Câu chuyện Phật giáo “Đức Phật thăm Tỳ kheo lâm bệnh để răn dạy đệ tử” và bài học “thương người như thế thương thân
Nhìn thấy cảnh đệ tử xa lánh người lâm bệnh, Đức Phật đã làm một điều khiến ai cũng phải giật mình. Đó là điều gì?
Câu chuyện Phật giáo “Đức Phật thăm Tỳ kheo lâm bệnh để răn dạy đệ tử”
Đức Thế Tôn sau khi thành đạo luôn được ca ngợi và nhiều người ngưỡng vọng thế nhưng không vì thế mà tỏ ra cao ngạo hay bề trên. Khá nhiều việc lớn, nhỏ Ngài đã tự tay làm, bất chấp chúng có hôi thối, bẩn thỉu đến đâu. Hình ảnh ấy còn đáng trân trọng hơn cả những lời cao đẹp mà Người từng dạy cho người đời và chúng mới thực sự là bài học sâu sắc mà người đời phải ghi nhớ để noi gương.
Có chuyện kể lại về chuyến đi Đức Phật thăm Tỳ Kheo lâm bệnh khiến ai cũng phải ngỡ ngàng như sau:
Có lần, Đức Như Lai bảo A Nan khóa cửa phòng lại để đi thăm chỗ ở của chư Tăng. Hai thầy trò cùng tới căn phòng tồi tàn có một vị Tỳ Kheođang ốm bệnh và nằm trên cả phân tiểu của mình, không thể ngồi dậy. Ngài hỏi người bệnh:
– Này Tỳ Kheo! Bệnh tình của ông như thế nào? Cơn đau tăng hay giảm?
– Bạch Thế Tôn! Cơn đau chỉ có tăng chứ không giảm.
– Hôm nay có ăn được không?
– Dạ thưa không được, bạch Thế Tôn!
Ngài hỏi thêm mới biết vị này ốm bệnh suốt 7 ngày không ăn gì vì không có thức ăn. Đức Thế Tôn hỏi thêm thì được biết ở đây không có Hòa thượng của ông, cũng không có các Hòa thượng khác, không có thầy Giáo thọ nào. Ngài hỏi tiếp:
– Phòng bên cạnh không có Tỳ Kheo nào sao?
– Bạch Thế Tôn! Vì con bị bệnh hôi thối, nên họ đã dời đi nơi khác, do đó, con cô độc đau khổ lắm, bạch Thế Tôn! Con cô đơn lắm. Bạch Thiện Thệ!
– Ông đừng sầu não nữa, Ta sẽ giúp đỡ ông. Này Tỳ Kheo! Hãy lấy y phục đưa đây, ta sẽ giặt cho.
Khi ấy, A Nan bạch muốn giúp Phật giặt y phục và được Ngài chấp thuận, trong khi đó ngài xối nước cho nhà sạch sẽ.
Trong khi đó, A Nan đem y giặt, đem đi phơi nắng, rồi thầy bồng Tỳ Kheo bệnh đặt nằm trên một tấm ra ở chỗ đất trống, lau chùi phân uế, lại đem giường gối và các vật bất tịnh ra ngoài phòng, rưới nước trong phòng, quét dọn sạch sẽ, dùng khăn lau lau sàn nhà, giặt giũ giường nệm, vá lại ghế dây, rồi đem chúng đặt vào chỗ cũ. Tiếp đến, thầy tắm rửa cho Tỳ Kheo bệnh sạch sẽ, rồi bồng thầy đặt nằm lại trên giường.
Khi ấy, Thế Tôn dùng bàn tay mềm mại, sắc vàng óng ánh được kết tinh bằng vô lượng công đức xoa trên trán Tỳ Kheo, và hỏi:
– Cơn đau của ông tăng hay giảm?
– Bạch Thế Tôn, nhờ ơn Thế Tôn dùng bàn tay đặt trên trán con, nên mọi thống khổ đều tiêu tan hết.
Bấy giờ, Thế Tôn bèn tùy thuận thuyết pháp khiến thầy sinh tâm hoan hỷ. Rồi Thế Tôn tiếp tục thuyết pháp làm cho thầy đạt được pháp nhãn thanh tịnh.
Sau khi Tỳ kheo khỏi bệnh, Thế Tôn bèn đi đến chỗ đông đủ các Tỳ Kheo, trải tọa cụ ngồi, rồi đem sự việc trên trình bày lại đầy đủ với các Tỳ Kheo. Đoạn, Ngài hỏi thầy Tỳ Kheo ở phòng bên cạnh là ai, thì vị ấy đáp:
– Chính là con đây, bạch Thế Tôn!
Do vì thái độ thờ ơ của thầy đối với người bệnh, nhân cơ hội này, Phật muốn nhắc nhở các Tỳ Kheo cần phải quan tâm giúp đỡ lẫn nhau nên ngài nói với Tỳ kheo:
– Này các Tỳ kheo! Những người đồng hành với các ông bị đau ốm, các ông không săn sóc cho nhau thì ai săn sóc? Các ông mỗi người đều khác họ, khác nhà, vì niềm tin mà bỏ nhà xuất gia, sống không nhà, đều cùng một họ Sa môn Thích tử, đồng tu phạm hạnh, nếu không săn sóc lẫn nhau thì ai săn sóc?
