Hoàng đế hủy báng Phật pháp chịu quả báo kinh hoàng

Chu Vũ Đế được xem là một trong số ít những vị vua có thành tựu trong thời loạn thế kéo dài hơn 200 năm của hai triều Nam – Bắc, nhưng vì hủy báng Phật pháp, cuối cùng ông phải nhận lấy quả báo rất đỗi kinh hoàng…

Chu Vũ Đế – Vũ Văn Ung (543 – 578), tự Nễ La Đột, người ở huyện Vũ Xuyên, Đại quận (nay thuộc Vũ Xuyên, nội Mông Cổ), là vị hoàng đế thứ ba của Bắc Chu, cũng là một trong Tam Vũ Diệt Phật. (Tam Vũ Diệt Phật còn được gọi là Họa Tam Vũ, là ba cuộc đàn áp chống lại Phật pháp trong lịch sử Trung Quốc, được thực hiện bởi ba vị vua: Bắc Ngụy Thái Vũ Đế, Bắc Chu Vũ Đế và Đường Vũ Tông, vì thụy hiệu và miếu hiệu của ba vị vua này đều có chữ Vũ, nên người ta gọi chung ba cuộc đàn áp này là “Tam Vũ Diệt Phật”)

Năm Kiến Đức thứ 6 (năm 577), sau khi Bắc Chu tiêu diệt Bắc Tề, Chu Vũ Đế ngay lập tức tiến hành chính sách tiêu diệt Phật giáo, phá hủy 40 ngàn ngôi chùa, cưỡng chế 3 triệu tăng ni hoàn tục. Bắc Chu – Vũ Đế vừa muốn ngăn cấm Phật giáo vừa muốn ngăn cấm Đạo giáo. Tuy nhiên, tháng 6 năm 578, Chu Vũ Đế mắc phải một căn bệnh quái ác, toàn thân thối rữa mà chết, Chu Vũ Đế qua đời khi mới 36 tuổi.

Trong suốt thời gian tại vị, Chu Vũ Đế ra sức xóa bỏ những phong tục cũ của người Tiên Ti và tiếp nhận văn hóa của nhà Hán, ông chỉnh đốn lại tác phong và cách làm việc của quan viên địa phương, giúp chính trị của Bắc Chu trở nên minh bạch rõ ràng, nhờ vậy mà bá tánh có cuộc sống yên ổn, quốc gia ngày càng lớn mạnh. Vũ Văn Ung sống rất chân chất và cần kiệm, ông luôn quan tâm đến nỗi khổ của người dân. Theo như sử sách ghi chép, ông “mặc áo vải, nằm chăn vải… hậu cung không quá mười mấy người”. Có thể nói, Chu Vũ Đế được xem là một trong số ít những vị vua có thành tựu trong thời loạn thế kéo dài hơn hai trăm năm của hai triều Nam Bắc, nhưng vì hủy báng Phật pháp, cuối cùng nhận lấy quả báo. Hy vọng câu chuyện dưới đây có thể mang lại bài học quý giá cho mọi người.

Chu Vũ Đế (hình ảnh: Do họa sĩ nhà Đường, Diêm Lập Bản vẽ)

Trong “Minh Báo ký” của nhà Đường có kể về một câu chuyện như thế này:

Chu Vũ Đế rất thích ăn trứng gà, ông có thể ăn được rất nhiều quả trứng trong một bữa. Khi ấy Bạt Hưu là người cai quản việc ăn uống của vua, vì thường xuyên hầu hạ hoàng đế ăn cơm nên rất được sủng ái. Sau khi Bắc Chu diệt vong, Tùy Văn Đế lên ngôi, Bạt Hưu vẫn giữ nguyên chức vụ ban đầu. Vào những năm Khai Hoàng, Bạt Hưu chết một cách đột ngột, nhưng vì thấy tim ông vẫn còn có hơi ấm, cho nên người nhà không đành lòng mang thi thể ông đi chôn cất.

Ba ngày sau, Bạt Hưu đột nhiên tỉnh lại. Câu đầu tiên sau khi ông tỉnh lại chính là nói: “Đưa ta đi gặp hoàng thượng, ta phải chuyển lời của Chu Vũ Đế đến hoàng thượng”. Thế là người nhà ông giúp ông sắp xếp việc xin gặp vua. Sau đó Tùy Văn Đế cho người truyền gọi Bạt Hưu vào cung, Tùy Văn Đế hỏi ông muốn chuyển lời gì của Chu Vũ Đế.

Bạt Hưu bẩm tấu rằng: Sau khi ông đột ngột qua đời, ông nghe thấy có người gọi mình, sau đó ông đi theo người đó đến một cái hang động lớn, tất cả những lối đi ở chỗ đó đều thông vào hang động này. Khi ông vừa bước đến trước cửa hang thì nhìn thấy có hơn một trăm người cưỡi ngựa đang từ phía tây đi tới, bọn họ đang bảo vệ một người trông giống như là quốc vương. Đợi khi bọn họ đến trước cửa hang động, Bạt Hưu mới nhận ra người trông giống quốc vương đó chính là Chu Vũ Đế. Thế là ông hành lễ với Chu Vũ Đế, Chu Vũ Đế nói: “Diêm vương truyền gọi ông đến là để làm chứng cho chuyện của ta, bản thân ông vốn không có tội”, nói xong liền bước vào trong hang động.

