Buông bỏ dính mắc cuộc đời
Bà kể lại với tôi, khi bước lên chuyến bay từ New York quá cảnh qua Đài Bắc trước khi trở về Việt Nam cách đây ba ngày, bà cũng chưa định hình thật sự tâm trạng của mình như thế nào nữa.
Bà biết, khi máy bay hạ cánh, sẽ chẳng còn ai là người thân thích sẽ đón tiếp bà…
Ra đi vào thời điểm kết thúc cuộc chiến tranh, bà đã dồn hết tình cảm của người con xa quê hương bằng những hành động cụ thể thông qua việc gửi tiền về trợ giúp cho người thân trong gia đình để duy trì ngôi nhà của cha mẹ để lại từ trước giải phóng. Trải qua nhiều giai đoạn tiến hành thủ tục hợp thức hóa và chuyển đổi người đứng tên khác nhau, ngôi nhà nói trên cuối cùng được trả về đúng với chủ sở hữu đích thực là bà và giao cho người cháu trông nom và sử dụng.
Cha mẹ của người cháu nói trên là em cùng cha khác mẹ của bà còn được bà cưu mang bảo lãnh nhập tịch vào Hoa Kỳ, lo lắng công ăn việc làm và có được cuộc sống ổn định cho đến ngày hôm nay. Vậy mà thật bất ngờ, vào năm 2010, bà nhận được hung tin là chính vợ chồng người em mà bà bảo lãnh sang Mỹ nói trên đã ủy quyền cho con ở tại Việt Nam tiến hành khởi kiện yêu cầu hủy bỏ các giấy tờ sở hữu đứng tên của người mẹ đã làm thủ tục tặng cho hợp pháp cho bà.
Sau gần ba năm đeo đuổi vụ kiện, chuyến trở về Việt Nam lần này của bà không chỉ để chứng kiến phiên tòa sơ thẩm sẽ được Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 10.4.2013, mà bà muốn dành hết thời gian còn lại theo chân một sư thầy trụ trì ngôi chùa ở quận ngoại thành để làm việc thiện nguyện chăm sóc những thân phận cơ nhỡ. Trong buổi làm việc với luật sư trước ngày xử, tự nhiên trong câu chuyện bà bật ra từ “buông bỏ”. Bà nói với tôi: “Cơ duyên đưa tôi đến với đạo Phật và tự nhiên làm thay đổi tâm tính, nghĩ mọi thứ trong cuộc đời mình cũng chỉ là khoảnh khắc, phù du…”.
Mượn câu nói của bà, bất chợt tôi gợi ý: “Ngày mai tòa xử, chưa biết sẽ phân định đúng sai thế nào, luật sư chỉ biết sẽ cố gắng tận tâm hết sức mình để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bà, nhưng liệu câu chuyện ân oán về tình cảm này sẽ còn lưu cữu trong suy nghĩ của bà đến bao giờ đây?”.
Thấy bà suy nghĩ hồi lâu, tôi nói: “Thật ra, hiện nay con số yêu cầu của nguyên đơn đề nghị bà hỗ trợ 70 lượng vàng để ra khỏi nhà, còn bà thông qua người đại diện đã đồng ý có thể chấp nhận hỗ trợ 50 lượng vàng. Khoảng cách giữa hai con số thực ra không nhiều lắm, hai bên có thể xích lại gần nhau. Chưa kể những chi phí bà phải bỏ ra để đi về Việt Nam, chỉ riêng thời gian tố tụng cũng đã tiêu hao của bà mất ba năm rồi… Tôi nghĩ bà cũng nên cân nhắc thêm về việc này”. Suy nghĩ khá lâu, rồi cuối cùng bà chấp nhận đồng ý với tôi là nếu bên kia có thiện chí thì sẵn sàng chấp nhận thỏa thuận ở mức 60 lượng vàng…
Ngay lập tức tôi đưa ý kiến đồng ý chấp nhận hòa giải trình bày với tòa án và đầu giờ buổi sáng ngày 10.4.2013, bà thẩm phán đã tiến hành gặp riêng và lấy lời khai của từng bên, sau đó kiên trì động viên hai bên hòa giải. Bằng một thái độ ứng xử chuẩn mực, lời lẽ chân tình, chứa đựng cái tâm của người cầm cân nẩy mực, cuối cùng cả hai bên đều chấp nhận phương án hòa giải của thẩm phán theo đề xuất của tôi.
Phiên tòa ngay lập tức được mở với đầy đủ trình tự, thủ tục cần có, với sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố, các bên đã bày tỏ ý nguyện nêu trên. Hội đồng xét xử đã quyết định công nhận thỏa thuận của các đương sự tại phiên tòa và quyết định này ngay lập tức phát sinh hiệu lực pháp luật.
Ra khỏi phiên tòa, sau khi chia sẻ niềm vui với bà, tôi quay sang bắt tay tạm biệt những người đại diện của phía “đối phương”, thấy lần đầu tiên họ nở nụ cười thân thiện với tôi, mà lặng đi không nói được một lời nào.
Thật ra, điểm cốt lõi của câu chuyện này không còn là chỗ quyền lợi của đôi bên phân tranh thiệt hơn như thế nào, mà chính luật sư cũng đã thoát ra khỏi chức phận của mình để có thể tham gia vào quá trình hàn gắn những vết thương lòng trong xã hội. Nếu nghĩ được đến chuyện đó thì cũng có nghĩa là bản thân mình “buông bỏ” với những đua tranh về luận lý không có lối ra và đắm chìm trong hành trình tố tụng không biết bao giờ có thể dừng lại…
Mặc dù bà mới chỉ đến với giáo lý đạo Phật gần đây, nhưng tôi tin sự cảm nhận và những tích tụ đau buồn trong tình cảm con người sẽ còn đẩy bà đi xa mãi. Vấn đề là con người ta làm sao xuyên thấu qua bản chất sự vật và hiện tượng để nhận ra con đường duy nhất có thể đưa mình ra khỏi u mê chính là sự “buông bỏ” những tham sân si đời thường.
Có ai trên cuộc đời này mà chẳng mong cuộc sống của mình và gia đình sung sướng, hạnh phúc, nhưng ý nghĩa của cuộc sống giàu có này chỉ có thể cảm nhận được qua sự an bình trong tâm – nơi khởi phát sự dao động và đau khổ.
Bà nói với tôi, ngay sau khi phiên tòa này kết thúc, mà nó cũng đã kết thúc thật rồi, bà sẽ rũ bỏ tất cả để đến nương tựa cửa Phật. Dù con đường tu tập của bà không biết sẽ còn vất vả bao nhiêu, nhưng tôi tin như lời Achaan Chah – một trong những vị thầy tâm linh xuất chúng, bằng cuộc đời xuất gia bình dị để truyền đạt những giáo lý của đạo Phật – thì cốt tủy của con đường chính đạo rất đơn giản, đó là “đừng dính mắc vào sự yêu ghét và không nắm giữ một thứ gì cả”… Hãy để sự thiện tâm vận hành tự nhiên, để bà có thể bước qua thế giới của sự thù hận, định cư trong chốn an lành, dịu mát của tình thương yêu.
Tôi tin, đêm nay bà thẩm phán cũng có một giấc mơ an lành.
Phản hồi