Vị thế của con người trên hành tinh này

Theo quan điểm của Phật giáo, con người khác biệt con vật vì chỉ có con người phát triển trí tuệ, hiểu biết và phản ảnh được lý luận của mình. Con người có nghĩa là ‘kẻ có một tâm trí để suy nghĩ’. Mục đích của tôn giáo là giúp con người suy nghĩ đúng, nâng con người trên tầm mức con vật, giúp con người hiểu biết sự tương quan với vũ trụ và sống hòa hợp để con người có thể tiến tới mục tiêu tối hậu của hạnh phúc tối thượng và làm tròn nhiệm vụ của mình.

Suốt từ khi có thể thỏa mãn ba nhu cầu cần thiết để sinh tồn là thực phẩm, chỗ ở và sinh sản thì ba câu hỏi đã từng làm trở ngại con người là “Tôi là ai? Tôi đang làm gì đây? Tôi cần gì?”. Qua lịch sử loài người, nhiều hệ thống tư tưởng đứng đầu là tôn giáo, đã tiến hóa để có câu trả lời cho ba câu hỏi ấy. Đương nhiên, vì con người hỏi mình đầu tiên, câu trả lời được bày tỏ từ quan điểm của chính con người.
Con người trong vũ trụ
Từ lâu con người coi mình là trung tâm vũ trụ, là cư dân quan trọng. Theo quan điểm này, thế giới được tạo ra cho con người, dành cho con người nên con người muốn lấy gì thì lấy, vì con người là sinh vật được biệt đãi nhất và mọi thứ hiện hữu trên hành tinh này dành riêng độc nhất cho ý thích của con người.

Điều trên đây gọi là quan điểm ‘nhân văn’ này chịu trách nhiệm trực tiếp về sự cưỡng đoạt khủng khiếp hành tinh của chúng ta và không mảy may đếm xỉa gì đến quyền lợi của những sinh vật khác đang cùng tồn tại với chúng ta. Chẳng hạn, có những trường hợp bi thảm như một số loại thú đã tuyệt chủng, do sự giết chóc không cần thiết bởi những con người không chút tình cảm, để thỏa mãn thú vui thể thao hoặc mục đích thương mại. Thậm chí ngày nay, sự chinh phục thiên nhiên bởi khoa học và kỹ thuật đang được tán thưởng. Chúng ta phải vận động số người nhận thức được sự phá hoại to lớn do con người gây ra nhân danh sự “tiến bộ” tăng lên.

Cho đến ngay nay, thiên nhiên đã hết sức tha thứ và đã để cho con người tiếp tục nghĩ rằng: Hành tinh này tạo ra cho con người nên con người tha hồ cưỡng đoạt, cướp bóc để thỏa mãn lòng tham vô độ hầu có của cải vật chất và nhục dục. Ngày nay đã có rất nhiều dấu hiệu cảnh báo cho thấy sắp hết thời làm mưa làm gió rồi. Hy vọng nếu từ bi và chánh kiến không cứu được thế giới này thì ít nhất tính ích kỷ ấy và lòng ham muốn gìn giữ, thỏa mãn cá nhân sẽ buộc con người phải có suy nghĩ khôn ngoan, hợp lý về môi sinh đã bị kiệt quệ và về sự đau khổ của các sinh vật đồng loại trên trái đất này.

 

 

Muốn hiểu vị thế của con người trong vũ trụ này từ quan điểm Phật giáo, chúng ta trước nhất hãy nhìn vào quan điểm của đức Phật về vũ trụ. Theo Ngài, vũ trụ là khoảng không gian có trật tự rộng lớn. Giáo lý của Ngài sắp toàn thể vũ trụ thành ba nhóm: hành tinh có sinh vật, hành tinh với nhiều thành phần cấu tạo, và không gian.
Chúng ta có thể thấy con người là một sinh vật đặc biệt được ưu đãi xuất hiện để vui sống trên một hành tinh đã hình thành giữa trung tâm vũ trụ. Phật giáo xem con người là một chúng sinh nhỏ xíu không chỉ về sức mạnh mà còn về tuổi thọ. Con người cũng không hơn gì sinh vật khác ngoại trừ khả năng hiểu biết.

Theo sinh vật học, con người lại yếu hơn những sinh vật khác dù to hay nhỏ hơn. Thú vật sinh ra được trang bị một loại vũ khí nào đó để tự bảo vệ và sinh tồn. Trái lại con người có trí tuệ để làm mọi chuyện, nhưng không phải là vũ khí. Con người được coi như một sinh vật có văn hóa, biết hòa hợp với sinh vật khác mà không phá hoại chúng. Tôn giáo được khám phá ra bởi con người với mục đích ấy. Mọi thể sống đều chia sẻ cùng lực sống truyền cho con người. Chúng là một phần của sinh lực vũ trụ mang nhiều dạng thức khác nhau trong những kiếp tái sinh vô tận, chuyển từ người thành vật rồi thành những hình thái siêu phàm. Và rồi lại trở lại, thúc đẩy bởi ham muốn sự sống (bản năng sinh tồn) đi từ sinh đến tử và lại tái sinh trong một cái vòng bất tận được gọi là luân hồi.

