7 người vợ mang lại hạnh phúc
Thông thường, khi yêu và được yêu, bản ngã, sự ích kỷ của con người sẽ tăng trưởng. Muốn hôn nhân bớt phiền toái, rắc rối chúng ta nên bớt đi sự ích kỷ đòi hỏi lẫn nhau mà nên cùng có chung một mục đích cao cả để hướng về. Ví dụ như nếu hai vợ chồng cùng có chung lòng mến mộ Phật Pháp thì tự nhiên sẽ thấy đầm ấm nhẹ nhàng hơn. Hạnh phúc chỉ đến từ lòng vị tha chứ không đến từ sự ích kỷ.
Để bảo đảm cho đời sống của gia đình phật tử được hạnh phúc bền vững, trong kinh Thi Ca La Việt, Đức Phật đã dạy về bổn phận và trách nhiệm qua lại giữa người chồng và người vợ như sau:
Người chồng phải có 5 bổn phận đối với người vợ:
1. Phải biết tôn trọng vợ
2. Không bất kính hay đối xử tệ bạc với vợ
3. Phải chung thủy, trung thành với vợ
4. Phải tin tưởng giao tài sản tiền bạc cho vợ quản lý
5. Phải sắm đồ nữ trang cho vợ một khi có điều kiện
Đồng thời đức Phật cũng đã dạy người vợ phải làm tròn 5 bổn phận đối với người chồng:
1. Phải luôn làm tròn bổn phận trong nhà
2. Phải vui vẻ tử tế với quyến thuộc bên chồng
3. Phải luôn chung thủy với chồng
4. Giữ gìn cẩn thận đồ trang sức và luôn coi sóc giữ gìn của cải đồ dùng trong nhà
5. Luôn siêng năng, không bao giờ trút tháo công việc cho người khác
Khi Đức Phật còn tại thế, một lần đến dự lễ cúng dường tại nhà của cư sĩ Cấp Cô Độc, Đức Phật thoáng nghe những lời chửi bới ồn ào vọng lên từ sau nhà. Ngài hỏi cư sĩ Cấp Cô Độc và biết rằng tiếng ồn đó là con dâu của ông gây ra.
Lúc bấy giờ Đức Phật cho gọi nàng dâu ra và dạy rằng, có 7 loại người vợ trên đời này.
– Một là, người vợ nào có tâm địa hiểm độc, hai lòng không chung thủy trong hôn nhân, bỏ rơi chồng mình, quan hệ bất chính với các đàn ông khác chỉ vì choáng ngộp trước sự giàu có hay vẻ bề ngoài của họ, khinh bỉ chồng và tính tình hiếu sát. Người vợ như vậy, gọi là loại vợ sát nhân.
– Hai là, người vợ nào không chung lo kinh tế gia đình, trái lại còn tiêu xài hoang phí tài sản hợp pháp của chồng tạo ra. Người vợ như vậy gọi là loại vợ trộm cướp.
– Ba là, người vợ nào sống ỷ lại, lười biếng, không có lời từ ái, nhu hòa với chồng mà chỉ biết phát ngôn thô tháo, lấn lướt chồng. Người vợ như vậy gọi là vợ chủ nhân.
– Bốn là, người vợ nào biết thương yêu chăm sóc, giúp đỡ chồng, biết cách giữ gìn và làm giàu tài sản của chồng như một người mẹ lo lắng chu tất cho con cái. Người vợ như vậy, gọi là loại vợ như mẹ.
– Năm là, người vợ nào thùy mỵ, đoan trang, khiêm tốn, biết chiều chuộng và thuận phục chồng mình như đối với một người anh trong gia đình. Người vợ như vậy là loại vợ như em.
– Sáu là, người vợ nào luôn luôn niềm nở, vui vẻ, hòa thuận với chồng như thể khi hội ngộ một người bạn thân từ lâu mới gặp lại. Luôn giữ tiết hạnh và thủy chung với chồng. Người vợ như vậy, gọi là loại vợ như bạn.
– Bảy là, người vợ nào luôn mềm mỏng, không nóng tánh, không sân hận, giận dỗi. Dù bị chồng đối xử không đẹp nhưng vẫn nhường nhịn, không tỏ thái độ lỗ mãng, lớn tiếng. Trái lại còn biết tùy thuận để khuyên răn và chinh phục chồng mình. Người vợ như vậy, gọi là loại vợ như người hầu.
Trong số họ, ba loại vợ đầu tiên (Vợ Sát Nhân, Vợ Ăn Cắp và Vợ Độc Đoán) trong hiện tại họ sống khổ sở, lúc chết sẽ bị đọa đày. Bốn loại vợ còn lại, Từ Mẫu, Huynh Muội, Bằng Hữu và Tận tụy, thường sống hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại, và chết được vào cõi cực lạc.
Hiểu được vợ chồng là duyên nợ nhiều đời, còn nợ còn yêu, khi trả xong nợ cũ tình yêu cũng biến mất, chúng ta mới có thể bình thản trước thương ghét, chia ly hay những bất hòa trong đời sống hôn nhân.
Ánh Nguyệt
Phản hồi