Tây Du Ký luận đàm (P.2): Sa Tăng – Cao thủ võ công tầm sư học Đạo

Sau khi thu phục được Sa Tăng bên sông, năm thầy trò Đường Tăng chính thức bắt đầu lên đường đi thỉnh kinh… 

Sa Tăng quy y cửa Phật, ngũ hành tương hợp 

Từ các tiêu đề của các chương khác nhau trong Tây Du Ký có thể nhìn ra 5 thầy trò Đường Tăng ứng với ngũ hành: kim mộc thủy hỏa thổ. Ngộ Không là kim, Bát Giới là mộc, Bạch Long Mã là thủy, Đường Tăng là hỏa, Sa Tăng là thổ. Một bài thơ trong ‘Tây Du Ký’ có thể chứng minh cho điều này:

“Ngũ hành tứ phối hợp thiên chân,
Nhận đắc tòng tiền cựu chủ nhân.
Luyện kỉ lập cơ vi diệu dụng,
Biện minh tà chính kiến nguyên nhân.
Kim lai quy tính hoàn đồng loại,
Bản khứ cầu tình cộng phục luân.
Nhị thổ toàn công thành tịch mịch,
Điều hòa thủy hỏa một tiêm trần”.

Tạm dịch:

“Ngũ hành phối hợp hợp thiên chân,
Nhận rõ chủ nhân trước đã từng
Cơ bản luyện thành nên diệu dụng,
Biện minh tà – chính thấy nguyên nhân.
Kim về tính vẫn là đồng loại,
Mộc chạy cầu tình cũng chẳng xong,
Hai thổ công thành thành tịch mịch,
Điều hòa nước lửa bụi trần không”.

Không ai trong nhóm là hoàn hảo, hơn nữa năng lực mạnh yếu giữa họ cũng có khoảng cách khá xa. Thông qua sự vận động của ngũ hành, 5 thầy trò hợp thành một chỉnh thể hoàn toàn mới, tạo ra khung trời mới sinh cơ bừng bừng, tiến về vùng đất mới và gặp những con người mới. Đồng thời họ cũng thể hiện được tất cả phong thái, không chỉ trong những thời khắc đối diện với nguy hiểm mà ngay cả tại thời điểm sóng yên biển lặng. Họ không chỉ thể hiện ra ý chí kiên cường mà còn có cả sự khôi hài hóm hỉnh. Nhiều vô số, muôn hình muôn vẻ. Trên vạn dặm đường đi thỉnh kinh, mỗi một người đều dần trở nên siêu phàm thoát tục.

Ảnh: Bức tranh vẽ “ba lần đánh Bạch Cốt Tinh” của bốn thầy trò Đường Tăng trên lối đi dạo tại Cung điện mùa hè.

Cao thủ võ công dạo chơi thiên hạ, khổ tìm minh sư

Cá tính của Sa Tăng điềm tĩnh phúc hậu, âm thầm lặng lẽ trên suốt chặng đường đi. Trong ‘Tây Du Ký’, Sa Tăng không xuất sắc như Tôn Ngộ Không, nhưng thiếu ông thì tổ hợp ngũ hành sẽ tạo ra một lỗ hổng rất lớn.

Từ nhỏ Sa Tăng đã luyện võ, tính tình phóng khoáng, được thượng Thiên ban cho một binh khí cổ, kết hợp với võ công tuyệt đỉnh mà nổi danh thiên hạ. Người đời tặng cho ông danh hiệu anh hùng hào kiệt.

Dù đi đến nơi đâu, Sa Tăng cũng đều giống như một minh tinh võ nghệ, thu hút sự chú ý của dân chúng. Lúc đó, trẻ nhỏ ở khắp nơi và anh hùng bốn phương đều coi Sa Tăng là tấm gương để học tập.

Võ thuật của Sa Tăng xuất chúng, đạt tới đỉnh cao của võ nghệ. Ông phát hiện ra rằng: cho dù võ nghệ luyện được cao siêu đến đâu, đều sẽ còn cảnh giới cao hơn, năng lực con người là vô cùng vô tận, nhưng cụ thể đó là cái gì thì ông cũng không thấy được rõ. Vậy là Sa Tăng đã đi khắp thiên hạ tìm Đạo tầng thứ cao, hy vọng tìm được sư phụ có trí tuệ siêu phàm:

“Thường niên y bát cẩn tùy thân
Mỗi nhật tâm thần bất khả phóng
Duyên địa vân du sổ thập tao
Đáo xử nhàn hành bách dư tranh”

Tạm dịch:

“Quanh năm y bát ở bên người
Tháng ngày vui vẻ với rong chơi
Xuôi theo địa đạo không mất mạng
An nhiên bôn tẩu bốn phương trời”
.
(Tham khảo phần dịch thơ của Vô danh cư sỹ).

Vì để tìm sư phụ chân chính, Sa Tăng đã đi qua đi lại ở Vạn Quốc Cửu Châu hàng chục lần.