Ba nguồn phương hại cho con người khiến phải luân hồi là tham, sân và si. Cái vòng này chỉ bị phá vỡ khi có sự phát triển trí tuệ. Nó hủy diệt những gông cùm ấy và chấm dứt tham dục. Định mệnh chung của chúng ta với tư cách là một sinh vật sống trên hành tinh này là tất cả đều muốn sống.

“Ai cũng run sợ trước gậy gộc
Ai cũng sợ chết
Nếu biết như vậy
Ta chẳng nên đánh đập
Mà cũng chẳng nên gây đánh đập'”
(Kinh Pháp Cú)

Tất cả mọi sự vật đều tùy thuộc lẫn nhau để sinh tồn. Con người không thể coi mình khác hơn (cao hơn) các sinh vật khác vì thân xác phải phụ thuộc vào cây cối, nước, dưỡng khí, v.v… để sống. Đồng thời, tâm trí cũng tùy thuộc vào sự hiện hữu của tư tưởng mà tư tưởng lại dựa vào dữ kiện cảm giác bắt nguồn từ đối tượng hay người từ thế giới bên ngoài. Toàn thể vũ trụ phải được coi như một tấm lưới mênh mông: Nếu một mắt lưới bị lung lay, tất cả tấm lưới cũng chấn động.

Con người có bổn phận với thế giới vì con người tùy thuộc vào thế giới để sống cả về tinh thần lẫn vật chất. Cho nên thái độ của con người đối với thế giới không thể cao ngạo như đứa con một được nuông chiều mà là khiêm tốn: Thế giới tạo ra không phải chỉ để cho con người và cũng chẳng phải thế giới được tạo ra mãi mãi ưu tiên cho con người. Không có sự thiên vị trong các điều kiện vật chất. Chúng cũng chẳng hiền lương, cũng chẳng dữ mà trung lập. Con người sống được là vì phần còn lại của thế giới cho phép con người làm như vậy.

Cho nên con người không nên bóp nặn mọi thứ trên thế giới chỉ vì lợi ích riêng tư. Con người phải duy trì cảm giác sợ hãi, tôn trọng thiên nhiên và tất cả sinh vật. Con người là kẻ mới đến so với hành tinh trái đất này. Con người phải học để kính mến đồng bào, học hỏi cách cư xử của một người khách hơn là một người chơi bài muốn thắng tất cả.
Nhận định sự phụ thuộc lẫn nhau nên đức Phật đã khuyên tín đồ phải thực hành hạnh từ ái với tất cả, trải tình thương đến tất cả sinh vật. Không có nghĩa là Ngài dạy chỉ đem tình thương đến những con người đồng loại thôi (Cũng không có nghĩa là Ngài căn dặn phải có một sự đối xử đặc biệt với người phật tử). Khi Ngài nói đến tình thương, Ngài lúc nào cũng nói đến tình thương cho tất cả sinh vật (sabbe satta) cả đến những hình thức không ở dạng vật chất, thức và siêu thức.
Ba loại sinh: sinh vật sinh ra do ẩm ướt, do noãn sinh, do thai sinh và loại sinh ra ở những cảnh giới khác của cuộc sống. Rõ ràng đức Phật dạy nếu con người sống tại hành tinh này, con người phải phát triển thái độ từ ái không chỉ với những người đồng loại mà đến tất cả những sinh vật sống trên hành tinh này và tất cả sinh vật ở các cảnh giới khác của cuộc sống. Chỉ khi đó, con người mới có thể đánh bại được tư tưởng vị kỷ luôn đặt nhu cầu thiết yếu và sự sinh tồn của mình trên nhu cầu của tất cả các sinh vật khác.

Trong vũ trụ Phật giáo, con người đơn giản chỉ là cư dân trên một trong những cảnh giới hiện hữu mà con người có thể sẽ đến sau khi chết. Những cảnh giới này có từ mức độ siêu thức qua tham dục cao độ xuống đến bốn trạng thái bất hạnh. Con người đứng ở vị trí trung bình trong những cảnh giới ấy. Cái mà được gọi là cảnh giới thần thánh siêu phàm là ở trong trạng thái hạnh phúc, nhưng cảnh giới này cũng không trường cửu. Mặc dù có những dấu hiệu cho ta tin tuởng có một số chúng sinh thông minh hiện hữu trên những hành tinh khác trong vũ trụ nhưng không thể xác minh có những chúng sinh giống con người hay không. Trong phạm vi rộng lớn của vũ trụ, Phật giáo cố gắng tìm hiểu vị trí của con nguời trong vũ trụ. Trong phạm vi này, con người hình như rất nhỏ nhoi. Chúng ta phải thêm vào xu hướng về sự tàn ác của con người, về khả năng làm đau đớn người khác khiến con người ở một thời điểm nào đó không hơn gì con vật. Con vật chỉ tấn công để thỏa mãn nhu cầu căn bản như vì thực phẩm, chỗ ở, hay xác thịt.

