Bốn hạng đệ tử

PGĐS – Đệ tử có bốn hạng như đất:

– Loại đất xấu, hoang hóa như sa mạc, không thể cải tạo được. Đó hạng người không có tín căn. Dù bậc thầy có lòng bi mẫn giáo dưỡng đến đâu, cũng không thể trưởng thành. Nơi tâm của họ không thể gieo trồng bất cứ thiện căn nào.

– Loại đất cằn cỗi, có thể cải tạo được. Là hạng người tuy đã gây ra nhiều lầm lỗi nhưng nhờ sự kiên nhẫn của bậc thầy, sẽ giúp họ phục thiện. Sau khi dọn hết cỏ rác trong khu vườn tâm, những hạt giống lành sẽ tăng trưởng và đơm hoa kết trái.

– Loại đất trồng bị thoái hóa, tuy trước đó tốt, nhưng do sự tác động của điều kiện tự nhiên và con người, đã bị thay đổi những đặc tính và tính chất vốn có ban đầu theo chiều hướng xấu. Như hạng người có phẩm chất tốt, không gần gũi minh sư, thân cận ác tri thức nên tăng trưởng tà tri, tà kiến, tà hạnh, dần dần trở nên biến chất.

– Loại đất tốt, màu mỡ, giàu dưỡng chất, có ích cho cây trồng phát triển, phục vụ lợi ích cho cộng đồng. Như hạng người vốn dĩ có túc duyên sâu dày với Phật pháp, gần gũi minh sư, nhờ vậy thiện căn luôn được tăng trưởng, trở thành người hữu ích phụng sự cho tha nhân và bậc lương đống trong Phật giáo.

Lòng từ bi của bậc thầy là bình đẳng. Sự giáo hóa cũng vậy. Tuy nhiên, do căn cơ, chủng tánh của hậu lai có nhanh chậm sai khác, nên cách giáo dưỡng của bậc thầy cũng tùy duyên. Điều ấy, cũng ví như cơn mưa rào, tuỳ theo loại cây mà hấp thụ lượng nước khác nhau. Do đó, sự học đạo có tương ưng hay không cũng tùy thuộc vào lòng thiết tha của người đệ tử, chứ không phải lỗi của bậc thầy. Đó thí dụ bốn loại đất cho căn cơ của người đệ tử vậy.

Thích Như Dũng

Bài viết liên quan

Phản hồi