Cần tổ chức Đại lễ cầu siêu cho các nạn nhân tử vong vì Covid

Ngày 9/8/2021, theo số liệu thống kê của Wikipedia, toàn thế giới đã có 203 triệu ca nhiễm Covid, trong đó có 4,29 triệu ca tử vong. Riêng tại Việt Nam, ghi nhận 206 ngàn ca nhiễm và 3.250 ca tử vong. Tất nhiên, con số tử vong vì Covid trên toàn cầu, sẽ tiếp tục gia tăng, khi các biến chủng Covid mới như Delta, Delta plus, Lambda lần lượt xuất hiện khắp nơi trên thế giới.

Đáng lo ngại nhất là các biến thể có khả năng kháng Vắc Xin và qua mặt xét nghiệm PCR. Thảm cảnh chết chóc bao trùm tại Ấn Độ chỉ là một mảng tối trong bức tranh hiểm hoạ tổng thể do Covid để lại. Dù chiến tranh thế giới thứ 2 đã qua đi, nhưng hiểm họa của COVID – 19 đã trở thành nỗi đau lịch sử, đó là điều chẳng ai có thể phủ nhận.
Mùa Vu Lan PL 2565 – DL 2021, Sài Gòn đau nặng khắp nơi đều giăng dây, không khí tang thương bao trùm khắp tâm dịch, khi các bệnh viện dã chiến, nhà xác, lò thiêu đều quá tải, đã phản ảnh phần nào nỗi đau sanh ly tử biệt của nhân loại trong cơn đại dịch. Thành phố buồn chết lặng trong âm vang tiếng còi xe cấp cứu. Ngoài phố không một bóng người, trừ các đoàn từ thiện, các tình nguyện viên, những ai ở tuyến đầu chống dịch làm nhiệm vụ.
Toàn quốc, đã có hơn 600 Tăng Ni Phật tử xung phong lên đường phụng sự. Quyết định tiếp nhận tạm thờ tro cốt của người qua đời vì Covid tại Chùa Long Hoa của Phật giáo Tp. HCM đã làm lòng người thêm ấm lại, ngoài sự sẻ chia đùm bọc của Tăng Ni Phật Tử trong và ngoài nước trong suốt thời gian bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội.
Theo Thông Bạch của Hội Đồng Trị Sự GHPGVN, về việc tiến hành Đại Lễ Vu Lan Báo Hiếu PL 2565 – DL 2021, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến vô cùng phức tạp, tất cả cơ sở tự viện Phật giáo trên toàn quốc sẽ tiếp tục cấm túc an cư, tụng kinh Vu Lan báo hiếu thâm ân Cha mẹ, hồi hướng cho Cửu Huyền Thất Tổ, Chiến sĩ trận vong, cầu nguyện dịch bệnh sớm tiêu trừ, quốc thái dân an.

