Nữ Phật tử Việt đạt kỷ lục Thế giới với hành trình 30 năm quý ấm, yêu trà
(PGĐS) “…Nếu có duyên được gặp chủ nhân, trực tiếp chiêm ngưỡng bộ sưu tập và thưởng thức một chung trà, được lắng nghe chị chia sẻ những trải nghiệm mới thấy sự hiểu biết sâu rộng, đam mê của chị về trà và ấm…” – TS. Bùi Hữu Dược, nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ nhận xét về Phật tử Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm (Pháp danh Niệm Từ) – Người vừa được Liên minh Kỷ lục Thế giới xác lập sở hữu bộ sưu tập 1000 ấm – chén Tử Sa “Tâm Trà Diệu Bảo” ở các niên đại đa dạng về kiểu dáng số lượng nhiều nhất thế giới.
Phật tử Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm đang hướng dẫn cách pha trà cho chư Ni chùa Long Hưng
Theo tài liệu khảo cứu của Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam ghi nhận thì Việt Nam chính là quê hương của cây chè trên thế giới, hay còn gọi là một trong những chiếc nôi cổ nhất của cây chè thế giới.
Trực tiếp Trà sư lựa chọn từng búp trà tinh tuý
Nhiều nước trên Thế Giới có cây chè, nhưng lại có lịch sử dùng trà muộn. Đối với người Việt, từ ngàn năm xưa đã hái và sử dụng trà như một vị thuốc bởi dược tính có trong trà. Người Việt vốn trọng nghĩa, trọng tình, dù sống trên núi cao, dưới đồng bằng hay vùng biển, dù là người sang, kẻ hèn đều có chung tập tục đó là uống trà. Trà xuất hiện trong mỗi gia đình người Việt để giải khát, tiếp khách và là những món quà tặng ý nghĩa cho những người thân, bạn bè…Nâng chén trà thơm mát, điều đó đồng nghĩa với sự sảng khoái, tịnh tâm, mưu điều thiện, tránh điều ác, là triết lý về sự tế nhị, thanh cao, suy ngẫm trong tỉnh táo…
Phật tử Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm nhận xác lập kỷ lục thế giới về bộ sưu tập 1000 ấm trà tử sa nhiều niên đại lớn nhất thế giới
Quả thực, thật bất ngờ Liên minh Kỷ lục Thế giới đã vinh danh một người phụ nữ Việt Nam với hành hành trình 30 năm quý ấm – yêu trà của chị. Đó chính là Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm (trú tại Trà Khúc, phường 2, Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) đã vinh dự được vinh danh kỷ lục thế giới với bộ sưu tập ấm – chén Tử Sa “Tâm Trà Diệu Bảo” ở các niên đại đa dạng về kiểu dáng và số lượng nhiều nhất thế giới.
Trà sư Ngô Thị Minh Tâm
Trong suốt cuộc đời “30 năm trước ấm và trà tìm tôi, 30 năm sau tình yêu ấy trong tôi vẫn vẹn nguyên và sẽ mãi theo tôi trong suốt hành trình đời mình” – Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm chia sẻ. Với chị “Yêu ấm không thể quên trà” tình yêu ấm cổ và trà đã theo Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm trong nhiều năm qua. Chị đã đến nhiều nơi trồng chè trong và ngoài nước, để tìm hiểu, sưu tầm nhiều loại trà quý, nắm rõ mỗi loại trà ở một vùng đất với kỹ thuật riêng trong thu hái, chế biến để cho ra trà ngon và phù hợp với sức khỏe. Với tình yêu trà cũng như đóng góp cho công tác giáo dục – đào tạo về trà, Ngô Thị Thanh Tâm được nhận bằng tôn vinh Trà sư.
Kiểm tra những mẻ trà sau khi được sao bằng phương pháp thủ công
Tình yêu với trà và ấm của chị được viết thành lời trong cuốn sách Trà Duyên và cuốn Tâm Trà Diệu Bảo được thiết kế bởi Rystal Su Wan Lin – con gái của Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm. Hai cuốn sách nhận được đánh giá cao từ các chuyên gia. Tiến sĩ Bùi Hữu Dược; Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín; Trà hữu Thanh Long; Nhà giáo Đức Sơn Thái Trọng; bà Đỗ Huỳnh Phương Lan và quý trà hữu gần xa…với những lời nhận xét: “…Nếu có duyên được gặp chủ nhân, trực tiếp chiêm ngưỡng bộ sưu tập và thưởng thức một chung trà, được lắng nghe chị chia sẻ những trải nghiệm mới thấy sự hiểu biết sâu rộng, đam mê của chị về trà và ấm…”. “…sự chân thành trong trao truyền hiểu biết của chị cùng với sự ân cần hướng dẫn cho nhiều người đặc biệt là lớp trẻ về trà, về ấm, đặc biệt là kỹ thuật pha trà mà chị đã học và tích lũy được, với mong muốn xây dựng, phát triển văn hóa trà, qua “Trà đạo” mà góp phần thúc đẩy, xây dựng đời sống văn hóa xã hội lành mạnh, tốt đẹp…. “. Bộ sưu tập ấm chén Tử Sa của cô “Tâm Trà” không chỉ đặc biệt về số lượng mà còn mang giá trị sâu sắc về lịch sử, văn hóa, kinh tế. Nhiều ấm chén trong bộ sưu tập có niên đại từ thời nhà Thanh trải dài cho đến nay, là những “di sản văn hóa, biểu trưng thẩm mỹ của từng thời đại, phản ánh phong cách sáng tác mỗi thời kỳ”…
Phật tử Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm giới thiệu ấm tử sa với trà hữu
Với đam mê trà và ấm tử sa, gần 30 năm tìm tòi và sưu tập, chị đã có trên 1.000 ấm tử sa cùng với nhiều bộ chén từ nguyên liệu quý hiếm độc đáo. Trên một ngàn ấm tử sa cũng là ngần ấy câu chuyện về mỗi chiếc ấm, bởi lẽ, mỗi chiếc ấm đối với chị như một sinh mệnh, nó không chỉ ở kỳ công, kỳ duyên của người sưu tầm mà chính ở sự tài hoa, sáng tạo, tâm huyết và trí tuệ của nghệ nhân đã tạo tác trên mỗi chiếc ấm. Những chiếc ấm như đại diện cho những thời kỳ văn hóa, là bộ mặt của sự tiến bộ, là chỉ báo, dấu hiệu đặc trưng cho thẩm mỹ của từng thời đại trong quá trình hình thành và phát triển ấm tử sa.
