Biết thỏa mãn ước mơ
Đức Phật thường nói “một trong những nỗi khổ đau lớn nhất của con người là ‘cầu bất đắc’”. Dù là ước mơ thanh tao, trang nhã và lương thiện, nhưng đôi lúc không thành tựu, sự thất bại của ước mơ sẽ làm cho con người chán nản. Nếu sự thất bại cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, bấy giờ con người có phản ứng trốn chạy. Cho nên, thỏa mãn ước mơ có thể đem lại hạnh phúc, mặc dù ước mơ đó thấp hay phương tiện, nó cũng biểu hiện bên ngoài, giống như chặng đường thứ nhất, thứ hai cần vượt qua. Thực tế vốn phức tạp và nhiều mâu thuẫn, có những ước mơ khi đạt được lại không làm cho con người hạnh phúc, mà ngược lại khổ đau sẽ dồn dập nhiều hơn.
Hạnh phúc theo đuổi ước mơ phần lớn mang những chất liệu của mâu thuẫn, va chạm, xung đột và dẫn đến đổ vỡ trong cuộc đời. Quan niệm của nhà Phật khác với quan niệm của thế nhân ở chỗ một ước mơ đẹp được hoàn thiện chưa chắc mang lại hạnh phúc, nếu nội dung của ước mơ đó đi ngược đạo lý nhân quả mà đức Phật đã đưa ra. Dĩ nhiên, đạo lý nhân quả mà đức Phật đưa ra với chiều thức rất khách quan, ai cũng có thể chấp nhận được trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống và mọi thời đại. Nó không bị ảnh hưởng bởi không gian vật lý và chiều kích của thời gian tâm lý.
Bản chất hạnh phúc không lệ thuộc vào ước mơ, nó lệ thuộc vào bản chất của ước mơ hay nội dung của ước mơ. Nếu nội dung của ước mơ đẹp cho bản thân và cho người khác, đẹp ở hiện tại và đẹp ở tương lai, thì nó được đạo Phật quan niệm là hành động thiện. Như vậy, theo đuổi ước mơ, hoàn thiện ước mơ, biến ước mơ thành hiện thực chính là hạnh phúc. Ngược lại nó sẽ trở thành khối của phiền não.
Thích Nhật Từ
Phản hồi