Cùng tìm hiểu về chư thiên và linh vật Phật giáo

Từ nhỏ ai ai cũng từng nghe nói đến quỷ Dạ Xoa, bà La Sát, tuy nhiên ít người biết được Dạ Xoa là gì? Bà La Sát là gì? Nay nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình đã lý giải khá tường tận về các đối tượng này cùng các chư thiên và linh vật Phật giáo.

Cuốn sách “Biểu tượng thần thoại về chư thiên & linh vật Phật giáo” – Sách của NXB Tổng hợp TP HCM mới phát hành và đang thu hút đông đảo độc giả quan tâm đến chủ đề này.

Trong suốt hơn 2.000 năm kể từ khi được truyền vào Việt Nam, Phật giáo đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử dân tộc, ăn sâu trong tiềm thức của người dân. Từ thuở ấu thơ, hầu như ai cũng biết đến ông Bụt hiền từ hiện ra giúp người, giúp đời, cứu khổ cứu nạn trong các câu chuyện cổ tích. Lớn lên chúng ta được theo bà, theo mẹ đi chùa vào những ngày đầu tháng, ngày rằm, ngày lễ tết. Dần dần, ngôi chùa để lại một dấu ấn khó phai trong ký ức của nhiều người.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được xuất xứ, ý nghĩa của hầu hết các bức tượng, phù điêu, tranh vẽ, biểu tượng… ở ngôi chùa. Và khi đọc cuốn sách “Biểu tượng thần thoại về chư thiên và linh vật Phật giáo” của nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình, sẽ giúp chúng ta lý giải ý nghĩa và biểu tượng của các linh vật.

Bìa cuốn sách “Biểu tượng thần thoại về chư thiên & linh vật Phật giáo”

Bìa cuốn sách “Biểu tượng thần thoại về chư thiên & linh vật Phật giáo”

Sinh năm 1985, nhà nghiên cứu trẻ Huỳnh Thanh Bình nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu từ khi đọc các tác phẩm, những câu chuyện kể cùng những chuyến đi điền dã cùng cha – nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng. Niềm đam mê nghiên cứu cứ thấm dần thấm dần theo năm tháng.

Do đó, khi nói về cơ duyên tìm hiểu biểu tượng thần thoại về chư thiên và linh vật Phật giáo, tác giả Huỳnh Thanh Bình chân thành chia sẻ: Từ việc mê tìm hiểu nội dung đề tài các dòng tranh kiếng ở Nam bộ, tôi đã vấp phải cái lỗ hổng kiến thức này. Do đó, cái bắt đầu phải làm là mày mò tìm đọc, tìm các nhà nghiên cứu bậc thầy để học hỏi… Sau một thời gian, tôi mới quyết định viết thử về đề tài này, từng vị từng vị một, từng linh vật này sang linh vật khác… gửi đăng báo Nguyệt san Giác Ngộ và dần dần suốt mấy năm mới thành một tập hợp tương đối đầy đủ về các chư thiên và linh vật Phật giáo để hệ thống lại thành tập sách này.

Chúng ta biết rằng đặc trưng khác biệt lớn nhất của Phật giáo so với các tôn giáo khác là ở tính chất vô thần. Phật giáo xem xét thế giới từ góc độ nhân duyên, phủ nhận uy quyền của quỷ thần hoặc linh hồn là vĩnh hằng. Tuy phủ nhận sự tồn tại của một đấng tối cao của vũ trụ nhưng Phật giáo vẫn thừa nhận sự hiện hữu của các quỷ thần ở bên ngoài cõi người. Có điều khác biệt là, Phật giáo cho rằng quỷ thần cũng một dạng chúng sinh như loài người, cũng là loài có tình và không hề có quyền uy tuyệt đối, có tác động quyết định đến số phận con người.

