Chết một cách an nhiên
Người đời ai rồi cũng phải chết. Có người chết một cách đau khổ nhưng cũng có người chết một cách an nhiên, tự tại.
Đó là những người tu tập pháp môn Tịnh độ – trì niệm danh hiệu của đức Phật A-di-đà, cầu sinh thế giới Cực Lạc. Những người tu tập pháp môn niệm Phật, đến lúc lâm chung sẽ được đức Phật A-di-đà đến tiếp dẫn về cảnh giới Tây Phương Cực Lạc, lại còn thấy Bồ-tát Quán Thế Âm, Bồ-tát Đại Thế Chí.
Nói đến Bồ-tát Quán Thế Âm, tất cả hàng Phật tử của chúng ta ai cũng thành tâm kính lễ Ngài, ai cũng cảm thấy Ngài rất gần gũi và luôn có cảm nhận là Ngài đang theo hộ trì, giúp đỡ chúng ta. Thật sự đúng như thế. Vì trong cuộc sống của mỗi chúng ta, Bồ-tát Quán Thế Âm luôn hiện hữu quanh ta, và chính mỗi chúng ta cũng là một Bồ-tát Quán Thế Âm đối với mọi người xung quanh, nếu chúng ta biết tu tập theo hạnh nguyện của Ngài.
Đối với người Phật tử thì trong mỗi gia đình, nhất định đều phải có thờ Phật. Và có lẽ phổ thông nhất chính là thờ hình tượng của Bồ-tát Quán Thế Âm. Mỗi người đều có niềm tin vào vị Bồ-tát này. Ở đây, chúng tôi chỉ nói với quý vị một điều, là chúng ta thờ Phật, thờ Bồ-tát không phải chỉ thuần là vấn đề thuộc tín ngưỡng mà trong đó, cần phải có sự thực tập, nghĩa là chúng ta thực tập theo một trong những công hạnh của đức Phật hay của một vị Bồ-tát mà chúng ta đang tôn thờ trong nhà của mình. Có như thế, sự thờ Phật hay Bồ-tát của chúng ta mới có đầy đủ ý nghĩa, chúng ta mới thấy được sự lợi ích của việc thờ Phật, Bồ-tát trong cuộc sống của chúng ta.
Trong cuộc sống gia đình, quan hệ xã hội… cho dù vô tình hay cố ý, ít hay nhiều thì mỗi chúng ta cũng đã từng gây khổ đau cho người khác. Có khi vì tức giận, có khi vì vụng về trong ứng xử và thậm chí, có khi vì thương yêu người mà chúng ta đã gây ra khổ đau cho người. Vì thế, nguyên nhân gây ra đau khổ cho người khác có lẽ là rất nhiều, nhưng trong đó có một nguyên nhân cơ bản nhất, đó là chúng ta không biết lắng nghe tiếng nói của người khác, không biết lắng nghe những khó khăn, những khổ đau, những tâm sự của người khác. Cho nên, chúng ta tôn thờ hình tượng của Bồ-tát Quán Thế Âm thì chúng ta phải biết học theo hạnh nguyện của Ngài, đó là hạnh lắng nghe. Bởi vì Quán Thế Âm có nghĩa là lắng nghe tiếng nói, âm thanh của cuộc đời, và lắng nghe không phải chỉ thuần bằng tai mà còn lắng nghe bằng cả con tim nữa.
Thưa quý vị! Mỗi khi quý vị đứng trước hình tượng của Bồ-tát Quán Thế Âm để lễ lạy hay chiêm ngưỡng, quý vị hãy thực tập theo hạnh nguyện của Ngài, đó là thực tập hạnh lắng nghe: “Kính lạy đức Bồ-Tát Quán Thế Âm, chúng con xin học theo hạnh nguyện của Ngài, biết lắng tai nghe cho cuộc đời bớt khổ. Ngài là hiện thân của trái tim biết nghe và biết hiểu”.
“Chúng con xin tập lắng nghe với tất cả sự chú tâm và thành khẩn của chúng con. Chúng con xin tập lắng nghe với tâm không thành kiến. Chúng con xin tập lắng nghe mà không phán xét, không phản ứng. Chúng con nguyện tập lắng nghe một cách chăm chú để có thể hiểu được những điều đang nghe và cả những điều không nói”.
“Chúng con biết rằng, có lắng nghe, chúng con mới có cơ hội để thông cảm, hiểu biết và thương yêu đối với những người mà chúng con có duyên gặp gỡ”.
“Chúng con biết rằng, có những lúc chỉ cần lắng nghe thôi là chúng con cũng đã làm vơi bớt những khổ đau của người khác rồi”.“Nam Mô Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát”.
Đây chính là một pháp tu, tức là một phương pháp thực hành mà mỗi người chúng ta cần phải thực tập hằng ngày trong cuộc sống nếu chúng muốn có hạnh phúc. Vì thế, chúng tôi mới nói: thờ Phật, thờ Bồ-tát chính là một pháp tu trong cuộc sống của chúng ta.
Phản hồi