Nghĩa là lễ Vu Lan năm nay, sẽ được cử hành trong phạm vi nội tự. Sẽ không có các buổi lễ Bông Hồng Cài Áo, Rửa Tay Cho Mẹ, tưởng niệm ân đức sanh thành, đầy xúc động tại các tự viện Phật giáo mà thay vào đó là các chương trình đại lễ online được phát trực tiếp. Dù vậy, tinh thần hiếu đạo của người con Phật vẫn tiếp tục lan tỏa bức thông điệp thiêng liêng cao quý về tấm gương hiếu hạnh của Bồ Tát Mục Kiền Liên trên mạng xã hội. Cho nên tầm quan trọng của mùa Vu Lan Báo Hiếu vẫn không hề suy giảm. Bởi đây là một đại lễ đã ăn sâu vào tâm thức của Dân tộc, cũng như gắn liền với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” trong văn hoá truyền thống.
Ngoài ra, Vu Lan có nghĩa là “Giải Đảo Huyền”, nên rằm tháng bảy còn được xem là ngày “Xá tội vong nhân”. Đây là dịp để chúng ta tưởng nhớ về các bậc tiền nhân đã khuất, siêu độ cho gia tiên và bố thí cho các loại Cô hồn, Ngạ quỷ. Sự ra đời pháp môn Thí Thực của Phật giáo Đại Thừa theo nhu cầu thực tế hoàn toàn có cơ sở từ kinh điển Nam Bắc Truyền, chứ không hề hư ngụy làm biến tướng Phật giáo, như những kẻ cực đoan bài xích. Điều này trong kinh Ngạ Quỷ Ngoài Bức Tường, Kinh Du Già Tập Yếu Cứu A Nan Đà La Ni Diệm Khẩu Quỹ Nghi đã nói rõ. Trong hoàn cảnh dịch bệnh hiện nay, ngoài việc tế bần, thí dược, nghi lễ Phật giáo lại trở thành một phương tiện nhập thế tối ưu nhất để xoa dịu lòng người trong cơn khủng hoảng.
Đó là niềm đau mất người thân chưa nguôi, cộng thêm những trăn trở của tang quyến không lo được hậu sự cho người khuất chu toàn, của người còn sống. Trong lúc đại dịch hoành hành, các tỉnh thành còn thực hiện giãn cách xã hội, người chết đành giao cho các cơ sở y tế và dịch vụ mai táng lo liệu. Nhất là những người chết vì Covid, đã qua đời trong đau đớn và cô độc trên giường bệnh, rất cần sự hộ niệm của chư Tăng để giải thoát trong giai đoạn thân trung ấm. Huống chi không chỉ riêng Sài Gòn, hay toàn quốc mà cả những vong linh chết vì dịch bệnh trên toàn cầu, cũng đang rất cần sự trợ duyên của cộng đồng Phật giáo trong mùa lễ Vu Lan, để giúp họ siêu thoát.
Cho nên, thiết nghĩ với ý nghĩa cao đẹp ấy, GHPGVN cần kêu gọi Tăng Ni Phật tử toàn quốc tụng kinh hồi hướng cầu siêu cho các nạn nhân tử vong vì Covid-19. Đặc biệt là các Đại Tòng Lâm khắp ba miền Bắc Trung Nam nên đứng ra tổ chức các đại lễ trai đàn chẩn tế trong phạm vi cho phép, trước hoàn cảnh tang thương hiện tại cũng như sau khi đại dịch kết thúc. Do hoàn cảnh giãn cách xã hội, các gia đình Phật tử có thể đăng ký cầu siêu với nhà chùa qua mạng xã hội và chương trình đại lễ cầu siêu ở các nơi sẽ được phát trực tiếp.
Tuy nhiên, với bi nguyện thống thiết của hàng xuất sĩ, bằng năng lực thí vô uý, đối tượng được chẩn tế ở đây là tất cả nạn nhân đã chết vì Covid trên toàn cầu, không phân biệt sắc tộc, tôn giáo, đẳng cấp và phạm vi lãnh thổ. Đó chính là biểu hiện “Vô duyên từ, đồng thể đại bi tâm” của Phật giáo. Nhằm xoa dịu nỗi đau mất mát người thân trong cơn đại dịch, cũng như tiếp độ chư vong linh trong cảnh giới U minh chưa được siêu thoát, bằng cách khởi tâm phát ra năng lượng Từ Bi, khiến âm siêu, dương thới.
Tuy nhiên, với tinh thần phụng sự tuỳ duyên, đối với các tự viện đang còn giãn cách, không thể thực hiện các pháp sự trọng đại như Trai Đàn Chẩn Tế, hay tại tư gia của các gia đình Phật tử, cũng nên lập bàn hương án, tuỳ nghi cúng thí, tỏ lòng thương tưởng đến các vong hồn chết vì dịch bệnh nhân dịp lễ Vu Lan. Bởi: “Phép thiêng biến ít hoá nhiều, thảy nhờ Tôn giả (A Nan) chia đều chúng sanh”.
