Cái gì trói buộc ta?

PGĐS – Chúng ta luôn dính mắc vào cảnh trần, biểu hiện rõ nét là luôn thích hoặc không thích.

Bình tâm suy xét, có khi nào ta tự hỏi rằng vậy cái gì đã trói buộc ta, cái gì đã khiến cho mình dính mắc. Người cạn cợt thì nói ngay rằng bởi cái cảnh nó hấp dẫn nên làm cho ta mê mệt. Người có chiều sâu hơn thì cho rằng, cũng tại vì ta thấy nghe ngửi nếm… làm chi, mà cũng tại cảnh sắc thinh hương vị… nó quyến rũ nên không dứt ra được. Bậc trí thì thấy rõ rằng, không phải tại mắt thấy sắc đẹp hoặc tai nghe tiếng hay mà chính dục tham mới là sợi dây trói buộc.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

“Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất, Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la cùng ở trong núi Kỳ-xà-quật. Buổi chiều sau khi từ thiền tịnh dậy, Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, cùng nhau thăm hỏi, rồi ngồi lui qua một bên, nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:

– Tôi có điều muốn hỏi, Nhân giả có rảnh để giải đáp cho chăng?

Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời:

– Tùy theo những gì Nhân giả hỏi, nếu tôi biết, tôi sẽ trả lời.

Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

– Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, thế nào, mắt kết buộc sắc, hay sắc kết buộc mắt? Tai và âm thanh, mũi và mùi, lưỡi và vị, thân và xúc, ý và pháp; ý kết buộc pháp hay pháp kết buộc ý?

Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la:

– Chẳng phải mắt kết buộc sắc, cũng chẳng phải sắc kết buộc mắt, cho đến, chẳng phải ý kết buộc pháp, cũng chẳng phải pháp kết buộc ý. Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la, ở giữa hai cái đó, cái gì là dục tham thì cái đó là kết buộc.

 Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la, giống như hai con bò, một đen một trắng, cùng bị buộc vào một cái ách. Có người hỏi, ‘Bò đen buộc bò trắng hay bò trắng buộc bò đen?’. Hỏi như vậy có đúng không?

Đáp:

– Không, Tôn giả Xá-lợi-phất, chẳng phải bò đen buộc bò trắng, cũng chẳng phải bò trắng buộc bò đen. Nhưng ở đây, hoặc là cái ách, hay là dây buộc cổ, là cái kết buộc chúng.

Tôn giả Xá-lợi-phất nói:

– Cũng vậy, Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la, chẳng phải mắt kết buộc sắc, cũng chẳng phải sắc kết buộc mắt, cho đến, chẳng phải ý kết buộc pháp, cũng chẳng phải pháp kết buộc ý. Ở đây dục tham kết buộc chúng. Thưa Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la, nếu mắt kết buộc sắc, hay nếu sắc kết buộc mắt và cho đến, nếu ý kết buộc pháp, hay nếu pháp kết buộc ý, thì Thế Tôn đã không dạy người kiến lập phạm hạnh để đoạn tận khổ. Vì chẳng phải mắt kết buộc sắc, cũng chẳng phải sắc kết buộc mắt và cho đến, chẳng phải ý kết buộc pháp, cũng chẳng phải pháp kết buộc ý, nên Đức Thế Tôn dạy người kiến lập phạm hạnh để đoạn tận khổ. Thưa Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la, Thế Tôn khi mắt thấy sắc hoặc tốt, hoặc xấu, không khởi dục tham; còn những chúng sanh khác khi mắt thấy sắc hoặc tốt, hoặc xấu thì khởi dục tham. Cho nên Đức Thế Tôn nói hãy đoạn tận dục tham, thì tâm được giải thoát. Cho đến, ý và pháp lại cũng như vậy.

Bấy giờ, hai vị Chánh sĩ đều hoan hỷ, mỗi người trở về chỗ của mình”.

(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 250)

Thế Tôn dạy thật rõ ràng, sự khác nhau giữa người phàm và người tu là xác định đúng nguyên nhân của dính mắc và tìm cách loại trừ. Thì ra, không phải căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) và cũng chẳng phải trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) mà chính dục tham là nguyên nhân khiến ta bị trói buộc và chịu khổ đau. Nên muốn thoát khổ cũng phải dựa vào điểm mấu chốt này, “khi mắt thấy sắc hoặc tốt, hoặc xấu, không khởi dục tham”; tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị… đều phải tu như vậy, không khởi dục tham.

Duy trì chánh niệm thường trực, vẫn thấy nghe ngửi nếm bình thường nhưng luôn tỉnh giác để cái thấy chỉ là cái thấy, cái nghe chỉ là cái nghe… không để dục tham chen vào. Làm được như vậy thì tâm không bị trói, thân không bị buộc, sống nhẹ nhàng, thảnh thơi với cuộc đời đủ các cung bậc và vô vàn hấp dẫn.

Nguồn: phatgiao.org.vn

Bài viết liên quan

Phản hồi