Bốn tinh thần của Phật giáo mà bạn nên vận dụng để cuộc đời an yên hơn
Trong cuộc sống đầy biến động và căng thẳng hiện nay, việc áp dụng những giá trị sâu sắc của Phật giáo có thể giúp chúng ta tìm thấy sự bình an nội tâm, sống hài hòa hơn với chính mình và mọi người xung quanh. Dưới đây là bốn tinh thần Phật giáo mà bạn có thể vận dụng để cuộc đời trở nên nhẹ nhàng và an yên hơn, từ việc rèn luyện lòng từ bi, trí tuệ đến việc thực hành chánh niệm trong từng khoảnh khắc.
- Tinh thần tùy duyên
Tinh thần tùy duyên – Tùy theo cái cơ duyên mà thiết lập với các mối quan hệ với các sự vât, hiện tượng mà không thay đổi bản chất ban đầu của nó. Tùy duyên được hiểu đơn giản là chúng ta không níu kéo những nhân duyên đã đi qua rồi, càng không luyến tiếc những chuyện trong quá khứ mà phải biết nắm bắt những nhân duyên đang có mặt trong giây phút hiện tại, tôn trọng và giữ gìn nó. Nhân duyên chưa tới đừng cưỡng cầu, đừng chờ đợi và đừng hi vọng.
Vậy cái chính ở đây là gì? Là mình phải biết trân trọng từng phút, từng giây, sống sâu sắc, sống trọn vẹn với ý nghĩa cuộc đời. Khi làm điều bất cứ điều gì, hãy tập trung cao độ và dành mọi tâm huyết vào đó để chứng tỏ rằng mình đã thực sự tận tâm và dành hết khả năng để làm. Đức Phật thường khuyên mọi người hãy bỏ quên quá khứ, đừng vọng tưởng về tương lai, mỗi ngày sống đúng với chính mình, đúng lương tâm và biết quán xuyến cảm xúc của bản thân. Nhưng không vì thế chúng ta phó mặc mọi thứ cho duyên, bản thân phải chủ động tìm duyên, không có cố gắng, phấn đấu và nỗ lực thì thành công không bao giờ đến, đồng thời phải biết nắm bắt cơ hội vì mỗi duyên đến đều có mục đích và lý do riêng của nó. Duyên đến duyên đi đừng níu giữ, mọi chuyện tự khắc sẽ an bài.
- Từ bi, vô ngã
Từ bi – Là an vui, cứu khổ, sẵn sàng cho đi, hạnh phúc khi cảm thấy người mình được giúp đỡ thành công, còn đối với người hơn mình không vì thế mà sân si, đố kị. Từ bi như ánh trăng, mặt trời, là tình thương sự sẻ chia không bao giờ có thể dập tắt được. Lòng từ bi như ánh trăng không vì nhà cao mà không chiếu đến, lòng từ bi như mặt trời không vì khoảng cách xa mà do dự. Ánh trăng dịu dàng, ngọt ngào cứu độ chúng sinh vượt qua các đau khổ của cuộc đời. Mặt trời ấm áp che chở lòng người, soi sáng cho tâm hồn thanh tịnh. Đức Phật khuyến khích chúng ta sống vì người khác, sống vì lòng từ bi, hãy mang niềm yêu thương đến cho mọi người.
Vô ngã – Là không có cái bản ngã, cái tôi riêng biệt “chư hành là vô thường, chư pháp là vô ngã”.
Cái gì có sinh thì phải có diệt là vô thường; cái gì vô thường thì là khổ; cái gì khổ mà nó biến đổi theo duyên sinh (không tùy thuộc vào ý muốn của nó) thì là vô ngã. Con người được tạo ra nhờ tinh cha huyết mẹ, không có gì ngoài tập hợp năm uẩn. Các sự vật, hiện tượng chỉ là sự tạo thành của tứ đại: đất, nước, gió và lửa kết hợp với duyên tạo ra. Tùy thuộc vào tâm thức và nghiệp của mình mà đầu thai vào những hoàn cảnh khác nhau. Sống trong cộng đồng, xã hội phải biết bỏ cái tôi xuống để phù hợp với môi trường, hòa hợp với mọi người. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng sống mà không có cái tôi riêng biệt được. Trong một số trường hợp, đôi khi mình phải có chính kiến, có sự phản biện cho bản thân đối với công việc, lý lẽ, nêu ý kiến.
