Ăn mặn hại xương
Lâu nay, chúng ta vẫn thường biết rằng ăn mặn sẽ gây ra bệnh tăng huyết áp, biến cố tim mạch và hại cho thận. Nhưng thực tế ít người biết rằng, ăn mặn cũng gây hại cho sức khỏe bộ xương. Vì sao lại như vậy?
Ăn mặn là thói quen không tốt
Ăn nhiều muối là một yếu tố nguy cơ đối với bệnh loãng xương vì nó tăng bài tiết canxi qua nước tiểu, gây thiếu hụt lượng canxi của cơ thể, trong khi canxi là nguyên liệu chính của bộ xương. Xương cũng là kho dự trữ canxi của toàn bộ cơ thể.
Việc tiêu thụ muối ăn (Nari clorid-NaCl) với một lượng cần thiết để duy trì độ thẩm thấu và thể tích của dịch ngoại bào. Tuy nhiên, thừa hoặc thiếu natri có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chức năng cơ quan khác nhau. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo không nên tiêu thụ quá 2 gram natri mỗi ngày.
Tuy nhiên, hiện nay mức tiêu thụ natri thường gấp 2-3 lần so với lượng khuyến cáo. Thói quen ăn mặn dần dần làm tổn hại đến chức năng của hệ tim mạch và thận do làm tăng độ thẩm thấu huyết tương và giữ nước, do đó dẫn đến bệnh lý tăng huyết áp và các biến chứng tim mạch. Tăng huyết áp do ăn nhiều muối hiện nay nổi lên như một nhân tố chính gây ra các bệnh chuyển hóa khác.
Ăn mặn làm tăng huyết áp
Tăng huyết áp cùng với đột quỵ đã được chứng minh là một yếu tố nguy cơ gây loãng xương, té ngã và gãy xương. Các nghiên cứu lâm sàng gần đây cũng cho thấy thuốc ức chế men chuyển khi dùng điều trị tăng huyết áp cũng góp phần làm giảm nguy cơ gãy xương hoặc cải thiện chuyển hóa xương. Do đó, việc điều trị tăng huyết áp rất cần thiết trong việc bảo vệ sức khỏe bộ xương và giảm nguy cơ gãy xương.
Những tác động bất lợi của chế độ ăn nhiều muối cũng ảnh hưởng đến cân bằng canxi và khối lượng xương. Khi ăn mặn thường dẫn đến hệ quả uống nhiều nước, điều này đồng nghĩa với việc thận phải làm việc nhiều hơn để thải muối và nước ra ngoài thông qua việc đi tiểu. Sự xáo trộn này đã cản trở khả năng xử lý canxi của thận, dẫn đến tăng bài tiết canxi trong nước tiểu.
Hơn nữa, ăn mặn cũng giảm hấp thu canxi qua đường tiêu hóa, trong khi đây chính là nguồn cung cấp canxi chủ lực hàng ngày của cơ thể. Chế độ ăn nhiều muối, làm tăng số lượng tế bào niêm mạc đường tiêu hóa bị chết, gây hiện tượng viêm và rò rỉ của lớp biểu mô đường tiêu hóa, dẫn đến hiện tượng kém hấp thu dưỡng chất, trong đó có canxi.
Ăn mặn hại xương, ăn nhạt cũng hại xương
Đã có nhiều bằng chứng về tác động có hại của chế độ ăn nhiều muối đối với xương. Tiêu thụ quá nhiều muối khiến cơ thể bị mất canxi, giảm khối lượng xương từ đó làm suy giảm sức mạnh của bộ xương. Canxi bị mất qua cơ chế giảm hấp thu canxi ở ruột và tăng thải canxi ở thận như đã nêu trên. Việc rối loạn xử lý canxi ở ruột và thận sẽ ảnh hưởng đến vi cấu trúc xương chỉ sau 1 tháng cơ thể nạp quá nhiều muối. Như vậy, thói quen ăn mặn sẽ “bào mòn” bộ xương theo thời gian mà chúng ta không hề hay biết.
