Ai cũng có nỗi khổ của riêng mình, nhưng có chung một con đường thoát khổ
Ai trong chúng ta cũng sẽ nhiều lần bảo với nhau rằng: Đời là bể khổ! Đức Phật cũng từng nói “ Nước mắt của chúng sinh nhiều hơn nước biển”, đồng thời khẳng định bản chất của cuộc đời này là khổ.
Vì trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc đời này, con người cũng không thể đứng ngoài quy luật của vô thường, ngược dòng cố chấp với những đổi thay. Bởi càng cố chấp càng vùng vẫy càng kiên quyết không chấp nhận những thay đổi, sẽ càng đẩy mình vào bể khổ đến gần với vô minh.
Nếu đã có vạn sự như ý thì hẳn phải chấp nhận vạn sự bất như ý. Khổ đau không đáng sợ bằng việc ta không dám đối mặt và chấp nhận sự khổ để thoát khổ. Bởi lẽ khi nhận biết được khổ ta mới có nhu cầu thoát khổ, mới có chí hướng tu tập đồng thời tìm cho mình con đường hướng đến giác ngộ giải thoát. Đó chính là lí do vì sao Đức Phật nói đến Khổ đế trước khi dạy các pháp môn tu.
Và hẳn là khi rơi vào tận cùng của nỗi đau, nỗi tuyệt vọng, khi đã không tìm thấy một điểm tựa, thậm chí đến niềm tin vào chính mình cũng bị lung lay…đó có lẽ là lúc người ta mới nhớ đến bản thân phải quay về, về với suối nguồn của giáo Pháp, về quỳ bên chân Phật từ bi, để biết thiết tha hơn với những lời thỉnh cầu, đâu đó trong tâm hồn những tổn thương dần hiện rõ ra một lần nữa để người ta mạnh mẽ đón nhận và chấp nhận.
Nỗi khổ không của riêng ai và hạnh phúc cũng như bầu trời này vậy, cũng chẳng là của riêng ai, nỗi khổ thì muôn hình vạn trạng nhưng con đường thoát khổ bằng ánh sáng giác ngộ và ban rải lòng từ bi của Đức Phật vẫn mãi mãi là chân lý. Ngày hôm nay còn khổ, nhưng được sống trong chánh Pháp, hiểu được giáo lý nhà Phật, tinh tấn tu tập thì phước tuy chưa đến nhưng nghiệp đang dần vơi, đồng thời hướng đến thoát khổ, thiết lập một đời sống mới an vui hơn, tích cực hơn!
Nguồn: phatgiao.org.vn
Phản hồi