Mượn vật để nói thay phúc họa, cao tăng nhà Đường tiên tri cực kỳ ứng nghiệm

Lời tiên tri không nhất định phải dùng ngôn ngữ hoặc chữ viết để diễn đạt, mà còn có thể biểu thị bằng một hình thức khác. Vào thời nhà Đường, có một vị tăng sĩ kỳ dị, khi ông “tiên tri” hầu như rất ít khi nói thẳng, mà mượn vật để “nói thay”…

Sự sống chết và họa phúc của con người cũng được ông dùng vật để tiên tri, kết quả cực kỳ chuẩn xác khiến mọi người đều vô cùng ngỡ ngàng.

Vào triều đại của hoàng đế Đường Huyền Tông, ở huyện Văn Hương (nay thuộc lãnh thổ Linh Bảo, Hà Nam) có một ngôi chùa được khởi công, đến thời của Đường Trung Tông, khi Võ Tắc Thiên nhiếp chính, từng có một vị tăng sĩ điên tên Vạn Hồi sống trong ngôi chùa này, vị tăng sĩ này nhìn có vẻ điên khùng nhưng lại tiên tri rất chính xác. Sau Vạn Hồi, lại có một tăng sĩ kỳ lạ đến ngôi chùa này, dân chúng thời bấy giờ gọi ông là thiền sư Minh Đạt.

Mọi người không biết thiền sư Minh Đạt đến từ nơi đâu. Nhưng bất cứ người khách nào từ nơi xa đến, khi đi qua nơi đây đều sẽ tới chào hỏi thiền sinh Minh Đạt, hỏi ông ấy về chuyện phúc họa hung cát. Tuy nhiên thiền sư Minh Đạt không bao giờ nói rõ ràng, thông thường chỉ mượn vật để nhắc nhở.

Ảnh minh họa: Bức tranh “Liên Xã Đồ” của Lý Công Lân (Phạm vi công cộng)

Từng có người đến thăm thiền sư Minh Đạt, hỏi rằng: “Tôi muốn đến kinh thành thăm cha mẹ, không biết cha mẹ tôi có bình an không?” Thiền sư Minh Đạt đưa cho anh ta một cây gậy bằng tre. Kết quả, sau khi người này đi đến kinh thành, mới biết rằng cha mẹ đã qua đời rồi.

Theo tập tục tang lễ của Trung Quốc thời xưa, người con trai phải cầm tang trượng (gậy tang), còn gọi là ai trượng (gậy thương tiếc). Tang trượng vốn dĩ là cây gậy (thường là gậy tre) để cho người con trai chống, vì sau khi cha mẹ qua đời, người con đau buồn quá độ, cho nên đi đứng khó khăn, cho nên phải chống gậy mà đi. Sau này việc chống gậy trở thành tập tục trong tang lễ. Thiền sư đưa cây gậy tre cho anh ta, có lẽ là muốn nói cho anh ta biết tin cha mẹ mình đã qua đời.

Lại có một người đi đến thăm hỏi thiền sư Minh Đạt về tiền đồ của mình, thiền sư liền dắt một con ngựa ở trong chùa ra cho anh ta cưỡi, và kêu anh ta cưỡi ngựa đi từ nam đến bắc. Sau khi người này đến kinh thành, được bổ nhiệm làm Thái phỏng phán quan. Thái phỏng phán quan là một chức quan của nhà Đường, phụ trách giám sát công việc địa phương, quanh năm cưỡi ngựa đi khắp nơi làm việc, tuần tra các địa phương. Thiền sư mượn vật để tiên tri, kết quả lại hoàn toàn chính xác.

Lại có một người khác đến thăm và hỏi chuyện thiền sư Minh Đạt, ông liền dùng cây tích trượng trong tay mình vẽ xuống nền hình ảnh một đống đất, lại dùng tích trượng đào một hố nhỏ dưới mặt đất. Người này cũng không hiểu như vậy là có ý gì. Đợi sau khi anh ta về đến kinh thành, phần lưng của anh ta bị sưng to, sau khi cắt bỏ cục thịt u đó, không ngờ lại chảy máu đến chết.

Khi Lý Lâm Phố nhậm chức Môn hạ thị lang, từng theo Đường Huyền Tông đi tuần tra miền tây. Trên đường quay trở về kinh thành, Lý Lâm Phố đến gặp thiền sư Minh Đạt. Ông không nói gì cả, chỉ đặt một cái cân lên trên vai của Lý Lâm Phố. Thiền sư làm như vậy chắc chắn có dụng ý riêng của mình. Sau khi Lý Lâm Phố quay trở về kinh thành, dưới sự trợ giúp của Hàn Hưu và Vũ Huệ Phi, vào tháng 5 năm Khai Nguyên thứ 22 (năm 734), Lý Lâm Phố được bổ nhiệm làm Lễ bộ thượng thư cùng Trung thư môn hạ bình chương sự, sau đó lên làm Tể tướng suốt 19 năm.

Thiền sư Minh Đạt còn có thể biết trước được sự sống chết của con người. Khi Lý Ung Môn đảm nhận chức Huyện lệnh của Hồ Thành, có một hôm thiền sư Minh Đạt đột nhiên đến thăm. Ông yêu cầu Lý Ung Môn đưa cho ông con ngựa mà Huyện lệnh hay cưỡi – yêu cầu này có chút đường đột, Lý Ung Môn không hiểu được ý nghĩa bên trong, vì vậy đã không đáp ứng yêu cầu này của thiền sư. Ngày hôm sau, khi Lý Ung Môn đang cưỡi con ngựa đó, chuẩn bị đi ra ngoài, không ngờ con ngựa ở trong sân đột nhiên giơ hai chân trước, chồm mình lên cao, đứng thẳng như con người. Lý Ung Môn không chút phòng bị nên ngã từ trên lưng ngựa xuống, đầu va vào nền đá, chết ngay tại chỗ.

Thiền sư Đạt Minh không những có thể biết trước được phúc họa của con người, mà còn có thể biết trước sự kiện quan trọng của quốc gia xã tắc, ví dụ như tai họa chiến tranh.

Vào một năm nọ, thiền sư thường hay đứng ở ngoài cổng chùa nhìn về phương bắc, còn tự lẩm bẩm một mình rằng: “Vùng đất này sao lại đột nhiên xuất hiện nhiều binh mã như vậy?”, sau đó lại thở dài một tiếng rồi nói rằng: “Tại sao vùng đất này lại có quân đội ở khắp mọi nơi?”

Bức tranh “Minh Hoàng Hạnh Thục Đồ” của người Đường, được lưu giữ tại Bảo tàng Quốc gia Đài Bắc (ảnh: Phạm vi công cộng)

Huyện Văn Hương giáp Hàm Cốc Quan ở phía đông, nối tiếp Đồng Quan ở phía tây, xưa nay luôn là mảnh đất mà các nhà quân sự binh biến tranh giành. Vào năm Thiên Bảo thứ 14 (năm 755), người Hồ do An Lộc Sơn cầm đầu, khởi binh tạo phản. Đường Huyền Tông phái Đại tướng Ca Thư Hàn (699-757) trấn thủ tại Đồng Quan, để chống lại sự xâm lược của người Hồ. Vì vậy mà huyện Văn Hương ở gần Đồng Quan cũng trở thành chiến trường.

Theo Epoch Times
Châu Yến biên dịch

Bài viết liên quan

Phản hồi