Tiền Giang: Lễ Tưởng niệm 713 năm Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn

Đức vua Trần Nhân Tông là vị Hoàng đế anh minh, lãnh tụ thiên tài, anh hùng dân tộc đã lãnh đạo quân dân Đại Việt hai lần đánh bại quân xâm lược đế quốc Nguyên Mông, bảo vệ độc lập, tự chủ cho dân tộc, xây dựng vương triều nhà Trần và quốc gia Đại Việt hùng mạnh. Ngài là nhà văn hóa, nhà tư tưởng lớn, đồng thời là nhà tu hành giác ngộ đã để lại hệ thống tư tưởng đặc sắc về Phật giáo, sáng lập nền Phật giáo Trúc Lâm và dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, được các thế hệ nhân dân ta tôn xưng là Vua Phật Việt Nam.


Nhằm tưởng nhớ công lao và sự nghiệp vĩ đại của Đức vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Sáng ngày 04/12/2021 (mùng 1 tháng 11 năm Tân Sửu), tại Văn phòng BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang – tổ đình Vĩnh Tràng, (ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho) Ban Trị sự (BTS) Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Tiền Giang đã trang nghiêm tổ chức Lễ Tưởng niệm lần thứ 713 năm ngày Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn 01/11 năm Mậu Thân (1308) – 01/11 năm Tân Sửu (2021).

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên buổi lễ Tưởng niệm Đức Phật Hoàng tại tỉnh Tiền Giang năm nay được tổ chức mang tính nội bộ, HT.Thích Huệ Minh – Ủy viên HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang chủ trì buổi lễ cùng với chư Tôn đức Tăng, Ni trong Ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang đồng tham dự.

TT.Thích Quảng Lộc – Phó trưởng BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang cung tuyên Tiểu sử Phật Hoàng Trần Nhân Tông

Trong buổi Lễ, sau phần nghi thức giới thiệu, TT.Thích Quảng Lộc – Phó trưởng BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang trân trọng cung tuyên Tiểu sử Phật Hoàng Trần Nhân Tông – vị Anh hùng dân tộc; một vị Vua anh dũng của lịch sử nước nhà; một vị Phật Việt Nam. Bảng tiểu sử đã làm sống dậy một thời hào hùng của dân tộc Việt nói chung và của Phật giáo Việt Nam nói riêng. “Đức vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông sinh ngày 7 tháng 12 năm 1258, tên là Trần Khâm, là vị hoàng đế thứ 3 của hoàng triều Trần nước Đại Việt, là con trai trưởng của Trần Thánh Tông và được truyền ngôi vào tháng 11 năm 1278 (lúc Ngài chưa đầy 20 tuổi). Ngài trị vì từ năm 1278 đến năm 1293, sau đó lên làm Thái Thượng Hoàng từ năm 1293 cho đến khi qua đời.
Trần Nhân Tông là một vị vua anh minh, đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển bền vững của Đại Việt cuối thế kỷ XIII, cũng như việc bảo vệ nền độc lập và mở rộng cương thổ đất nước; đồng thời Ngài cũng là một Thiền sư lớn của Phật giáo Việt Nam thời Trung đại.
Sau khi đẩy lùi các cuộc xâm lược của người Mông, vua Trần Nhân Tông đã khôi phục được sự hưng thịnh của Đại Việt. Năm 1293, Ngài truyền ngôi cho Thái tử Trần Thuyên (tức vua Trần Anh Tông) và lên làm Thái Thượng Hoàng. Sau đó, Ngài xuất gia tu hành và lấy hiệu là Trúc Lâm Đại sĩ; Ngài cũng chính là vị tổ sáng lập Thiền phái Trúc Lâm – một dòng thiền Phật giáo mang bản sắc văn hóa Việt Nam và tinh thần nhập thế.
Ngài xả báo an tường, thâu thần thị tịch vào ngày 01/11 năm Mậu Thân (1308), thọ thế 51 năm tại am Ngọa Vân, Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.”

HT.Thích Huệ Minh – Ủy viên HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang cung đọc Điếu văn Tưởng Niệm

HT.Thích Huệ Minh – Ủy viên HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang đã thay mặt chư Tôn đức trong buổi Lễ cung kính Cung đọc Điếu văn Tưởng Niệm dâng lên cúng dường đức Điều Ngự Giác Hoàng – Người đã làm cho ngọn đuốc trí tuệ của Phật giáo Việt Nam mãi quang huy và riêng khác. “Hôm nay, nhân lễ Tưởng niệm 713 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn; Tăng Ni, Phật tử tỉnh Tiền Giang, xin đốt nén tâm hương ngũ phần, dâng lời tưởng niệm chân thành, tâm cảm ý giao, một lòng thành kính cúi đầu đảnh lễ Lịch đại Tổ sư, phát nguyện phụng trì Phật pháp, phát huy chân lý đạo nhà, giữ gìn Tổ ấn vàng son, làm rạng rỡ vang danh chốn Tổ huy hoàng tráng lệ, non sông gấm vóc thiên thành, một cõi vững bền muôn thuở. Đồng thành kính nguyện thực hành: Giữ gìn tinh thần đoàn kết hòa hợp dân tộc, độc lập Tổ quốc, nêu cao tinh thần phóng khoáng, bao dung trong cộng đồng dân tộc và xã hội, đoàn kết các tôn giáo để cùng tồn tại và phát triển, thực hiện hữu hiệu phương châm “Tốt đời đẹp đạo”; duy trì truyền thống dân tộc, tự lực, tự cường, phát huy nội lực, đồng thời nhờ ngoại lực để phát huy đạo pháp và xây dựng đất nước phồn vinh, văn minh tiến bộ; tạo dựng Cực lạc tại nhân gian trong lòng người, bằng triết lý Thiền là sống, là tâm từ bi chan chứa mọi loài, trong kiếp hiện tại và mai sau của trần thế, thực hành Bồ Tát đạo.”

Tiếp theo chương trình buổi Lễ là nghi thức dâng hương và tụng kinh cầu nguyện. Trong không khí trang nghiêm, chư Tôn đức đã thành kính dâng hương tưởng niệm ngày Đức Phật Hoàng nhập Niết-bàn; cùng cầu nguyện tổ quốc vinh quang, đạo pháp trường tồn, thế giới hòa bình, nhân dân an lạc. “Non sông nghìn thuở vững âu vàng”.
Xin giới thiệu một số hình ảnh ghi nhận được tại buổi lễ đến với bạn đọc:

Trung Thượng – Thiên Bình

Bài viết liên quan

Phản hồi