Bốn kỳ Vesak Phật giáo Liên Hợp Quốc tại Việt Nam – Phật giáo hòa hợp vì nhân loại

PGĐS – Trong hành trình gắn kết Phật giáo Việt Nam với cộng đồng Phật giáo quốc tế, Việt Nam đã vinh dự bốn lần đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc – Vesak. Mỗi kỳ Vesak là một dấu ấn tâm linh và văn hóa sâu sắc, khẳng định vai trò ngày càng nổi bật của Việt Nam trong việc lan tỏa thông điệp từ bi, hòa bình và phát triển bền vững đến với toàn nhân loại.

Đại lễ Vesak LHQ 2008

Năm 2008, Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức, thời gian từ ngày 14 – 17 tháng 5 tại Hà Nội.

Chủ đề: “Đóng góp của Phật giáo trong việc xây dựng xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”.

Số lượng tham dự: 87 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tóm tắt: Năm 2008 đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Đại lễ Vesak LHQ, thu hút sự tham gia của đông đảo đại biểu quốc tế. Sự kiện tập trung vào việc vận dụng triết lý Phật giáo để xây dựng xã hội dân chủ và công bằng. Đây là cột mốc quan trọng khẳng định vai trò của Việt Nam trong cộng đồng Phật giáo toàn cầu và thể hiện cam kết của quốc gia này trong việc góp phần giải quyết các vấn đề xã hội.

Đại lễ Vesak LHQ 2014

Năm 2014, thời gian từ ngày 7 – 11 tháng 5 tại chùa Bái Đính, Ninh Bình.

Chủ đề: “Quan điểm Phật giáo hướng tới đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc”.

Số lượng tham dự: 95 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tóm tắt: Việt Nam lần thứ hai đăng cai tổ chức Đại lễ và Hội thảo Vesak quan trọng này, liên kết các giáo pháp Phật giáo với các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc. Các đại biểu đã thảo luận về cách các nguyên tắc Phật giáo có thể đóng góp vào việc xoá đói giảm nghèo, đạt được giáo dục phổ cập và thúc đẩy bình đẳng giới.

Đại lễ Vesak LHQ 2019

Năm 2019, thời gian từ ngày 12 – 15 tháng 5 tại Hà Nam.

Chủ đề: “Cách tiếp cận Phật giáo đối với lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm chung cho các xã hội bền vững”.

Số lượng tham dự: 112 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tóm tắt: Việt Nam một lần nữa đăng cai tổ chức Đại lễ và Hội thảo Vesak, quy tụ các nhà lãnh đạo từ khắp nơi trên thế giới để thảo luận về cách các giáo pháp Phật giáo có thể hướng dẫn lãnh đạo toàn cầu trong việc xây dựng các xã hội bền vững, hoà nhập và hoà bình.

Đại lễ Vesak LHQ 2025

Năm 2025, thời gian từ ngày 6 – 8 tháng 5, tại TP. Hồ Chí Minh và Tây Ninh.

Chủ đề: “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hoà bình thế giới và phát triển bền vững”.

Số lượng tham dự: hơn 80 quốc gia và 5 vùng lãnh thổ.

Tóm tắt: Đại lễ và Hội thảo Vesak năm 2025 trùng với kỷ niệm 50 năm Thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) và 80 năm thành lập nước CHXHCN Việt Nam. Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 80 quốc gia, trong đó có nhiều nguyên thủ quốc gia và đoàn đại biểu cấp cao. Vesak 2025 không chỉ là cột mốc quan trọng về mặt lịch sử, mà còn chứng minh mạnh mẽ rằng các giải pháp Phật giáo có tính thích ứng cao đối với những thách thức toàn cầu. Thông qua các giá trị cốt lõi như lòng từ bi, chánh niệm và đạo đức lãnh đạo, Phật giáo tiếp tục thể hiện khả năng cung cấp những con đường hiệu quả và bền vững cho các vấn đề hiện đại – từ phát triển bền vững đến xây dựng hòa bình.

Bốn kỳ Đại lễ Vesak được tổ chức tại Việt Nam không chỉ là những sự kiện tôn giáo trọng đại, mà còn là minh chứng sống động cho vai trò chủ động, tích cực và ngày càng sâu rộng của Phật giáo Việt Nam trên trường quốc tế. Từ Hà Nội đến Ninh Bình, từ Hà Nam đến TP. Hồ Chí Minh và Tây Ninh, ánh sáng của trí tuệ và từ bi không ngừng lan tỏa, hòa quyện với hồn thiêng sông núi và tinh thần đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam.

Mỗi kỳ Vesak Phật giáo Liên Hợp Quốc là một mốc son gắn liền với dòng chảy lịch sử của đất nước, đồng thời góp phần làm sâu sắc thêm mối liên kết giữa Phật giáo và những giá trị phổ quát của nhân loại như hoà bình, công bằng, phát triển bền vững và lòng bao dung. Đặc biệt, Vesak 2025 với nghi lễ cung thỉnh Xá Lợi Đức Phật từ Ấn Độ về Chùa Thanh Tâm (Phật Cô Đơn) và Xá Lợi Trái Tim Bồ-tát Thích Quảng Đức tôn trí tại Việt Nam Quốc Tự, đã làm sáng rỡ lên biểu tượng của tinh thần vị tha, dấn thân và hiến tặng vì lý tưởng cao đẹp – một tinh thần xuyên suốt trong dòng chảy lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Trong một thế giới đang đối diện với nhiều biến động và thử thách, Vesak tại Việt Nam đã và đang – gửi đi thông điệp mạnh mẽ về sự hòa hợp, hiểu biết liên tôn, liên văn hoá, và tinh thần đối thoại vì một tương lai chung. Đó không chỉ là niềm tự hào của Phật giáo Việt Nam, mà còn là đóng góp thiết thực và bền vững cho nền hòa bình thế giới.

Tin: BBT/ Ảnh: TH     

 

Bài viết liên quan

Phản hồi