Ảnh hưởng của Phật giáo trong quan điểm của nữ sử Đạm Phương về bổn phận người con đối với cha mẹ

ẢNH HƯỞNG CỦA PHẬT GIÁO TRONG QUAN ĐIỂM CỦA NỮ SỬ

ĐẠM  PHƯƠNG VỂ BỔN PHẬN NGƯỜI CON ĐỐI VỚI CHA MẸ

Trích từ Tạp chí Văn hoá Phật giáo, Số 390, ngày 01/6/2022.

Hình ảnh minh họa

1. Tóm tắt Tiểu sử nữ sử Đạm Phương[1]

Nữ sử Đạm Phương (1881-1947), thứ nữ của Hoằng Hóa Quận vương – con trai thứ 66 của vua Minh Mạng, đồng thời là mẹ của nhà văn Nguyễn Hải Triều và bà nội của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Nữ sử là người phụ nữ tài hoa, viết văn, làm báo, nhà giáo dục, nhà hoạt động tiên phong trong các công tác xã hội. Bà đã có rất nhiều đóng góp trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục. Với nữ sử, tâm tính là điều kiện tiên quyết, là nền tảng, học thức là cái bổ trợ vào đó, làm cho sự giáo dục được trở nên hoàn thiện hơn. Với truyền thống gia đình của chồng theo Phật giáo đã ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng của nữ sử trong giáo dục gia đình.

2. Về bổn phận của bậc làm cha mẹ

Về trách nhiệm, bổn phận của bậc làm cha mẹ, ở điều thứ 05 nữ sử viết: Biết cách nuôi con: Sinh con là nhờ lẽ tự nhiên của tạo hóa không tự sức mình ưng muốn là đặng, duy cái công nuôi dạy mới thực sự mình ưng muốn làm sao thì đặng làm vậy; cách nuôi trẻ con, giữ gìn lúc ăn uống, khi đau đớn, khôn lớn khuyên bảo học hành, luyện tập tính tình, gây dựng nên nòi giống tốt, thay đổi một phần trọng yếu cho đàn ông.

Đối với điều này, kinh Thiện Sanh dạy, cha mẹ phải lấy 05 điều để chăm sóc con cái:

– Ngăn chặn con đường để làm việc ác

– Chỉ bày những điều ngay lành

– Thương yêu đến tận xương tủy

– Chọn nơi hôn phối tốt đẹp

– Tùy nơi cung cấp để cần dùng[2]

3. Bổn phận của người con đối với cha mẹ

Nữ sử đã vận dụng cả quan điểm của phương Tây lẫn phương Đông để nói: Con cái phải hiếu thảo với cha mẹ. Cách ngôn phương Tây: “Người ta mà không hiếu thảo với cha mẹ dầu hết lòng với người khác cũng vô ích”. Người con cũng phải có 05 điều đối với cha mẹ:

– Cung phụng không để thiếu thốn.

– Muốn làm gì thưa cha mẹ biết.

– Không trái điều cha mẹ làm.

– Không trái điều cha mẹ dạy.

– Không cản chánh nghiệp mà cha mẹ làm[3]

Cây có cội, nước có nguồn, con người sinh ra nhờ có cha mẹ, nâng niu, uốn nắn mới được lưng dài vai rộng, vì vậy phải hiếu thảo với cha mẹ. Người dâu phải coi mẹ chồng như mẹ mình, phải chăm sóc cho cha mẹ, khi tuổi già sức yếu.

4. Kết luận

Hơn 70 năm trôi qua kể từ ngày nữ sử lìa khỏi nhân gian, chừng ấy thời gian có thể khiến con người quên đi nhiều thứ, nhưng những đóng góp của nữ sử đối với quê hương đất nước, đối với sự nghiệp giáo dục con người vẫn còn được lưu giữ. Một nhà giáo dục phụ nữ, nhà văn hóa, giáo dục nhi đồng, giáo dục gia đình và hơn hết là một Phật tử chơn chánh của Phật giáo. Chính nhờ việc thấm nhuần tư tưởng của Phật giáo đã giúp Bà có những phương thức giáo dục gia đình một cách minh triết, sáng suốt. Mỗi gia đình là một tế bào nhỏ xây dựng nên một xã hội lớn, gia đình tốt đẹp sẽ kiến tạo nên những mẫu nhân cách chuẩn mực, hoàn thiện nhân cách. Đồng thời, kiến thiết một xã hội thuần lương, đạo đức và phát triển bền vững.

Nguồn: Trích bài viết “Ảnh hưởng của Phật giáo trong quan điểm về cách giáo dục gia đình của nữ sữ Đạm Phương” – SC. Thích Nữ Hiền Nguyện[4], trong Tạp chí Văn hoá Phật giáo, Số 390, ngày 01/6/2022. Tr.52 – 57.

Bài viết liên quan

Phản hồi