Vinh hoa phú quý, nhi nữ tư tình tại nhân gian đều giống như phù vân. Một khi tâm cầu đạo đã bám rễ trong lòng người thì thế giới bên ngoài đều trở nên xa lạ và hờ hững.

Ý chí kiên định của Sa Tăng đạt đến trình độ nào? Cái khổ ở Vạn Quốc Cửu Châu cũng không làm ông suy sụp. Vòi rồng sóng cuộn dâng ở năm sông bốn biển cũng không khiến ông thoái lui. Với ý chí vô cùng mạnh mẽ, ông kiên nhẫn chờ đợi sư phụ xuất hiện.

Khi đã nếm đủ khổ rồi thì vị sư phụ đến từ thế giới bên ngoài xuất hiện và truyền chân pháp cho ông.

Sau nhiều năm khổ tu, lúc này được truyền chân pháp, Sa Tăng đột nhiên ngộ đạo viên mãn thành Thần. Ngọc Đế đã ban cho ông bảo trượng hàng yêu, phong làm tướng quân Quyển Liêm trấn thủ Nam Thiên môn, trở thành một vị quan hộ pháp.

Sa Ngộ Tĩnh trong Tây du nguyên chỉ (西遊原旨), xuất bản năm 1819 (ảnh: Wikipedia).

Sa Tăng lỡ tay bị giáng xuống hạ giới

Sa Tăng vốn là người có ý chí kiên cường, rắn chắc như kim cương không thể phá vỡ. Dù gặp phải tình huống bất ngờ nào cũng không làm ông lay chuyển tâm ý. Do vậy, khi còn tu Đạo ông mới có thể đi khắp Vạn Quốc Cửu Châu, qua lại mười mấy lượt mà không cảm thấy vất vả. Khi đang tu luyện, Sa Tăng là người nổi lên như một ngôi sao giữa cát bụi hồng trần, giống như hoa sen mọc lên từ bùn mà không bị nhiễm bẩn.

Khi canh giữ Nam Thiên Môn, Sa Tăng thường xuống hạ giới để hàng ma trừ yêu, chính vì vậy mà bị hạ giới làm ô nhiễm. Có thể cách ví von này không phù hợp lắm, ông giống như một khối vàng rơi vào bùn đất, dần dần vàng cũng sẽ bị biến đổi màu sắc. Sa Tăng không còn là khối vàng tinh khiết như lúc ban đầu nữa, Thần vị của ông cũng bắt đầu bị ảnh hưởng.

Với tư cách là một vị Thần trên trời, tất cả các biểu hiện của ông đều phù hợp với cảnh giới tiêu chuẩn. Tuy nhiên tại hội bàn đào, ông đã lỡ tay làm vỡ chén lưu ly. Lúc vừa sẩy tay, hành động của Sa Tăng đã khiến các Thiên thần chú ý, ai cũng nhìn thấy chỗ sơ hở của ông. Vì để tôi luyện lại Sa Tăng, Ngọc Đế đã phạt ông giáng chức xuống hạ giới.

Ở hạ giới, do không chịu nổi cái đói và cái lạnh, Sa Tăng buộc phải duy trì cuộc sống bằng cách ăn thịt người nên đã tạo ra nghiệp chướng rất lớn và lạc mất đường về. Nỗi thống khổ khiến ông rơi vào vòng tròn hành ác không ngừng nghỉ.

Sa Tăng tìm được con đường giải thoát

Khi biết thầy trò Đường Tăng đi Tây Thiên thỉnh kinh, giúp người dân Đại Đường hưởng phúc đức, Sa Tăng thấy được cơ hội quy y thiện quả, có cơ hội giải thoát nên không ngần ngại lựa chọn đi trên con đường ngay chính. Ông bái Đường Tăng làm sư phụ, theo thầy đi ngàn dặm để thỉnh chân kinh.

Sa Tăng từng sống trong huy hoàng cũng có thời gian nếm trải cảnh trầm luân bể khổ. Thế nhưng lúc này, vinh quang và khổ đau đã dần trở thành ký ức xa xôi trong trí nhớ của ông.

Câu chuyện của Sa Tăng, nhân vật cuối cùng tham gia vào đoàn đi lấy kinh muốn nhắn nhủ với con người thế gian rằng: muốn cầu được chân kinh thì niềm tin và ý chí phải vô cùng mạnh mẽ. Giống như Sa Tăng, niềm tin cầu đạo của ông đã đi xuyên qua kiếp trước và kiếp này trong hành trình sinh mệnh. Kiếp trước Sa Tăng tu hành trở thành đạo sĩ, sau khi trầm luân trong bể khổ, quá trình đi về bờ bên kia của hy vọng đã giúp ông tu luyện trong Phật gia và cuối cùng đạt được giải thoát, đắc được quả vị La Hán.

Theo Epoch Times
San San biên dịch

Bài viết liên quan

Phản hồi