Vị trí độc đáo của con người

Ta có thể tranh luận rằng đó là quan điểm tiêu cực về con nguời vì chuyển con người xuống một địa vị thấp và không lưu ý đến những thành quả rực rỡ về triết lý, tôn giáo, tâm lý, khoa học, mỹ thuật, kiến trúc, văn chuơng, phát triển văn hóa và những thứ tương tự như vậy. Ngược lại trong phạm vi vũ trụ, con người mang một vị trí độc đáo vì con người có đặc quyền hiếm có nhất là dễ dàng đi đến giải thoát. Đó là vì ba lý do.

Thế giới loài người là sự pha trộn vừa phải, quân bình giữa sung sướng và khổ đau. Khi lạc thú gia tăng (cảnh trời) và khổ đau chiếm ưu thế (thế giới hạ đẳng), tâm không quay về với tinh thần. Người phật tử khẳng định là khắc khổ đến cực đoan hay tự nuông chiều đến cực đoan không dẫn đến sự phát triển trí tuệ và hiểu biết. Con đường trung đạo giữa hai cực đoan lạc thú và khắc khổ được tán thành và thế giới loài người cho con người cơ hội bước lên con đường trung đạo. Lý do thứ hai là cuộc đời tương đối ngắn ngủi của kiếp người và cái chết đến không tiên đoán được. Đối đầu với cái chết tất nhiên ta thường ngả về tinh thần. Lý do thứ ba là trong khi ở các cảnh giới khác, dân cư là những người chịu hậu quả của các nghiệp quá khứ, con người ở trong một vị trí thuận lợi để tạo nghiệp mới, và như vậy con người có thể uốn nắn định mệnh của chính mình.

Tất cả những điều này đem lại cho con người trách nhiệm tìm cách giải thoát trong cảnh giới loài người. Con người thực quả là người sáng tạo và là cứu tinh của chính mình. Nhiều người tin rằng tôn giáo là từ thiên đường xuống nhưng người phật tử biết Phật giáo khởi thủy từ trái đất và tiến đến thiên đường.

Điều này ngụ ý là mỗi người đều có nơi mình Phật tính (khả năng viên mãn) mà con người có thể phát triển không cần đến sự giúp đỡ bên ngoài. Ta có thể trở thành Phật do sinh ra trong cảnh giới loài người; vì chính tại nơi đây, con người có thể đạt được một cuộc sống trong trạng thái toàn vẹn. Người phật tử đồng ý với quan điểm của thi sĩ Shakespeare về cái nghịch lý của loài người:

“Con người, một công trình
cao thượng trong lẽ phải,
khả năng vô tận trong hình thái và chuyển động;
hoạt động diễn đạt đáng ngưỡng mộ làm sao,
giống như một thiên thần trong hiểu biết,
giống như một thượng đế: cái huy hoàng của thế giới,
viên kim cương tuyệt đẹp của động vật, nhưng với tôi cái tinh hoa của đất bụi đó?
(Hamlet 2:2)

Trong nhiều phương diện, con người ngu muội, nhưng con người có hạt giống để trở nên tối thượng trên tất cả sinh vật: bậc toàn giác. Một số nói rằng cuộc sống loài người ở giữa thiên đàng và địa ngục vì tâm con nguời có thể phát triển dễ dàng để đạt hạnh phúc trên thiên đuờng, và khi tâm lạm dụng thì cũng dễ dàng xuống địa ngục để chịu đau khổ.

Con người xứng đáng là con người chỉ khi con người quan tâm đến nhân loại hay thương nhân loại.
Kẻ kiêu ngạo không thiên đường
Người tham lam không lân bang
Kẻ sân si không có cả chính mình 
(Triết lý Trung Hoa)

Cá nhân tự mình không tự lực được. Vậy nên đời sống xã hội của con người cần đến sức mạnh của sự hợp tác. Con người không phải là con người nếu không có xã hội. Con người với thiên nhiên là một” – Triết lý Hy Lạp.

Trong giáo lý của đức Phật có ghi rõ con người đạt hạnh phúc thiên đường khi những đối tượng tác động năm giác quan thuận lợi và dễ chịu. Mặt khác con người cũng có thể bị đau khổ như trong địa ngục nếu các đối tượng khó chịu và nhiễu loạn.

Trích cuốn sách “Các vấn đề của xã hội hôm nay”

Hòa thượng K.Sri Dhammananda
Thích Tâm Quang dịch

Bài viết liên quan

Phản hồi