Điều này cắt nghĩa sự tồn tại một tập hợp quỷ thần, linh vật trong kinh văn cũng như trong các dạng thức văn hóa – nghệ thuật Phật giáo, đặc biệt là trong nghệ thuật tạo hình, từ tượng thờ, các đồ án trang trí kiến trúc chùa tháp, đến bích họa, tranh vẽ…

Khác với đạo Hindu và đạo Kỳ Na là tôn giáo chủ yếu phát triển ở nội địa Ấn Độ, đạo Phật trở thành một tôn giáo phổ truyền, tuy đã mất vị thế ở quê hương nhưng giáo lý của đức Phật được truyền bá rộng rãi đến tận Nam Á, Đông Nam Á và Đông Á.

Tại mỗi tọa độ địa lý – văn hóa, tùy theo tông phái Đại thừa, Tiểu thừa hay Kim Cang thừa, các biểu tượng quỷ thần và linh vật lại được bảo lưu và đồng thời được tích hợp vào văn hóa bản địa tạo nên biểu tượng mới cả về thần tích, tín lý, công năng lẫn hình tướng, trang phục, trì vật… đa dạng nhằm phát triển một thế giới biểu tượng riêng.

Dĩ nhiên, các biểu tượng này dù được cải biến như thế nào thì mục đích cuối cùng vẫn là truyền bá Phật pháp. Và tùy từng nơi, từng thời điểm mà các biểu tượng đó phản ánh chân lý theo cách riêng tương ứng với vùng văn hóa – tín ngưỡng bản địa đó. Điều đó giải thích sự khác biệt về ý nghĩa và hình tướng của các biểu tượng ở từng ngữ cảnh văn hóa.

Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình thì nhìn chung, tập hợp chư thiên và linh vật Phật giáo được các dân tộc tiếp nhận không giống nhau mà tùy thuộc vào ngữ cảnh phong hóa từng cộng đồng cư dân. Và việc sùng bái, tôn thờ các đối tượng này cũng đậm nhạt khác nhau tùy tộc người, tùy vùng văn hóa.

Ở Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó. Có những biểu tượng, linh vật Phật giáo được coi trọng, phổ biến rộng và ngược lại có không ít biểu tượng, linh vật không được mấy ai để ý đến như Garuda, Ganesha…

Có biểu tượng hội nhập vào hệ thống thần linh bản xứ với ít nhiều biến cải như Phạm Thiên được đồng nhất với Ngọc Hoàng Thượng Đế và có biểu tượng tồn tại song song với các thần linh, linh vật bản địa, thậm chí chỉ có mặt trong chùa chiền và không phổ biến rộng rãi trong dân chúng như Kiên Lao Địa Thần/Thần Đất Privithi.

Mặt khác, theo dòng chảy của lịch sử, có những đối tượng được sùng bái ở giai đoạn trước nhưng tuyệt tích trong giai đoạn sau. Chưa kể có nhiều linh vật được xã hội đương đại rất sùng bái nhưng xưa kia không thấy dấu vết tồn tại như Thánh tăng Sivali hiện là một thần tài Phật giáo đang có phần phổ biến ở một số chùa chiền.

Như vậy, việc xem xét theo cái nhìn dòng chảy lịch sử về các chư thiên và linh vật Phật giáo hứa hẹn cho người đọc những khám phá lý thú về lịch sử văn hóa nói chung, lịch sử văn hóa Phật giáo nói riêng, cũng như nội hàm các biểu tượng văn hóa, đa phần là mang tính chất tổng hợp của dân tộc ta.

Bên cạnh đó, việc xem xét tập hợp này theo lát cắt về mặt không gian sẽ giúp cho người đọc biết được chư thiên và linh vật Phật giáo khác với thần thánh và linh vật của Đạo giáo, khác với hệ thống thần linh và linh vật trong truyền thống dân gian được lưu truyền qua thần thoại và truyền thuyết như thế nào…

Theo tác giả, đối tượng này còn cần được nghiên cứu tường tận hơn dưới cái nhìn lịch đại cũng như định lượng các thành tố thuộc cấu trúc này một cách đầy đủ hơn. Còn ở nội dung cuốn sách này, nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình chủ yếu cung cấp những kiến thức căn bản giúp bạn đọc hiểu được nội dung cũng như ý nghĩa các chư thiên và linh vật mà hằng ngày chúng ta thường nghe thấy.

Bài viết liên quan

Phản hồi