Bụt dạy về mười hai nhân duyên
Vô minh là chất liệu căn bản của cả mười hai nhân duyên. Nhờ quán chiếu tự tính duyên sinh, ta lấy ánh sáng của trí tuệ làm tan rã chất liệu vô minh đó và ta vượt thoát được tất cả những lo sợ đau buồn của sinh tử.
Trong mỗi giây phút của cuộc sống hàng ngày, các vị phải quán chiếu về tự tính duyên sinh của vạn pháp. Nhìn vào một tờ lá hay một hạt mưa, các vị phải tập thấy cho được tất cả những điều kiện gần xa đã đưa tới sự có mặt của tờ lá ấy hay của hạt mưa ấy. Các vị nên biết rằng thế giới được dệt thành bởi những màn nhân duyên chằng chịt, cái nầy có vì cái kia có, cái nầy không vì cái kia không, cái này sinh vì cái kia sinh, cái nầy diệt vì cái kia diệt.
Sự sinh diệt của một pháp tùy thuộc vào sự sinh diệt của tất cả các pháp. Sự sinh diệt của tất cả các pháp tùy thuộc vào sự sinh diệt của một pháp. Trong cái một có cái tất cả, và trong cái tất cả có cái một.
Cái một tức là cái tất cả, cái tất cả tức là cái một. Không có cái một thì không có cái tất cả, không có cái tất cả thì không có cái một. Đây là chỗ vi diệu của đạo lý duyên sinh. Nếu quán sát cho thấu triệt tự tính của vạn pháp, các vị sẽ vượt thoát ra ngoài cái lo và cái khổ về sinh tử, nói một cách khác hơn là thoát ra được ngoài vòng sinh tử.
Các vị khất sĩ! Duyên khởi chằng chịt nhiều tầng nhiều lớp, nhưng quý vị có thể phân biệt bốn loại đó là: nhân duyên, tăng thượng duyên, đẳng vô gián duyên và sở duyên duyên.
1. Nhân duyên là điều kiện chính yếu gần nhất, như hạt lúa là điều kiện chính yếu để phát sinh ra cây lúa.
2. Tăng thượng duyên là những điều kiện phù trợ, như nắng, mưa, hơi ấm, đất màu giúp cho hạt lúa nảy mầm lớn lên thành cây lúa.
3. Đẳng vô gián duyên tức là sự tiếp nối không gián đoạn của dòng lưu chuyển. Thiếu sự tiếp nối thì sự trưởng thành của cây lúa bị gián đoạn nửa chừng.
4. Sở duyên duyên là đối tượng của nhận thức, bởi vì nhận thức bao giờ cũng là nhận thức một cái gì, nhận thức không rời đối tượng nhận thức.
Hạt lúa, cây lúa và các điều kiện xa gần đưa tới sự có mặt của cây lúa… tất cả đều là đối tượng của nhận thức, không thể tách rời ra khỏi nhận thức. Tâm thức vì vậy là một điều kiện căn bản của hiện hữu.
Sở dĩ có khổ đau là vì có sinh tử. Tại sao có sinh tử? Tại vì có vô minh. Nếu các vị quán chiếu và thấy được tự tính duyên khởi của vạn vật thì các vị sẽ tiêu diệt được vô minh. Tiêu diệt được vô minh thì siêu thoát được quan niệm về sinh tử. Thoát được sinh tử thì diệt được mọi khổ đau và lo âu.
Có tử là vì có sinh, có sinh tử là vì còn ý niệm có ta, còn ý niệm có ta là vì bị dính mắc, bị dính mắc là vì tham ái, tham ái là vì không thấy được tự tính của cảm giác, không thấy được tự tính của cảm giác là vì bị kéo theo dòng tiếp xúc giữa giác quan và đối tượng, bị kéo theo dòng tiếp xúc giữa giác quan và đối tượng là vì tâm tư không sáng suốt và an tĩnh, tâm tư không sáng suốt an tĩnh là vì tâm thức hôn mê. Tâm thức hôn mê là vì vô minh.
Mười hai cái khoen của vòng xích ấy nối liền nhau, trong một cái có cả mười một cái kia, thiếu một cái thì mười một cái kia cũng không có. Tử, Sinh, Hữu, Thủ, Ái, Thọ, Xúc, Lục nhập, Danh sắc, Thức, Hành, và Vô minh là tên gọi của mười hai cái khoen ấy.
Vô minh là chất liệu căn bản của cả mười hai nhân duyên. Nhờ quán chiếu tự tính duyên sinh, ta lấy ánh sáng của trí tuệ làm tan rã chất liệu vô minh đó và ta vượt thoát được tất cả những lo sợ đau buồn của sinh tử.
Người phàm phu bị nhận chìm trong biển khổ sinh tử. Bậc giải thoát cỡi trên những đợt sóng sinh tử mà đi. Mười hai cái khoen của vòng xích trở nên mười hai cái bánh xe của một cỗ xe chở người tới giác ngộ. Bậc giác ngộ sống trên đời nhưng không bao giờ bị cuộc đời làm cho chìm đắm.
Phản hồi