Bản Du ca mùa hạ

PGĐS – Tôi ngồi sát vào Hạ, thấy mùa của mình đang đi, chỉ có tiếng ve trẻ mãi. Cuộc đời kể cũng lạ, có những điều cho dù tốt đẹp thế nào đi nữa, khi thời gian trôi sẽ trở thành hoài niệm, chỉ còn nhớ, còn thương. Thế nhưng có một thứ còn mãi với thời gian, cứ ngân vang khúc ca của mình, của khắc khoải và của cả nỗi nhớ mong, đó chính là tiếng ve, BẢN DU CA MÙA HẠ.

    Có một thứ còn mãi với thời gian, cứ ngân vang khúc ca của mình, của khắc khoải và của cả nỗi nhớ mong, đó chính là tiếng ve, BẢN DU CA MÙA HẠ (Ảnh: Internet)

Tôi thương ve sầu, thương như chính tuổi thơ của mình vậy. Tôi nghĩ rằng trong mỗi chúng ta, ai cũng có một tuổi thơ để tìm về, để hoài niệm luyến nhớ. Nơi đó có lẽ là chốn an yên nhất của tâm hồn trong thế giới hối hả, xô bồ, ồn ào, tấp nập. Tìm về tuổi thơ, với tôi là tìm về với những kỷ niệm rất đỗi yêu thương, rất đỗi chân chất đậm đà tình quê, tình người. Còn nhớ ngày ấy, trước nhà tôi là những cây cổ thụ hiền lành xanh mát mùa hè, nơi lưu trú của loài ve, và cũng là thế giới hồn nhiên tràn ngập tiếng cười của tụi trẻ. Biết bao lần lũ trẻ quây quần tụ hội vui chơi ở dưới tán cây, những trò chơi nhảy lò cò, ô ăn quan, đánh chuyền đánh chắt. Hòa vang cùng chúng tôi là tiếng ve râm ran như giục giã, cổ vũ, thêm gắng, thêm mau, bởi sau cùng thắng thua chia đều cho tất cả. Tiếng cười tụi trẻ chúng tôi sao giòn tan ngây ngô, vô lo vô nghĩ, cứ thế hòa vào không, kết thành mảng âm thanh đơn sắc, trong veo mà diệu vợi.

Bất ngờ trời đổ mưa, nặng hạt dần. Lũ chúng tôi ai nấy đều chạy thật nhanh về, bỏ rơi tiếng ve ở lại. Ngồi dưới hiên nhà, bất giác nhìn ra những cây cổ thụ, bỗng dưng tôi rất thương chúng. Lặng nhìn giọt mưa mùa hè khẽ chạm vào chiếc lá xanh, tiếng ve bỗng nhiên im bặt. Đâu rồi những chú ve ca?! Cơn mưa giăng ngang trời trắng xóa, lòng tôi thấp thỏm, chợt buồn. Mấy tiếng sau, mưa bắt đầu ngưng, vài hạt lay lắt, không gian chỉ còn bụi nước. Lấy tay che đầu, tôi chạy vội ra ngoài ngó tìm tiếng ve khi nãy, lòng rất nhớ chúng. Một lúc sau, những chú ve mới từ tốn khe khẽ bằng giọng kim của mình rồi đồng loạt cất lên. Tiếng ve rộn rã hoà ca làm bừng tỉnh cả khoảng trời, niềm vui đơn sơ oà vỡ trong sự phấn khởi nơi tâm hồn tôi.

Tôi thương ve sầu, thương như chính tuổi thơ của mình vậy (Ảnh: Internet)