Sứ giả âm phủ cũng đưa Bạt Hưu vào trong hang động, đi vào điện Diêm vương. Ông nhìn thấy Chu Vũ Đế và Diêm vương đang ngồi cùng nhau, Chu Vũ Đế đối với Diêm vương vô cùng cung kính. Sứ giả kêu Bạt Hưu hành lễ với Diêm vương. Diêm vương hỏi: “Trong những năm ông chuẩn bị cơm nước cho Chu Vũ Đế, Chu Vũ Đế tổng cộng ăn hết mấy quả bạch đoàn?”. Bạt Hưu không hiểu “bạch đoàn” mà Diêm vương nói có nghĩa là gì, ngơ ngác nhìn mọi người xung quanh. Sứ giả âm phủ nói với Bạt Hưu bạch đoàn chính là trứng gà. Thế là Hạt Hưu trả lời rằng Chu Vũ Đế thường xuyên ăn bạch đoàn, nhưng ông chưa từng đếm con số cụ thể là bao nhiêu.

Diêm La vương (Hình ảnh: hội họa nhà Thanh)

Diêm vương nói với Chu Vũ Đế, người này chưa từng đếm ông đã ăn bao nhiêu quả, vì vậy chúng ta cần phải lấy hết toàn bộ ra để đếm. Chu Vũ Đế nghe thấy vậy liền cảm thấy không vui, ông vội vàng đứng lên. Một lúc sau, trong điện Diêm vương bỗng nhiên xuất hiện một chiếc giường sắt, và còn có mười mấy tên lính gác, tất cả đều là đầu trâu thân người. Chu Vũ Đế nằm lên trên chiếc giường sắt, những tên lính gác này dùng xà sắt đè lên người của ông, hai bên mạn sườn của Chu Vũ Đế nứt ra. Sau đó những quả trứng gà không ngừng trào ra từ khe nứt đó, không lâu sau những quả trứng gà chất thành một đống còn cao hơn chiếc giường, khoảng mười mấy hộc (năm đấu là một hộc). Diêm vương kêu đám lính đếm đống trứng gà đó, sau khi đếm xong, chiếc giường và đám lính đều biến mất, còn Chu Vũ Đế thì lại ngồi trở về chỗ cũ. Sau đó Diêm vương nói với Bạt Hưu rằng: “Ông có thể quay trở về rồi”.

Khi sứ giả đưa Bạt Hưu ra đến cửa hang, Chu Vũ Đế bước ra nói với Bạt Hưu: Ông thay ta chuyển lời đến Thiên tử (tức là vua) nước Tùy, trước kia ông ấy từng là cộng sự của ta, mà vàng bạc châu báu và vải vóc trong quốc khố hiện giờ cũng đều là do ta tích trữ. Vì khi còn sống ta từng hủy báng Phật pháp trong thời gian làm hoàng đế, cho nên hiện nay phải chịu đau khổ, xin ông ấy thay ta làm công đức”. Sau khi Tùy Văn Đế nghe xong những lời này của Bạt Hưu, liền ban bố lệnh trong thiên hạ, yêu cầu mỗi nhà bỏ ra 10 xu để giúp Bắc Chu Vũ Đế tạo công đức, giúp Bắc Chu Vũ Đế sớm được siêu thoát.

Ngoài ra, trong “Tục cao tăng truyện” cũng có kể về một câu chuyện như thế này: Vào năm Khai Hoàng thứ 8 của nhà Tùy (năm 588), Kinh triệu doãn Đỗ Kỳ qua đời, ba ngày sau sống lại, nói rằng mình đã gặp Diêm vương, còn nói là gặp được Chu Vũ Đế đang chịu khổ dưới âm phủ do quả báo hủy diệt Phật pháp. Đỗ Kỳ hỏi Chu Vũ Đế tại sao lại ở trong địa ngục. Chu Vũ Đế nói rằng vì ông từng hủy diệt Phật pháp nên mới gặp báo ứng như vậy. Chu Vũ Đế nhờ Đỗ Kỳ chuyển lời đến nhân gian, khuyến cáo mọi người không nên làm việc ác, cần phải hành thiện tích đức, đồng thời nhờ Đỗ Kỳ chuyển lời đến đại thần Vệ Nguyên Tung, xin Vệ Nguyên Tung thay ông làm nhiều việc thiện để tạo phúc, hy vọng có thể giúp ông sớm được thoát ly biển khổ. (Kinh triệu doãn là một chức quan trong triều đình Trung Quốc thời xưa, chuyên quản lý hành chính và trị an trong kinh đô)

Câu chuyện này của Chu Vũ Đế cho chúng ta biết luật nhân quả không bỏ sót một ai, cho dù là thân phận cao quý hay thấp hèn, một khi đã gieo nhân ác thì phải gặt quả ác. Cho dù là Chu Vũ Đế với thân phận đế vương cao quý, nhưng bởi vì hủy báng Phật pháp, sau khi chết vẫn bị đọa xuống dưới địa ngục để chịu khổ. Tuy rằng đã biết sám hối những nghiệp mà mình gây ra, nhưng đã quá muộn, chỉ có thể chờ người khác trợ giúp để cứu mình giảm bớt tội khổ mà thôi. Hai vị hoàng đế còn lại trong “Tam Vũ Diệt Phật” sau khi chết chắc cũng phải hứng chịu quả báo giống như vậy.

Theo Sound of Hope
Châu Yến biên dịch

Bài viết liên quan

Phản hồi