Bao dung là tiền đề để hiểu nhau
Khi giao tiếp với người khác, bạn cần hạ thấp mình trước đối phương, hãy dành cho đối phương sự tôn trọng, trước hết bạn phải chấp nhận và dung nạp đối phương sau đó đối phương mới chấp nhận và giao tiếp với bạn.
Thông thường ai cũng cho rằng, giao tiếp là phải để đối phương chấp nhận mình mà quên việc mình phải thông cảm, tìm hiểu yêu cầu thực sự của người khác với mình. Ví dụ có người muốn tìm hiểu, giao tiếp với người khác nói: “Tôi đã đặt mình vào vị trí bạn để nghĩ cho bạn vì thế nhất định bạn phải chấp nhận yêu cầu của tôi”, rồi người đó hỏi “bạn có thấy khó chấp nhận không?” Nếu đối phương cảm thấy khó chấp nhận, người đó hỏi tiếp “đơn giản thôi, chỉ cần bạn nghe theo lời đề nghị của tôi, tất cả khó khăn đều sẽ giải quyết suôn sẻ”.
Có thể xem đây là mẫu giao tiếp đến từ một phía, hoàn toàn không phải là hiểu nhau. Giao tiếp thực sự đòi hỏi bạn phải tìm hiểu đối phương có khó khản gì, cần giúp đỡ không, sau đó bạn cố gắng giúp trong khả năng có thể, không nên chỉ biết một mực yêu cầu người khác chấp nhận cách làm của mình.
Trong thời gian du học ở Nhật, tôi phát hiện ra rằng đến bất cứ một cửa hiệu nào, nhân viên phục vụ đều hỏi câu “Xin hỏi, quý khách có cần giúp đỡ gì không ạ?”. Trong giao tiếp, chúng ta nên lấy việc hiểu biết nhau làm chuẩn mực. Khi giúp đỡ người khác, không nên làm theo cách mình định sẵn trước rồi áp đặt, bắt buộc đối phương phải nghe theo. Ví dụ, khi ta mở tiệc mời khách thường không hỏi đến khẩu vị khách mời mà cứ có khách ngồi vào bàn là liên tục gắp thức ăn cho họ khiến khách ăn không được, bỏ không xong, rất lúng túng khó chịu ở các nước phương Tây không như thế. Có lần có khách đến nhà tôi chơi, tôi gắp thức ăn cho họ, họ vô cùng vui mừng nói: “Thầy biết tôi thích ăn món này hả?”. Từ đó, trước khi gắp thức ăn cho ai, tôi đều hỏi khẩu vị người đó trước.
Từ đó, chúng ta có thể đúc kết thành nguyên tắc trong giao tiếp: trước hết hãy để đối phương nêu cách nghĩ và nhu cầu của họ, sau đó cho họ biết mình có thể giúp được gì cho những nhu cầu của họ không, như thế mới là một giao tiếp thành công.
Giao tiếp là quá trình giao lưu, tìm hiểu lẫn nhau từ cả hai phía, nếu chỉ đến từ một phía nhất định đấy không phải là giao tiếp thành công đích thực. Trong Phật pháp có nêu biện pháp tiếp cận mọi người gọi là “tứ nhiếp pháp”1 gồm: Đồng sự, bố thí, lợi hành và ái ngữ. Đây là bốn phương pháp rất quan trọng trong việc tiếp cận cảm hóa mọi người.
Một người xuất gia muốn gần gũi, cảm hóa chúng sinh tuyệt đối không được ép người khác phải học và làm theo Phật pháp mà trước tiên hãy để họ thực sự hiểu và chấp nhận trước. Muốn hóa độ chúng sinh, điều trước tiên bạn phải chấp nhận chúng sinh.
Theo Phật giáo, đệ tử Phật hoặc những người thực hành hạnh Bồ-tát không thể lìa xa chúng sinh để tu tập được. Vì lời nguyện đầu tiên của một người thực hành hạnh Bồ-tát là “chúng sinh vô biên thệ nguyện độ” (chúng sinh vô lượng thề cứu hết). Lìa xa chúng sinh để cầu độ sinh là điều không tưởng; nhất định bạn phải phụng sự chúng sinh, mở rộng lòng mình để chấp nhận tất cả lỗi lầm của chúng sinh, giúp họ giải quyết vấn đề trước, sau đó mới mong họ mở rộng lòng mình chấp nhận tu học theo Phật pháp.
Thật là sai lầm khi nói với mọi người “Phật pháp nhiệm mầu, mọi người phải tin theo, phải làm theo”, làm thế nghĩa là bạn đang chứng tỏ quyền uy chứ không phải cảm hóa người khác. Nên lấy Phật pháp để cảm hóa, để gõ cửa lương tâm, thức tỉnh tình thương trong con người chứ không nên dùng Phật pháp như công cụ dạy dỗ người khác.
Bồ-tát luôn là người đến với chúng sinh bằng thân phận bình thường, hòa mình vào cuộc sống bình thường, thậm chí còn hạ mình thấp để chúng sinh được cao hơn cả chính mình, cho họ một cảm giác được tôn trọng mới mong họ có thiện cảm với Phật pháp. Cũng thế, khi giao tiếp với người khác, bạn cần hạ thấp mình trước đối phương, hãy dành cho đối phương sự tôn trọng, trước hết bạn phải chấp nhận và dung nạp đối phương sau đó đối phương mới chấp nhận và giao tiếp với bạn.
Phản hồi