Ngày đó, nắng gánh Hạ ngang qua khoe dàn hợp ca tiếng ve vang vọng cả vùng. Bố chở tôi đi trên con đường nhiều cây cổ thụ rồi tìm chỗ mát dưới tán cây. Những giọt nắng như mừng vui nhảy múa, khắc hoạ hình lên khắp khuôn mặt, lên cả người của hai cha con. Không gian tràn đầy hoa nắng và tiếng ve. Bố ôn tồn nói: “Nào… hai bố con mình cùng ngồi xuống đây, nhắm mắt thưởng thức dàn hợp xướng mùa hè con nhé!”. Tôi khẽ ngước lên vòm cây, dõi mắt tìm những chú ve đang ra rả đồng thanh hát. Bố cất tiếng hỏi: “Con biết ve sầu kêu từ đâu không?” Tôi đáp nhanh: “Bằng miệng ạ!” “Không phải”, bố trả lời. “Có phải từ đôi cánh không ạ?”, tôi hỏi tiếp. Bố nhìn tôi rồi nói: “Con ve cất tiếng kêu từ thắt lưng của nó, ở cạnh bụng của nó có một cái màng giống như màng trống, chính cái màng này đã phát ra tiếng kêu râm ran thú vị suốt mùa hè đấy con à!” Lớn hơn một chút, bố giảng giải thêm cho tôi biết, chỉ có ve sầu đực mới kêu được, ve sầu cái thì không. Bố nói tiếp: “Ve không phải ca hát vì loài người, mà hát lời tình yêu của chính mình, và chỉ có ve đực mới có khả năng phát ra tiếng kêu ấy, còn ve cái chỉ muốn lắng nghe. Những con ve đực hát đến gầy mòn chỉ để quyến rũ mời gọi bạn tình, tìm tri âm tri kỷ. Và bố con mình cũng không biết, chúng hát suốt mùa hè như thế, liệu có tìm được tình yêu nào cho riêng mình không?”

Lần em trai tôi ngồi ôn thi học kỳ 2, nhiều bài vở nên em trai cau mày phàn nàn về tiếng ve inh tai không tập trung học được. Bố nghe xong, bước đến ngồi giữa hai anh em tôi nói: “Những con ve ấy không làm phiền mình, mà chính mình đang làm phiền nó trong suy nghĩ. Việc của ve sống trên đời này là kêu là hát, bất kể ngày đêm sáng tối, dù có mình hay không có mình, thì ve cũng chỉ biết tập trung làm nhiệm vụ của nó. Trời hay Đất cũng không cản được, mình càng không. Còn con đang học bài, thì nên tập trung vào việc của mình, đừng vì những điều xung quanh mà phân tâm. Các con sau này lớn lên, phải tập trung vào công việc của mình, giữ vững lòng tin, đừng để ý đến những lời xung quanh, hãy xem đó như tiếng ve kêu hôm nay.” Hôm bố đón hai anh em tan trường, dẫn chúng tôi đến gốc phượng sân trường, chỉ cho xem vỏ con ve lột xác còn bỏ lại trên thân cây. Bố ôn tồn nói: “Các con hãy nhìn những con ve lột xác sẽ càng hiểu. Cuộc đời bể dâu, nếu sau này gặp khó khăn, đối diện thất bại, các con hãy cố gắng vượt qua chính mình, bỏ lại những non nớt, vụng dại, ủ dột, yếu kém sau lưng. Sống phải biết vươn lên, hướng đến điều tốt đẹp ở phía trước, như những con ve lột xác.”

Sống phải biết vươn lên, hướng đến điều tốt đẹp ở phía trước, như những con ve lột xác (Ảnh: Internet)

Ve cứ thế, ru nắng tuổi thơ tôi mỗi mùa, gió vòng quanh thầm thì lời yêu thương. Có những khi réo rắt ve kêu, đó là lúc ve bắt đền mùa hạ, đang giữa trưa làm mình khản tiếng, nắng vội chạy khoe phượng đỏ sân trường, ra rả ve than sắp tới lúc chia ly. Mùa nghiêng ngả nhớ điều đẹp đẽ, đâu đó ngơ ngác ve sầu như đang gọi “Hạ ơi”! Thời gian miên man cuốn kỷ niệm vào ký ức, mùa thầm hiểu tôi lớn lên cùng tiếng ve…Thời thơ bé, bắt được chú ve sầu, cứ ngỡ mình có cả mùa hạ trong tay. Ôi chao, với tôi lúc ấy, thật hạnh phúc làm sao!

Để cất lên điệp khúc ru hè, những chú ve đã phải trải qua quá trình, cả một thời gian khá dài. Từ lúc còn là trứng, chuyển thành ấu trùng ẩn náu đào sâu. Ve nhẫn nại hình thành đời mình trong đất, thay hình đổi dạng nhiều lần, im lặng bốn năm mới thoát khỏi mặt đất, thoát khỏi bóng tối để ca hát dưới ánh mặt trời. Ve sầu hút nhựa cây, ăn sương uống nắng, ca hát rất tự do, nhưng chỉ được 60 ngày thì lịm tắt. Tôi tự an ủi, phải chăng đời ve có lẽ như thế sẽ hạnh phúc hơn, chưa kịp buồn thì đã chết. Tôi ngậm ngùi nhìn xác ve câm lặng trong lòng bàn tay, nó không hát được nữa… nó thoát xác rồi… Đời ve thánh thiện, nhưng sao thật ngắn ngủi!