- Tinh thần hiếu đạo
“Thiên kinh vạn điển, hiếu nghĩa vi tiên” dù chúng ta có tu đạo nào, dù có học hay không học, học ít hay học nhiều thì vẫn lấy chữ hiếu làm gốc, làm nam châm sống trong đời. Là con người thì phải trọn đạo hiếu, Đức Phật hiểu được các nỗi khổ, sự hi sinh vô bờ bến của cha mẹ, đã đề cao hiếu đạo lên hàng đầu. Đã đầu thai sinh kiếp con người, ai cũng có nước mắt, có sự hạnh phúc, có máu đỏ, có cha có mẹ:
Đi khắp thế gian
Không ai tốt bằng mẹ
Gánh nặng cuộc đời
Không ai khổ bằng cha
Hiếu là tập hợp của tất cả các công đức, hiếu là đầu của tất cả các hạnh. Người xưa thường có câu: “tiên tu hiếu đạo”, muốn tu, muốn làm thần làm thánh gì đó thì trước hết phải có hiếu có đạo. Để nói lên hết được sự vất vả, sự yêu thương vô bờ bến của cha mẹ không có bút mực nào viết cho đủ. Thay vì ngồi đó chúng ta luôn miệng ca tụng công ơn của đấng sinh thành thì hãy hành động, báo hiếu ba mẹ bằng những việc nhỏ nhặt nhất. Đức Phật cho rằng: Bồ Tát không ở xa xôi vạn dặm mà đang hiện diện trong chính nơi ta ở, đó chính là cha là mẹ, là Bồ Tát sống trong nhà. Thờ kính cha mẹ chính là thờ kính Phật.
- Nhân quả – Nghiệp báo
Nhân quả – Là nguyên nhân và kết quả của một quá trình, có mối quan hệ mật thiết tác động lẫn nhau, xuất phát từ đâu sẽ có kết quả tương xứng từ đó. Mệnh do mình tạo ra, tướng do tâm sinh ra, thế gian vạn vật đều tương hòa với nhau. Tâm bất động thì vạn vật bất động; tâm bất biến thì vạn vật cũng không thay đổi. Như vậy có tâm thế nào thì tướng như thế và sẽ kết duyên như vậy. Làm thiện nhiều, thì kiếp này sẽ có một cuộc sống ấm no, đầy đủ. Còn nếu tạo ra quá nghiệp chướng, điều ác, kiếp này mình phải trả giá cho những gì mình đã làm, ông bà ta có câu: “Gieo nhân nào gặp quả ấy”. Suy nghĩ tạo ra hành động, hành động tạo ra thói quen, thói quen tạo ra tính cách, tính cách tạo ra cuộc đời, cuộc đời tạo ra số phận.
Nghiệp báo – Là những hành động có chủ ý, sẽ đưa đến những quả báo tương xứng trong hiện tại và mai sau. Nghiệp quả báo ứng được tạo ra từ thân, miệng, ý của chính mình bởi vì nghiệp nhân chúng ta đã gây thì nghiệp quả phải đến chỉ sớm hay muộn mà thôi. Khi quả báo chưa thuần thục, người dốt cứ nghĩ là đường là mật, khi quả báo đã thuần thục rồi thì có chạy vào núi cao cũng không tránh được. Con người ta chưa gặp đau khổ, sẽ chưa biết giá của hạnh phúc. Chúng ta có thể không biết được nghiệp báo ở quá khứ, nhưng nghiệp ở hiện tại và tương lai là do mỗi người tạo nên. Là một người Phật tử chân chính, chúng ta phải thận trọng trong từng ý nghĩ, lời nói, hành động do mình tạo ra trong từng phút, từng giây,… Mỗi người phải thường xuyên tự xem xét, quán chiếu, soi sáng lại chính mình để không vấp phải lỗi lầm đáng tiếc.
Nguyên Nam
Phản hồi