Này các Tỳ kheo! Ví như các con sông Hằng, sông Diêu Phù Na, sông Tát La, sông Mê Hê chảy vào biển cả, liền mất tên cũ mà hòa chung thành một hợp thể, gọi là đại dương. Các ông cũng như vậy, ai nấy đều bỏ họ cũ mà cùng chung một họ mới là Sa môn Thích tử. Các ông không săn sóc cho nhau thì ai sẽ săn sóc?
Ví như các chủng tộc Sát lợi, Bà la môn, Phệ xá, Thủ đà la, mỗi người đều khác họ, rồi cùng vượt đại dương đi kinh doanh trên thương trường thì được gọi là người đi buôn trên biển. Cũng như thế đó, các Tỳ kheo, các ông mỗi người đều khác họ, khác nhà, vì niềm tin, bỏ nhà xuất gia, sống không nhà, đều cùng một họ là Sa môn Thích tử, nếu không săn sóc lẫn nhau thì ai săn sóc?
Từ nay về sau, nếy Tỳ kheo bệnh thì Hòa thượng bổn sư phải săn sóc. Nếu không có Hòa thượng bổn sư thì các Hòa thượng khác phải săn sóc. Nếu ai không săn sóc thì phạm tội Việt tì ni.
Nếu có thầy Giáo thọ thì thầy Giáo thọ phải săn sóc. Nếu ai không săn sóc thì phạm tội Việt tì ni. Nếu có người cùng phòng thì người cùng phòng phải săn sóc. Nếu không có người cùng phòng thì người ở phòng bên cạnh phải săn sóc. Nếu ai không săn sóc thì phạm tội Việt tì ni.
Nếu như người ở phòng bên cạnh cũng không có thì Tăng phải sai người chăm sóc. Tùy theo người bệnh cần bao nhiêu người thì phải sai bấy nhiêu người lo việc nuôi bệnh. Nếu như không săn sóc thì tất cả chúng Tăng đều phạm tội Việt tì ni.
Này các Tỳ kheo! Các ông hãy trở về săn sóc Tỳ kheo ở phòng mình cũng như phòng bên cạnh, nếu như người ấy lâm bệnh.
Bài học “thương người như thể thương thân”
Có thể thấy rằng, không chỉ là các vị Tỳ kheo ở phòng bên cạnh người bị bệnh kia mà hầu hết chúng ta trong hoàn cảnh tương tự, chẳng mấy ai sẵn lòng giúp đỡ người khác vô tư được như những lời Phật khuyên răn.
Chúng ta “ngại” làm người tốt vì những lý do mà ta tự bao biện cho mình, ví dụ như sợ bẩn, sợ hôi, sợ lây bệnh… Hoặc ta hay ra điều kiện như giúp họ thì tôi được gì? Thế nên, từ lâu ta đã quên giúp đỡ người khác cũng là giúp chính mình.
Những người ốm đau, bệnh tật như vị Tỳ kheo trên gần như không còn chút sức lực nào để tự giúp lấy mình. Thế nhưng, ông bị bẩn và những người xung quanh không có chung dòng máu đã thờ ơ, không có ý định giúp đỡ mà còn lập tức chuyển đi chỗ khác.
Họ chỉ nghĩ tới lợi ích duy nhất của chính bản thân mình, mặc cho người kia sống chết ra sao họ cũng không quan tâm. Có khi lỡ mà người bệnh qua đời, việc duy nhất có thể làm là thắp nén hương rồi giả vờ than khóc rằng: Sao anh lại khổ, lại ra đi sớm thể…
Thử một lần nghĩ xem, nếu mình ở trong hoàn cảnh tương tự, cũng trong vai trò người bệnh ấy mà xung quanh mọi người thờ ơ, không quan tâm, không chăm sóc, hỏi han thì bạn sẽ như thế nào? Nỗi đau vì bệnh thì ít mà nỗi đau bị vứt bỏ, xa lánh thì lớn hơn vạn lần.
Ngay cả thời buổi bây giờ ta cũng không ít lần chứng kiến những người xung quanh lạnh lùng đến vô cảm trước hoàn cảnh gian khó của người khác. Lối sống ích kỷ, chỉ biết lo cho mình khiến ta đơn độc trong thế giới mà không hiểu rằng, vẻ đẹp cuộc sống có được khi chúng ta biết nương tựa vào nhau. Vì nếu ai cũng chỉ lo cho bản thân thì xã hội không còn tình nhân ái nữa.
Có thể bạn sẽ đưa ra hàng trăm lý do vì sao bạn không muốn thể hiện lòng tốt của mình, không thể giúp người, thế nhưng xin hãy nhớ: “Thông minh là một loại thiên phú, lương thiện là một sự lựa chọn”.
Bạn có quyền lựa chọn cách sống của mình. Và khi lựa chọn rồi thì kết quả ra sao cũng phải chấp nhận. Vì vậy, sống ở trên đời, phải lương thiện, thương người như thể thương thân.
Hạnh Tâm
Phản hồi