Kể từ đó, tôi thấy mình yêu thương loài ve nhiều hơn. Tôi nghĩ, có lẽ những loài côn trùng vô hại đều mang trong mình một sứ mệnh nào đó để tận dâng cống hiến cho đời. Và loài ve sầu tôi yêu thương cũng là như vậy. Mùa hè năm nào, tôi cũng đi nhặt xác ve bỏ vào trong một chiếc hộp, sợ ai đó giẫm đạp lên sẽ rất tội nghiệp cho một đời ve, kiếp ve. Nhìn chiếc hộp đựng xác ve, tôi thầm cảm ơn chúng. Những xác ve màu nâu bóng vàng chỉ cần động nhẹ là vỡ tan. Tôi bỏ xác ve vào chiếc hộp mang về nhà ngắm nhìn, lòng thầm biết ơn. Dù chỉ còn xác ve trống rỗng, nhưng với tôi, đó là tình yêu thương đặc biệt dành cho ve sầu. Thiết nghĩ, trên đời này, tình yêu thương vốn rất mỏng manh, bởi tình yêu luôn cần được giữ gìn nâng niu, trân trọng. Dù cho những cái xác ve ấy từ từ vụn vỡ theo thời gian, nhưng tôi vẫn cố gắng giữ lại. Bởi nhìn thấy chúng, giống như tôi nhìn lại được tuổi thơ của chính mình.

Dù cho những cái xác ve ấy từ từ vụn vỡ theo thời gian, nhưng tôi vẫn cố gắng giữ lại. Bởi nhìn thấy giống như tôi nhìn lại được tuổi thơ của mình (Ảnh: Internet)

                      Dù cho những cái xác ve ấy từ từ vụn vỡ theo thời gian, nhưng tôi vẫn cố gắng giữ lại.                                Bởi nhìn thấy giống như tôi nhìn lại được tuổi thơ của mình (Ảnh: Internet)

Ngày gió vỡ, mùa đã lên cao, hạ thảng thốt giật mình, ve đang nghẹn ngào nửa chừng bỗng lịm tắt… Những mùa hạ cùng tiếng ve đang đi qua tuổi thơ tôi. Dù có lúc những chú ve không còn ca hát nữa, trong lòng tôi, dẫu hạ có miễn cưỡng rời đi, thì tiếng ve vẫn còn râm ran mãi… Đi qua âm hưởng tiếng ve mỗi mùa, là đi qua những năm tháng để khôn lớn, trưởng thành, thương nhớ và trân quý những kỷ niệm ngọt ngào thời áo trắng. Dẫu có lúc buồn phiền, suy tư nặng trĩu những lo âu trong cuộc sống, trở ngại trong công việc, tôi lại muốn được tựa lòng mình vào tiếng ve để cảm nhận được sự thư thái, nhẹ nhàng trong tâm hồn, bởi cuộc sống này luôn tươi đẹp, tôi rất nhớ lời cha căn dặn ngày nào, khi giờ đây đã vắng mãi đi tiếng cười của cha…

Mỗi mùa Hạ đi qua, thêm mùa tuổi thơ xa mãi. Có ai nhặt dùm ta tuổi ấu thơ vàng xin trả lại. Trả cho ta ngọt bùi thêm ngày vui nếm trải. Trả cho ta phượng thắm mơ mộng với đầy vơi. Trả cho ta trường xưa bạn cũ, cùng tiếng ve râm ran suốt ngày hè.

Tác giả Lê Minh với “Bản du ca mùa hạ”

Tôi lớn lên cùng tiếng ve, lớn lên cùng BẢN DU CA MÙA HẠ. Tôi đã đi qua bao mùa hạ hơn nửa đời người, bao mùa ve sầu gọi thương gọi nhớ. Mỗi khi hạ về, tôi thấy mình như được nhỏ lại giống cậu bé con ngày nào ngọt ngào trưa hè êm ả, được hong khô tâm hồn, hạnh phúc bên mẹ cha, nơi khơi nguồn yêu thương…

Tôi ngồi sát vào Hạ, thấy mùa của mình đang đi, chỉ có tiếng ve trẻ mãi…

LÊ MINH (Leipzig, CHLB Đức)

Bài viết liên quan

Phản hồi