Cảnh giác với mẫu tượng Phật đản sanh (sinh) lạ
Trong khi cả nước đang hân hoan chuẩn bị đón mừng mùa Phật đản PL 2567- DL 2023, mọi người vận động nhau treo cờ Phật giáo, trang trí lồng đèn hoa sen và lễ đài Phật đản tại tư gia, cũng như lan tỏa tinh thần Phật giáo trên mạng xã hội bằng cách đổi ảnh bìa và ảnh đại diện kính mừng Phật đản, thì dư luận phản đối ầm ĩ vì xuất hiện hình tượng Phật đản sinh thiếu hảo tướng và chuẩn mực do các Phật tử Chùa Thiền Tôn Phật Quang – tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu chia sẻ.
Được biết đây là mẫu tượng Phật đản sinh tự phát, hoàn toàn thiếu quy chuẩn và trái với kinh điển Phật giáo. Vì theo kinh điển, khi thái tử Tất Đạt Đa đản sanh, tay phải chỉ lên trời và tay trái chỉ xuống đất với câu nói: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”. Đây là sự nhất quán trong lịch sử hình thành và tôn tạo tượng Phật đản sanh. Tuy nhiên, tuỳ theo truyền thống, quốc độ, thời đại mà tại nước ta đã xuất hiện các mẫu tượng Phật đản sanh khác nhau, hoặc là tay phải chỉ lên trời, tay trái chỉ xuống đất ( Hữu thủ chỉ thiên, tả thủ chỉ địa); hoặc là tay trái chỉ lên trời và tay phải chỉ xuống đất ( Tả thủ chỉ thiên, hữu thủ chỉ địa).
Những bình luận của cộng đồng mạng dưới banner (Ảnh bìa) Fanpage Thiền Tôn Phật Quang
Do ảnh hưởng của triết học Phương Đông, tay trái là dương, tay phải là âm, nên các tôn tượng đức Thích ca Đản sinh từ thời Nguyễn khoảng thời vua Tự Đức trở về trước, tay trái của ngài chỉ lên trời, tay phải chỉ xuống dưới. Đến khi, tổ Tính Định khắc bộ ván kinh Phật thuyết Công Đức Tạo Tượng Phật, thì thế tay tượng Phật đản sanh mới bắt đầu được cải chính. Vì y cứ bộ kinh văn này trong đó các phần như Thích Ca Phổ, Thích Ca Phương Trí, đều viết: “Hữu thủ chỉ thiên, tả thủ chỉ địa”.
Điều này phù hợp với các kinh nói về sự kiện Đức Phật đản sanh như: Kinh Thái Tử Thuỵ Ứng Bổn Khởi: “ ( Bồ tát ) Nâng tay phải lên, đứng yên rồi tuyên bố rằng…”; Kinh Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả nói: “Nâng tay phải lên mà tuyên bố như tiếng sư tử rằng…”; Kinh Dị Xuất Bồ Tát Bổn Khởi nói: “(Bồ tát) liền chỉ tay phải lên trời mà tuyên bố rằng: “Trên trời dưới trời, không gì tôn quý hơn ta”; Kinh Phật Thuyết Quán Tẩy Phật Hình Tượng nói: “Sinh ra tiếp đất liền đi bảy bước, nâng cánh tay phải mà tuyên bố rằng …”; Phật Tổ Thống Kỷ : “(Thái tử) tự đi bảy bước rồi đưa tay phải lên mà tuyên bố rằng…” Do đó các tượng cổ Phật đản sanh tại Ấn Độ đều giơ tay phải lên. Đó là lý do vì sao không thống nhất thế tay về mặt tượng pháp Đức Phật sơ sinh, nhưng vẫn trung thành với kinh điển. Như vậy vấn đề này ở đây mang tính chất lịch sử.
Trái lại, với mẫu tượng Phật đản sanh hiện nay do Phật tử chùa Thiền Tôn Phật Quang, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu phát tán hoàn toàn thiếu căn cứ vào kinh điển vì đó là sự kết hợp với Thủ Ấn Vô Uý và một tay chỉ lên trời hoàn phản cảm. Do tay ấn vô uý được vẽ tuỳ tiện không cố định là tay phải.
Dựa theo sử liệu về cuộc đời đức Phật thì sau khi đạt được giác ngộ và khi Đức Phật bị con voi dữ tấn công Ngài đã sử dụng thủ ấn này. Đây là biểu hiện uy lực của sự không sợ hãi, cũng như Đức Phật ngay sau khi đạt được giác ngộ đã vượt thoát mọi nỗi sợ hãi đau khổ của thế gian. Cho nên, hình tượng Bồ tát Tất Đạt Đa mới sơ sinh, không thể dùng thủ ấn này, vì khi đó Ngài chưa giác ngộ hoàn toàn. Đó là điểm vô lý và thiếu hiểu biết về kiến thức Phật học căn bản.
Trong khi, Ban Văn Hoá Trung Ương GHPGVN đang tạo ra một quy chuẩn về văn hoá Phật giáo, có liên quan đến tượng pháp, thì thiết nghĩ các mẫu tượng Phật đản sanh trung thành với kinh điển vẫn là điều cần thiết phải được tôn trọng và duy trì. Nếu chỉ vì lợi ích cá nhân, tự tiện sáng tác mẫu tượng Phật mới, cờ Phật giáo mới, pháp phục mới, pháp môn mới, danh xưng mới… mà chẳng màng đến lợi ích chung của Phật giáo, thì đó là tà kiến.
Thiết nghĩ GHPGVN cần phải lên tiếng trước mẫu tượng Phật đản sanh mới, thiếu chuẩn mực, để tránh làm hoang mang dư luận. Vì hình ảnh Đức Phật là biểu tượng của sự Giác Ngộ và Giải Thoát siêu việt trong lòng nhân loại, chẳng thể tự tiện mà sửa đổi để khẳng định nét riêng của môn phong, pháp phái mà bỏ qua tính kế thừa của Kinh điển, truyền thống, văn hoá, lịch sử.
Lý Diện Bích
Phản hồi