Cho nên, không luận là cúng phẩm đơn sơ đạm bạc hay bày la liệt hương hoa, chỉ cần chư Tăng Ni Phật tử hướng đến chư vị quỷ thần Ôn dịch, Hành Bệnh Quỷ Vương và quyến thuộc của các vị ấy như Kinh Phật Thuyết Khước Ôn Hoàng Thần Chú, Kinh Địa Tạng … đã nêu, cũng như các vong linh mất vì Covid và các oan gia trái chủ nhiều đời của tất cả chúng sanh, sẽ chuyển hoá được cộng nghiệp sát sanh của nhân loại trên toàn cầu. Đó là nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh theo tinh thần nhân quả.
Ngoài ra, pháp âm Đại Hồng Chung còn có thể xua tan oán khí do cộng nghiệp sát sanh của nhân loại đang hội tụ, nên rất mong trong thời gian giãn cách xã hội, các chùa không thể lơ là tiếng chuông, cũng như có thể linh động thỉnh chuông phi thời, ngoài hai buổi sớm tối, để cầu nguyện dịch bệnh tiêu trừ, Quốc thái dân an.
Bên cạnh sự đóng góp của y học cho nhân loại, lúc này cần lan tỏa thêm năng lượng tích cực đó là ảnh hưởng của đạo học. Lễ cầu siêu cho những người chết vì Covid của Phật giáo, đóng vai trò rất quan trọng. Chúng ta đã từng tổ chức cầu siêu cho ông bà cha mẹ để dạy về Hiếu đạo, cầu cho các Anh hùng liệt sĩ để tỏ lòng tri ân, cầu siêu cho các nạn nhân tai nạn giao thông để giáo dục ý thức tham gia giao thông và giảm trừ tai nạn, thì có thể tổ chức lễ cầu siêu cho những người chết vì Covid để chia sẻ nỗi đau nhân loại, tịnh trừ dịch khí lưu hành cũng như nhắc nhở mọi người về ý thức trách nhiệm bảo vệ tự thân và cộng đồng theo hướng dẫn y tế và quy định pháp luật trong cơn đại dịch.
Được vậy, thì mùa Vu Lan PL 2565 – DL 2021, sẽ là tháng “Cô hồn” ngập tràn tình thương và hạnh phúc. Bởi đó không còn là tháng hoang mang lo sợ của truyền thông bẩn mà là tháng sẻ chia nỗi đau cùng nhân loại, không có bất cứ tôn giáo nào có thể kham nhận ngoài nghi lễ đặc trưng của Phật giáo Đại Thừa. Rất mong chư tôn đức Tăng Ni cùng bắt tay vào hành động.
Cuối cùng, xin mượn lời bài Văn Tế Cô Hồn Dịch Bệnh, để cầu nguyện các vong linh tử nạn trong đại dịch Covid 19, được siêu thoát:
Ô hô!
Mặt trời đã khuất đầu non,
Trẻ già lặn lội mỏi mòn lang thang
Cơn dịch bệnh điêu tàn khắp chốn
Ngõ âm ty mờ mịt nhá nhem
Tình tiền danh lợi lắm phen
Còn đâu phút chốc xuôi tay được gì!
Nọ Vũ Hán tiền bay lả tả
Kia trời Âu như rạ phơi thây
Kể chi già trẻ gái trai
Sang hèn cũng thác, giàu nghèo cũng vong!
Nay tháng bảy Vu Lan trẩy hội
Chốn U Minh đại xá khai ân
Cúi xin Địa Tạng từ tôn
Ra tay cứu vớt u hồn lênh đênh.
Vì bệnh dịch không ai cúng tế
Chẳng tiễn đưa, chưa kịp trối trăn
Đến khi tử biệt dương trần
Còn mang u uất chập chờn bóng ma.
Lạy Bồ Tát Quán Âm Đại Sĩ
Đức từ bi hoá Diệm Nhiên Vương
Ngưu đầu, mã diện dẫn đường
Vô Thường Hắc – Bạch giáng lâm đàn tràng
Xin thỉnh hết cô hồn ngạ quỷ
Cô Rô Na bầu bạn gió sương
Ngụ nơi ngọn cỏ ngàn mây
Hắt hiu gió thổi nghe chuông tìm về!
Nay lễ mọn hương hoa trà quả
Nước từ bi rửa sạch oan khiên
Nguyện nhờ tôn giả A Nan
Chia đều cúng phẩm mười loài an nhiên!
A Di Đà Phật phóng quang
Đưa hồn vong giả về miền lạc bang
Còn chi danh lợi sang hèn?
Còn chi già trẻ tử sanh luân hồi?
Vô thường giấc mộng mà thôi
Không thân, bệnh huyễn, nổi trôi bởi gì?
Sao còn than thở sầu bi
Hồn ơi nhẹ gót mà lên liên đài!
Tiết tháng bảy nhằm mùa dịch bệnh
Hội Vu Lan la liệt hương hoa
Nhất tâm kính thỉnh gần xa
Cam lồ mát dạ tỉnh cơn mộng trần.
Ô hô!
Hồn hỡi mau về!
Nghe câu niệm Phật tiêu diêu sen vàng.
Nam Mô Tiến Vãng Sanh Bồ Tát Ma Ha Tát (3 lần).
Lý Diện Bích

Bài viết liên quan

Phản hồi