Bố thí với tâm thành thì một hạt gạo cũng nặng như núi Tu Di

Chuyện kể rằng có một cặp vợ chồng nghèo sống trong hầm lò, bốn bức vách tiêu điều xơ xác, thậm chí hai vợ chồng chỉ có mộ bộ áo khố, chồng mặc đi ra ngoài thì vợ chỉ quanh quẩn trong nhà, khi vợ đi ra ngoài thì chồng mặc áo không đủ che thân, chỉ ngồi chờ trong động.

Một hôm, nghe có đức Phật dẫn đệ tử ôm bình bát đi khất thực gần quanh động, hai vợ chồng bàn định:

“Quá khứ của chúng ta không biết bố thí gieo phước điền, nên ngày nay mới rơi vào tình cảnh nghèo khó như thế này, hiện nay cũng không dễ mong được đức Phật đến đây giáo hóa, vậy làm sao chúng ta có thể để mất cơ hội bố thí này được?”.

Bàn qua bàn lại, người vợ mới thở dài, nói: “Trong nhà hầu như không có lấy một thứ gì cả, chúng ta đem cái gì đi bố thí đây?”.

Người chồng suy nghĩ rồi quả quyết: “Chúng ta thà chết đói chứ không thể bỏ lỡ cơ hội này. Hiện chúng ta chỉ còn một thứ tương đối hoàn chỉnh duy nhất là bộ áo khố này, chúng ta sẽ đem cúng dường đức Phật!”.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hai vợ chồng vui vẻ cầm bộ áo khố đi bố thí, điều này khiến cho các đệ tử của đức Phật cảm thấy khó xử. Mọi người chuyển qua đẩy về cái khố ấy, ai nấy đều bưng mũi tránh đi, cuối cùng tôn giả A Nan cầm chiếc khố ấy đến chỗ đức Phật xin chỉ giáo:

“Bạch Phật, cái khố này đúng ra không thể mặc, hay là nên vứt đi?”.

Đức Phật nhân từ giảng dạy:

“Các đệ tử không được nghĩ như vậy, của bố thí của người nghèo là vô cùng đáng quý, hãy đem đến đây cho ta mặc!”.

A Nan cảm thấy xấu hổ, cầm cái khố cùng với Mục Kiền Liên đến bờ sông giặt sạch, đột nhiên cái khố vừa ngâm xuống sông thì cả con sông lập tức tuôn trào dậy sóng, lên thật cao xuống thật sâu. Mục Kiền Liên gấp rút vận sức thần thông chuyển núi Tu Di đến để trấn áp, nhưng không thể dẹp yên sóng cả, hai người chỉ còn cách chạy về bẩm báo với đức Phật.

Lúc ấy, đức Phật đang thọ trai, ngài bèn nhè nhẹ nhón lên một hạt cơm rồi nói với hai người:

“Nước sông dậy sóng bởi vì Long vương cảm khái tâm nguyện tận lực bố thí của người nghèo khó, hai người hãy cầm hạt cơm này đến bờ sông sẽ dẹp yên được sóng cả”.

A Nan cảm thấy kỳ lạ, bèn hỏi:

“Bạch Phật, to lớn như núi Tu Di mà không thể đè bẹp nổi sóng cả, hạt cơm nhỏ bé này làm so có thể trấn áp nổi cơn sóng cao ngút trời ấy?”.

Đức Phật cười, nói: “Hai người cứ cầm đi làm thử rồi hẵng hay!”.

A Nan và Mục Kiền Liên nửa tin nửa ngờ cầm hạt cơm đến ném xuống dòng sông, dòng sông liền hết dậy sóng, bình lặng như thường.

Hai người sâu sắc nhận ra rằng đây là điều kỳ diệu: Lẽ nào sức mạnh của núi Tu Di lại không bằng hạt cơm ư?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sau đó, họ trở về thỉnh giáo đức Phật. Đức Phật nói:

“Tính của vô nhị (không hai) tức là thực tính. Một hạt lúa gieo xuống đất từ ban đầu đã được tưới tiêu, bón phân, thu gặt, chế biến, bán ra… tức là chất chứa rất nhiều công sức và gian khổ mới có thể có được một hạt gạo, công đức đó nó bao hàm là vô lượng, cũng giống như bộ áo khố kia là tài vật và gia sản duy nhất của hai vợ chồng nghèo khó, tâm lượng mà nó bao hàm cũng là vô hạn!

Long vương bốn bể hiểu được công đức của hạt gạo và công đức của bộ áo khố cũng lớn lao như nhau, đều do nhất niệm lòng thành đưa dẫn, cho nên liền nhượng bộ rút lui.

Do đó, có thể thấy chỉ cần nhất niệm lòng thành thì sức mạnh của một hạt gạo bé tí, của một bộ áo khố tầm thường cũng có thể ngang bằng với hàng ngàn hàng vạn ngọn núi Tu Di”.

Cho nên, bố thí với “một niệm hoan hỷ” thì công đức thật là lớn lao.

Bất kể so sánh lớn nhỏ núi Tu Di với hạt gạo, hay là so sánh lớn nhỏ với công đức bố thí, nhỏ lớn lớn nhỏ, hoàn toàn không chấp nê theo hình tướng, theo ngoại tướng, mà là theo sự lý viên dung, pháp thân huệ mệnh trong ngoài như một để thể hội và chứng nghiệm, vì vậy nên có điều gọi là “gộp tất cả lời nói vào một câu, gom đại thiên thế giới vào một hạt bụi”.

Bài viết liên quan

Phản hồi