Ấm tử sa được Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm lưu giữ và bảo quản cẩn thận
Các kiệt tác ấm – chén trong bộ sưu tập “Tâm Trà Diệu Bảo” được trân quý và coi đó là bảo chứng lịch sử, bảo vật trường tồn theo thời gian bởi người sưu tầm chúng – Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm đã dành hơn nửa cuộc đời để sưu tập và lưu giữ. Cơ duyên đến với “Tâm Trà Diệu Bảo” của Trà sư bắt đầu từ năm 1993 khi chị sinh sống và làm việc tại Đài Loan. Theo thời gian, cùng quá trình tìm hiểu, nghiên cứu và học hỏi, chị bén duyên với ấm – chén trà từ bao giờ không hay. Tìm được ngọn lửa đam mê, trong suốt hơn 30 năm qua, chị vẫn không ngừng sưu tầm thêm những cổ vật mới, làm phong phú bộ sưu tập “Tâm Trà Diệu Bảo” giá trị này. Và với Trà sư, ấm tử sa đã vượt khỏi chức năng là trà cụ thông thường mà là một vật phẩm vô giá vì nó ẩn tàng nhiều giá trị cổ xưa và văn hóa của nhân loại
Từng chiếc ấm được Trà sư nâng niu trước khi pha trà
Ấm chén Tử Sa là loại ấm trà làm từ đất sét tử sa khai thác ở vùng Nghi Hưng, thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ấm tử sa dùng để pha trà thơm ngon hơn rất nhiều so với ấm thông thường do đặc tính giữ nhiệt của đất tử sa được chế tác và nung ở nhiệt độ khác nhau. Tuy nhiên, điều độc đáo nhất mà người sành ấm tử sa đam mê đó chính là nghệ thuật chuyển tải thông điệp văn hóa trà được nâng lên thành Trà đạo qua hình dáng ấm và minh họa thơ ca, hội hoạ, thư pháp, … khắc trên ấm.
Đàm đạo về trà và ấm cùng TS. Bùi Hữu Dược – nguyên Vụ Trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ
Sưu tầm, nghiên cứu và học hỏi, có thế thấy sự am hiểu sâu rộng về ấm – chén Tử Sa của Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm khi tuyển chọn được những mẫu cổ vật tử sa quý giá. Đó là những sản phẩm được làm nên bởi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân nổi tiếng thuộc làng nghề thủ công Nghi Hưng, có niên đại kéo dài từ thời nhà Minh, nhà Thanh cho đến ngày nay. Mỗi một chiếc ấm tử sa có một kiểu dáng, một biểu đạt triết lý riêng mà người thưởng ấm phải hòa được tâm mình với tâm nghệ nhân mới thấu hiểu được sự kết hợp tài hoa của ba đỉnh cao trong một sản phẩm khi tạo ra những chén trà ngon và mang mùi vị riêng biệt.
Phong thái nhẹ nhàng thanh tao của Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm
Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm đã dành hơn nửa cuộc đời để sưu tập và lưu giữ nhiều loại trà hiếm trong và ngoài nước có giá trị từ vài chục năm, hàng trăm năm và vài trăm năm. Điều chị trăn trở đó là cách bảo tồn và phát huy giá trị của trà cổ thụ Việt Nam, bởi đó là dòng trà quý hiếm, có giá trị lịch sử, cần được bảo tồn và phát triển.
Trong câu chuyện bên chén trà, trò chuyện với chúng tôi, với phong thái thanh nhẹ như làn hương trà, ở Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm toát lên khí chất của một người chiến binh âm thầm giữ lửa và truyền lửa cho nhiều người, đặc biệt là thế hệ tương lai về nét văn hoá trà đã tồn tại hơn 4000 năm lịch sử phát triển đồng hành cùng với văn hoá người Việt.
Lễ vinh danh kỷ lục thế giới cho bộ sưu tập “Tâm Trà Diệu Bảo” sẽ diễn ra vào sáng ngày 28/5/2023 tại Trung tâm Hội nghị T78 (145 Lý Chính Thắng, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP. HCM).
Phúc Hương
Phản hồi