Chiêm nghiệm về lòng từ bi

Sẽ không bao giờ đủ khi nói về lòng từ bi. Một tình thương bao la, rộng khắp, trải đến muôn loài là một nhu cầu lớn, nỗi khao khát chính đáng, là mục đích hướng đến của nhân loại.

Từ bi cần phải được thực hành thông qua các pháp hành thực tế
Do đó, trong bức Thông điệp nhân Ngày Vesak gửi đến Tăng Ni, Phật tử trên toàn thế giới, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres nhấn mạnh: lòng từ bi là thông điệp vượt thời gian của Đức Phật. “Cho đến nay, thông điệp ấy của Đức Phật như một sợi dây, thắt chặt hơn tình người, kéo các mối tương quan giữa người với người lại gần nhau hơn”. Rằng, xuyên suốt trong lời dạy của Ngài, “từ bi là con đường đi thẳng đến giác ngộ”.

Trong vô lượng kiếp tu hành, vì lòng từ bi, Đức Phật đã nhiều lần hy sinh thân mình; ở cõi Ta-bà, không đâu không là nơi mà Đức Thế Tôn từng xả bỏ thân mạng.

Với lòng từ bi, bao nhiêu nỗi đau khổ mà con người gieo rắc cho nhau đều có thể xoa dịu. Cái tôi to lớn của mỗi người cũng nhờ từ bi mà bé lại, để con người có thể xích lại gần nhau, đối thoại cởi mở nhằm tìm ra một giải pháp tốt nhất cho sự sống chung hòa bình. Những xích mích, hiểu lầm, những mối đe dọa hàng ngày giữa người với người cũng có thể được cởi bỏ nhờ lòng từ bi.

Theo quan niệm của Phật giáo, những gì chúng ta nhận được hôm nay đều có nguyên nhân từ quá khứ. Mối tương quan giữa nhân – duyên – quả tuy phức tạp nhưng không quá khó để chiêm nghiệm. Rất nhiều căn bệnh hiểm nguy của thời đại hầu hết đều có nguyên nhân từ lòng tham, từ sự cạn kiệt tình thương. Thức ăn nhiễm độc, kiến thức nhiễm độc, môi trường nhiễm độc… kéo theo chất lượng cuộc sống bị đẩy xuống thấp đến mức báo động cũng từ lòng tham mà ra, dẫn đến những hệ lụy khôn lường cho tất cả muôn loài sống chung trên trái đất. Do đó, phát triển lòng từ bi – mục đích diệt trừ lòng tham, đem lại sự an vui, hạnh phúc đến muôn loài, cũng là cách đem lại sự an lạc đến với bản thân mỗi người.

Biểu hiện gần nhất của lòng từ bi chính là sự không sát hại. Tội ác lớn nhất của sự sát hại chính là giết người – giết trực tiếp bằng súng đạn, đao kiếm, gậy gộc hoặc khiến độc tố đi vào cơ thể người khác qua thức ăn, không khí, thuốc giả… dẫn đến một cái chết từ từ; kế đến, giết hại vô cớ các sinh vật nói chung; sau nữa là sự sát hại vì nhu cầu sinh tồn. Giết hại một sinh vật bất kỳ khi không có lý do chính đáng hay vì thú vui đều được xem là những hành vi man rợ mà dường như chỉ có con người mới làm. Quả báo của sự sát hại ấy hẳn nhiên sẽ là sự đền mạng hay sự đau yếu, gặp phải thứ bệnh tật quái ác mà người gây nhân phải gánh chịu ngay trong kiếp này hoặc nhiều kiếp về sau…

Từ bi, do vậy, là phương thuốc tốt nhất để chữa trị những căn bệnh trầm kha của nhân loại. Nhưng từ bi không đơn thuần là một khái niệm để chiêm nghiệm suông. Từ bi cần phải được thực hành thông qua các pháp hành thực tế mà Đức Phật đã chỉ dạy.

Trong cuộc sống, mỗi lần chúng ta cất bước đều có thể đe dọa đến sinh mạng của loài khác, gây tổn hại đến lòng từ bi. Để hạn chế thấp nhất khả năng đó, ngoài việc chánh niệm trong từng hành vi, Đức Phật còn thiết định chư Tăng an cư trong ba tháng để chuyên tâm tu hành và tránh gây sự tổn hại sinh mạng của chúng sanh. Đó là lời dạy về việc thực hành hạnh từ bi một cách thiết thực, cụ thể của Đức Phật, giúp cho hành giả thuận duyên trên “con đường đi thẳng đến giác ngộ”.

Quảng Kiến

Bài viết liên quan

Phản hồi