Có một phần lớn natri cơ thể lắng đọng trong xương. Điều này cho thấy rằng xương cũng đóng vai trò như một kho chứa natri để dùng khi cơ thể bị thiếu hụt. Muối cũng có một vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng magie và canxi. Nếu cơ thể bị giảm natri máu, thì xương sẽ tăng cường phóng thích natri (cũng như magie và canxi) để duy trì nồng độ natri trong máu trở về bình thường.
Thật vậy, chế độ ăn quá ít muối (ăn quá nhạt) cũng không có lợi cho sức khỏe bộ xương. Khi cơ thể bị thiếu muối cũng dẫn đến sự thâm hụt canxi và magie, từ đó có thể dẫn đến loãng xương. Do đó, chế độ ăn quá thiếu muối cũng có thể gây loãng xương bằng cách lấy đi natri, canxi và magie của xương.
Giảm natri máu là rối loạn điện giải phổ biến nhất, và tình trạng này xảy ra thường xuyên ở người cao tuổi, cả trong hay ngoài bệnh viện. Hạ natri máu có thể dẫn đến mất thăng bằng cơ thể, té ngã và chấn thương, đặc biệt là ở những người lớn tuổi. Đối với người cao tuổi, té ngã có thể nguy hiểm, vì chúng có thể dẫn đến gãy xương và thậm chí tử vong. Trên thực tế, hạ natri máu có thể làm tăng nguy cơ gãy xương do té ngã gấp 4 lần.
Từ những phân tích trên đây, việc ăn uống cần duy trì triết lý “trung đạo” mà Đức Phật đã thể nghiệm và chỉ dạy. Điều này lại càng đúng đối với việc sử dụng muối ăn. Chúng ta thường dễ rớt từ thái cực này sang thái cực khác: từ việc ăn quá mặn, cho đến việc quá kiêng muối đều không tốt cho sức khỏe nói chung và bộ xương nói riêng.
Nhiều người thắc mắc rằng: tôi ăn mặn nhưng tôi cũng sẽ ăn nhiều canxi để bù lại lượng canxi bị mất, như thế có giúp bảo vệ bộ xương không? Một khảo sát để đánh giá cân bằng canxi khi so sánh chế độ ăn có lượng canxi thấp và lượng canxi cao kết hợp với chế độ ăn ít muối và nhiều muối. Kết quả cho thấy ăn nhiều muối làm tăng bài tiết canxi qua nước tiểu và dẫn đến sự thâm hụt canxi của xương đáng kể, cho dù người đó có chế độ ăn nhiều canxi.
Nhưng nếu khẩu phần ăn ít canxi, sự cân bằng canxi của xương sẽ luôn bị thiếu hụt dù chế độ ăn nhiều muối hay ít muối. Thực tế cho thấy, khẩu phần ăn của người Việt Nam chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu canxi của cơ thể, nên nếu chúng ta có thói quen ăn mặn thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng không tốt đến bộ xương. Vì vậy, nếu ăn giảm muối là điều tốt, nhưng tốt hơn nữa hãy chú ý bổ sung canxi hàng ngày để duy trì sức khỏe bộ xương.
Người ăn chay thường có khẩu phần ít canxi hơn bình thường, nhất là những người ăn thuần chay không dùng trứng sữa động vật thì càng dễ thiếu canxi hơn. Thêm vào đó, các món chay thường được chế biến với nhiều muối để tăng kích thích vị giác cho thực khách. Điều này càng làm tăng nguy cơ suy yếu bộ xương. Vì vậy, khi bạn ăn chay cần chú ý ăn vừa đủ lượng muối khuyến cáo. Đồng thời, bạn cũng cần bổ sung thêm canxi hàng ngày để giúp tăng cường sức khỏe bộ xương.
Tóm lại, tuy canxi là nguyên tố chính cấu thành bộ xương nhưng muối ăn có liên hệ mật thiết với sức khỏe bộ xương. Thiếu muối hay thừa muối đều là nguy cơ đe doạ sự suy yếu của bộ xương. Thực tế hiện nay, hầu như chúng ta đều ăn thừa muối so với lượng khuyến cáo. Ăn mặn hại thận, hại tim, nhưng bạn cũng cần nhớ rằng ăn mặn còn hại cả bộ xương nữa.
Phản hồi