pháp và khích lệ người khác nghe diệu pháp; khi nào tự mình thọ trì những pháp đã được nghe và khích lệ người khác thọ trì những pháp đã được nghe; khi nào tự mình suy nghĩ đến ý nghĩa các pháp đã thọ trì và khích lệ người khác suy nghĩ đến ý nghĩa các pháp đã thọ trì; sau khi tự mình biết nghĩa, biết pháp, thực hiện pháp đúng Chánh pháp, khích lệ người khác sau khi biết nghĩa biết pháp, thực hiện pháp đúng Chánh pháp. Cho đến như vậy, này Mahànàma, là nam cư sĩ thực hành vì tự lợi và lợi tha.
(Kinh Tăng Chi Bộ III, chương 8, phẩm Gia chủ)
SUY NGHIỆM:
Thông thường, người Phật tử sau khi quy y Tam bảo, thọ trì năm giới cấm được chư Tăng khuyến khích tu học, tụng niệm, làm việc thiện và tham gia các Phật sự nói chung. Những pháp tu ấy được xem như phận sự căn bản của người Phật tử. Tuy vậy, đi sâu vào chi tiết, cụ thể về phận sự của người cư sĩ, Đức Thế Tôn đã khái quát thành bốn pháp tu: 1-Quy y Tam bảo, 2-Thọ trì năm giới, 3-Tự lợi, 4-Lợi tha.
Khi một người đối trước Tam bảo, tự mình ba lần nói lời phát nguyện trọn đời quy y Phật – quy y Pháp – quy y Tăng, sẽ chính thức trở thành Phật tử. Điều cần lưu ý ở đây là tự mình phát nguyện quy y trực tiếp với Tam bảo (không vắng mặt), không bị ai ép buộc, phải đủ nhận thức để tự giác phát nguyện (không quá nhỏ dại) thì pháp quy y mới thành tựu.
Sau khi quy y, dù không bắt buộc thọ hết cùng lúc cả năm giới cấm, nhưng Thế Tôn luôn khuyến khích các cư sĩ phát tâm thọ trì đầy đủ. Bởi năm giới là chuẩn mực đạo đức căn bản mà người cư sĩ phải thành tựu, trước để xây dựng hạnh phúc và an lạc trong đời sống thế tục hiện tại, sau làm nền tảng để thăng hoa tâm linh và thành tựu các quả vị.
Để tiến xa hơn, người cư sĩ phát tâm tu tập về lòng tin, giữ giới, bố thí, yết kiến các Tỷ-kheo, nghe pháp, thọ trì những pháp đã nghe, suy nghĩ đến nghĩa lý các pháp đã thọ trì, và quan trọng nhất là thực hành các pháp đã nghe hiểu ấy trong đời sống hàng ngày. Đây gọi là tự lợi.
Tuy vậy, tự lợi và lợi tha phải song hành mới viên mãn hạnh nguyện của người cư sĩ. Do đó, vừa tu tập vừa khích lệ những người khác tu tập như mình (hoằng pháp) là pháp tu quan trọng mà hàng cư sĩ luôn phấn đấu để thành tựu.
Trong bối cảnh các thế lực ngoại đạo đang nỗ lực cải đạo, các tà sư tà giáo (điển hình như Thanh Hải, Duy Tuệ…) núp bóng Phật giáo để phá hoại Chánh pháp ngày càng gia tăng, thiết nghĩ người cư sĩ Phật tử chân chính cần phát huy tu tập theo lời Thế Tôn đã dạy để tự hoàn thiện mình và góp phần xiển dương Chánh pháp.
Nguồn: nguoiphatu.com
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.